Hồi giáo trong chiến lược của Hitler - Kỳ 2

Giới chức Đức quốc xã có khuynh hướng nhìn nhận các cộng đồng người Hồi giáo dưới lăng kính của đạo Hồi, bởi sử dụng chiêu bài tôn giáo thay vì chính sách nhà nước - dân tộc sẽ giúp Berlin né tránh vấn đề gai góc là độc lập dân tộc.


Hơn nữa, tôn giáo dường như là chính sách và công cụ tuyên truyền hữu hiệu để giao tiếp với các cộng đồng đa sắc tộc, ngôn ngữ và văn hóa xã hội.

Tờ bìa cuốn sổ tay Der Islam.

Người Đức coi đạo Hồi như một nguồn quyền lực có thể hợp pháp hóa việc tham chiến và thậm chí là giúp biện minh cho bạo lực. Bởi vậy, Đức quốc xã đã tỏ ra hết sức thực dụng trên khía cạnh chủng tộc: Người Thổ Nhĩ Kỳ, người Iran và người Arab (không theo đạo Do Thái) đã được miễn phải chịu các biện pháp phân biệt đối xử chủng tộc chính thức trong những năm 1930, sau các hành động can thiệp ngoại giao từ các chính phủ ở Ankara, Tehran và Cairo. Trong chiến tranh, người Đức cũng cho thấy sự thực dụng tương tự khi xử lý quan hệ với những người Hồi giáo ở Balkan và các cộng đồng người Turk thiểu số ở Liên Xô. Mọi sĩ quan Đức từ Sahara cho tới Caucasus (Kavkaz) đều ý thức rõ một điều rằng phải đối xử với người Hồi giáo như những đồng minh của mình.

Ở Bắc Phi khi tiếp xúc với cư dân vùng duyên hải, các sĩ quan quân đội Đức cố gắng né tránh xung đột. Đầu năm 1941, quân đội Đức phát cho các binh sĩ cuốn sổ tay “Der Islam”, trong đó hướng dẫn họ cách cư xử phù hợp với người Hồi giáo. Tại vùng sa mạc Libya và Ai Cập, giới chức Đức tìm cách lôi kéo các thủ lĩnh tôn giáo, mà quan trọng nhất là các tộc trưởng của dòng Sufi đầy uy thế.

Binh sĩ Hồi giáo Bosnia tham gia một đơn vị SS

Vấn đề ở chỗ lực lượng tôn giáo quyền uy nhất ở vùng chiến sự Cyrenaica (Đông Libya) - bộ lạc Sanusi thuộc dòng Sufi - đi tiên phong trong cuộc khởi nghĩa chống sự cai trị thực dân của Italy và chiến đấu bên cạnh quân đội của Thống chế Anh Montgomery chống phe Trục (gồm các thế lực chính Đức, Italy và Nhật Bản). Trong bất cứ trường hợp nào, lời hứa hẹn của Berlin giải phóng người Hồi giáo và bảo vệ đạo Hồi mâu thuẫn sâu sắc với tình trạng bạo lực và tàn phá trên khắp khu vực Bắc Phi và người Đức rốt cuộc đã không thể thổi bùng một phong trào Hồi giáo lớn thân phe Trục trong khu vực.

Ở Mặt trận miền Đông (cuộc chiến Đức - Liên Xô) tình hình lại khác hoàn toàn. Người Hồi giáo ở Crimea (Crưm)và Bắc Caucasus đã đối đầu với chính quyền Trung ương kể từ khi Sa Hoàng sáp nhập các khu vực này vào thế kỷ 18 và 19, sau đó tình hình trở nên tồi tệ hơn sau Cách mạng tháng Mười Nga. Dưới thời Stalin, các khu vực Hồi giáo bị ngược đãi về chính trị và tôn giáo ở mức chưa từng có tiền lệ. Nhà chức trách kiểm duyệt các tác phẩm văn học Hồi giáo, cấm lưu hành luật Sharia trong khi sung công tài sản của các cộng đồng Hồi giáo. Ngoài ra những công trình, địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo như nhà thờ, tháp giáo đường bị xâm phạm. Mặc dù vậy, đạo Hồi vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị và xã hội.

Sau khi xâm lược Caucasus và Crimea, giới chức quân đội Đức vốn ráo riết tìm kiếm những “cộng tác viên” địa phương để bình định những khu vực đã càn quét, đã không bỏ lỡ cơ hội tự quảng bá mình là lực lượng giải phóng đạo Hồi. Tướng Ewald von Kleist, chỉ huy Cụm tập đoàn quân A chiếm đóng Caucasus, đã ra lệnh cho các sĩ quan của ông tôn trọng người Hồi giáo và ý thức được những hệ quả mà hành động của quân đội Đức có thể gây ra đối với toàn bộ thế giới Hồi giáo. Ông nhấn mạnh: “Những gì chúng ta làm ở đây sẽ có sức lan tỏa đến tận Iraq, Ấn Độ và cả khu vực biên giới của Trung Quốc. Chúng ta phải thường xuyên ý thức được tác động sâu rộng của các hành động của chúng ta”.

Những mệnh lệnh tương tự cũng được Tướng Erich von Manstein đưa ra tại Crimea. Trong một mệnh lệnh nổi tiếng ngày 20/11/1941, ông yêu cầu “xóa bỏ hệ thống Do Thái- Bolshevik một lần và mãi mãi” và “phải tôn trọng các tập tục tôn giáo của người Tartar Hồi giáo”.

Trong nỗ lực nhằm kiểm soát các vùng hậu phương nhạy cảm chiến lược, người Đức đã tận dụng triệt để các chính sách tôn giáo. Họ ra lệnh tái thiết các nhà thờ, phòng cầu nguyện và cơ sở truyền giáo cũng như xác lập lại các ngày nghỉ lễ tôn giáo. Ở Caucasus, họ tổ chức những buổi lễ lớn vào lúc kết thúc tháng lễ Ramadan năm 1942, trong đó hoạt động đáng chú ý nhất diễn ra ở thành phố Kislovodsk.

Trong thời kỳ Liên Xô, người Hồi giáo ở Kislovodsk không được thực hành lễ Eid al-Fitr công khai và chính điều đó tạo ra sự khác biệt giữa sự cai trị của Berlin và Moscow. Ngoài ra, Đức còn cử đông đảo các tướng lĩnh quân đội cấp cao tham gia lễ này.

Ở Crimea, người Đức thậm chí còn thiết lập một chính quyền Hồi giáo được gọi là “Ủy ban Hồi giáo”. Song rốt cuộc, những kỳ vọng về nền tự do của người Hồi giáo tại các vùng biên giới Liên Xô đã tan vỡ. Thái độ của các quan chức Đức quốc xã đối với các cộng đồng Hồi giáo lạnh nhạt dần theo thời gian họ chiếm đóng. Nhiều binh sĩ Đức chịu ảnh hưởng của sự tuyên truyền coi các tộc người châu Á trong Liên Xô là những người hạ đẳng, không sẵn sàng giao thiệp với người Hồi giáo. Tồi tệ hơn, sau khi Đức rút quân, Stalin đã cáo buộc các cộng đồng Hồi giáo thiểu số thông đồng với kẻ thù và ra lệnh trục xuất họ.

Xem Kỳ 3: Chính sách thực dụng
Huy Lê
Hồi giáo trong chiến lược của Hitler - Kỳ cuối
Hồi giáo trong chiến lược của Hitler - Kỳ cuối

Việc người Đức không thể phân biệt các nhóm Karaite và Krymchak, vốn trên thực tế đều là những cộng đồng Do Thái, quả là điều “ấn tượng”. Cuối cùng, nhóm Karaite được xác định là người sắc tộc Thổ và được tha trong khi nhóm Krymchak bị coi là người sắc tộc Do Thái và bị giết hại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN