Hideki Tojo sinh năm 1884 tại quận Kojimachi của Tokyo, cha ông là Hidenori Tojo, một sĩ quan quân đội thuộc tầng lớp samurai.
Tojo lớn lên trong kỷ nguyên nước Nhật phát triển mạnh mẽ dưới thời Minh Trị - bắt đầu từ năm 18 sau khi thời Shogun chấm dứt, với việc khôi phục quyền lực cho Nhật hoàng. Thời kỳ Minh Trị cũng đánh dấu sự kết thúc của chế độ đặc quyền dành cho tầng lớp samurai như một phần trong chương trình cải cách để hiện đại hóa và công nghiệp hóa Nhật Bản.
Trung thành Nhật hoàng, kịch liệt chống phương Tây
Tojo đi theo sự nghiệp của cha. Năm 1905, ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Nhật Bản và luôn khắc sâu những giá trị quân sự của thời kỳ đó: trung thành tuyệt đối với hoàng đế và hy sinh lợi ích cá nhân vì tổ quốc.
Từ khi còn là một thanh niên, Tojo đã nung nấu quan điểm chống phương Tây. Năm 1904-1905, Nhật Bản tham gia cuộc chiến tranh với Nga nhằm giành quyền kiểm soát khu vực Mãn Châu (Trung Quốc) và Triều Tiên. Bất chấp Nhật thắng rõ ràng trong cuộc chiến đó, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đã dàn xếp Hiệp ước Portsmouth, không chấp nhận giao Mãn Châu cho Nhật Bản mà khôi phục vùng đất này thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Nhiều người Nhật trong đó có Hideki Tojo coi đó là một hành động phân biệt chủng tộc với Nhật Bản, rằng phương Tây không bao giờ công nhận quyền lực của một nước phi da trắng. Mối thù ghét phương Tây càng nhân lên khi vào năm 1924 Quốc hội Mỹ thông qua luật cấm người di cư từ toàn bộ châu Á.
Năm 1931, Nhật Bản đưa quân xâm lược Mãn Châu, thiết lập chính quyền bù nhìn Manchukuo. Năm 1934, Hideki Tojo được thăng chức lên Đại tướng và năm tiếp theo ông chỉ huy Kempetai, lực lượng quân cảnh giống như Gestapo của Đức Quốc xã, ở Mãn Châu. Tojo tỏ rõ quan điểm nước Nhật cần phải trở thành một nhà nước chuyên chế để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tiếp theo.
Khi quyền lực của Tojo ngày càng lớn, nhân vật này được mệnh danh là Kamisori (Dao cạo) vì tính cách quyết đoán và lạnh lùng.
Nấc thang tiếp theo của Hideki Tojo là vào năm 1937, ông được cử làm Tổng chỉ huy Đội quân Quan Đông ở Mãn Châu. Năm kế tiếp, ông được bầu làm Thứ trưởng Bộ Chiến tranh và năm 1940, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Chiến tranh.
Chiến tranh bắt đầu
Vào khoảng thời gian này, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã lên đến đỉnh điểm khủng hoảng mới. Tháng 7/1937, một cuộc giao tranh trên Cầu Marco Polo ở Bắc Kinh, còn gọi là “sự cố Trung Hoa”, đã khởi đầu cuộc Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai, trước sự phản đối của Mỹ và phương Tây.
Nhật Bản chiếm kinh đô Nam Kinh của Trung Quốc, gây ra vụ cưỡng hiếp và thảm sát người dân tại đây trong sáu tuần, còn được biết đến với cái tên vụ Thảm sát Nam Kinh.
Washington nhanh chóng áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và cấm vận với Nhật Bản, trong đó có cấm xuất khẩu các tài nguyên chiến lược như kim loại, xăng, và điều này càng kích động tâm lý chống Mỹ hơn.
Tháng 9/1940, Nhật Bản ký Hiệp ước liên minh tay ba với Đức và Italy, đồng thời chuyển hướng sang Đông Nam Á để tìm kiếm và đảm bảo nguồn cung cấp tài nguyên chiến lược. Đến tháng 7/1941, phát-xít Nhật đã cướp được toàn bộ các thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam.
Giới lãnh đạo Nhật Bản lúc này mắc kẹt với quyết định phát động chiến tranh với Mỹ hay tiếp tục thương lượng để giành lại nguồn cung cấp xăng quý giá. Tất nhiên bên phe chủ chiến có Hideki Tojo, vốn lo sợ đàm phán với Mỹ có thể dẫn đến Nhật Bản phải nhượng bộ các vùng thuộc địa ở Đông Dương, Triều Tiên và Trung Quốc. Bên phía phản chiến có Thủ tướng Fumimaro Konoe, người vẫn muốn hòa bình với Mỹ.
Nhưng phe chủ chiến đã trở nên áp đảo sau khi Thủ tướng Konoe từ chức vào ngày 16/10/1941, để xuất Hoàng tử Naruhiko Higashikuni thay thế ông. Tuy nhiên, Nhật hoàng Hirohito lại lựa chọn phương án khác. Ngay ngày hôm sau ông bổ nhiệm Hideki Tojo, viên tướng “diều hâu” vào vị trí Thủ tướng Nhật Bản.
Tojo cam kết với Nhật hoàng rằng sẽ tìm cách đạt được một thỏa thuận với người Mỹ với hạn chót là ngày 1/12/1941, nếu không thành Nhật Bản sẽ tuyên chiến với Washington.
Ngày 5/11/1941, nội các do Tojo lãnh đạo đã phê chuẩn chiến dịch tấn công Trân Châu Cảng của Mỹ, và các đội đặc nhiệm tham gia chiến dịch bắt đầu phối hợp với nhau từ ngày 16/11.
Ngày 26/11/1941, Mỹ công bố Bản ghi nhớ Hull, đặt theo tên Ngoại trưởng Cordel Hull, yêu cầu rút toàn bộ quân Nhật khỏi Trung Quốc và Đông Dương. Tojo coi đây là một tối hậu thư. Sẽ không thể có hòa bình. Vài ngày sau đó, dưới sự thúc giục của Thủ tướng Tojo và nội các, ngày 1/12 Nhật hoàng Hirohito đã đồng ý với kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng.
Đúng một tuần sau, ngày 7/12/1941, các phi đội máy bay Nhật đã điên cuồng không kích cảng Trân Châu ở Hawaii, nhấn chìm hàng chục chiến hạm Mỹ và làm hơn 2.400 người thiệt mạng. Đòn tấn công này đã chính thức buộc Mỹ phải tham chiến.
Chiến thắng và bạo tàn
Ban đầu Tojo giành được sự ủng hộ rộng rãi ở trong nước khi Nhật Bản thắng hết trận này đến trận khác. Tuy ông chưa bao giờ đạt được quyền lực giống như Hitler, nhưng Tojo cũng đã phạm những tội ác kinh hoàng không kém.
Dưới thời Tojo, tỉ lệ tù nhân phương Tây chết trong các trại tù Nhật Bản là 27%, cao gấp 7 lần của Đức. Tojo còn phê chuẩn các thí nghiệm sinh học trên cơ thể tù binh chiến tranh. Ông cho phép tiến hành các cuộc bắt giữ và ép buộc hàng ngàn phụ nữ Triều Tiên phải "mua vui”, thỏa mãn ham muốn xác thịt cho binh sĩ Nhật.
Tháng 4/1942, Nhật Bản bắt buộc hàng chục nghìn tù nhân Mỹ và Philippines di chuyển tới các khu vực do Nhật kiểm soát. Hàng ngàn người đã chết trên đường đi trong một sự kiện sau này được tòa án quốc tế tuyên bố là tội ác chiến tranh.
Nhưng sau trận chiến Midway vào tháng 6/1942, gió bắt đầu đổi chiều. Uy tín của Tojo đi xuống khi sức mạnh của người Mỹ mạnh lên trên chiến trường, và đã đẩy được quân Nhật ra khỏi một số vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Tới lúc này, nhiều nhân vật quyền lực ở Tokyo mới nhận ra rằng cuộc chiến đang trên đà thất bại và Tojo đã không có vai trò gì trong việc đàm phán một hiệp định hòa bình hoặc đảm bảo một “đường sống” cho Nhật Bản. Thủ tướng Tojo từ chức vào ngày 18/7/1944 sau khi quân Nhật thua đau ở Saipan, Philippines.
Xem video Tojo và các cấp dưới bị kết án tội ác chiến tranh năm 1948:
Ngay cả khi đã mất quyền lực, Hideki Tojo vẫn là một người trung thành với chủ nghĩa quân phiệt. Ngày 13/8/1945, khi Nhật Bản đầu hàng, Tojo vẫn ngoan cố viết: “Chúng ta giờ phải chứng kiến đất nước đầu hàng trước kẻ thù mà không thể hiện sức mạnh của ta lên 120%. Chúng ta đang trên đường đến một nền hòa bình nhục nhã, đúng hơn là đầu hàng nhục nhã”.
Ngày 11/9/1945, Tướng Mỹ Douglas MacArthur ra lệnh bắt giữ Tojo. Binh sĩ của ông dễ dàng tìm ra Tojo, nhưng Tojo đã kịp nhả một phát đạn vào ngực để tự sát. Vết thương nghiêm trọng, nhưng không làm ông tử vong.
Hideki Tojo được cứu chữa và bị cáo buộc tội phạm chiến tranh loại A. Ông bị kết tội và lĩnh án tử hình vào ngày 12/11/1948. Sáu tuần sau đó,Tojo chết trên giá treo cổ.