Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần hai: Cuộc gặp thứ hai sau 7 năm

Bảy năm sau, Triều Tiên và Hàn Quốc lại tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần nữa, mang theo rất nhiều hy vọng. Lãnh đạo Triều Tiên vẫn là ông Kim Jong-il, người tham gia hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000. Còn phía Hàn Quốc, tổng thống lúc này là ông Roh Moo-huyn.

Chuyến đi lịch sử

Theo tờ The Guardian, nếu như Tổng thống Hàn Quốc thứ 15 Kim Dae-jung đáp máy bay sang Bình Nhưỡng dự hội nghị năm 2000 thì Tổng thống Roh Moo-huyn đã có chuyến đi xuyên biên giới lịch sử.


Ngày 2/10/2007, ông Roh Moo-huyn đã rời thủ đô Seoul của Hàn Quốc trên một đoàn xe hộ tống cùng với các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà tư sản, nhà thơ và các mục sư. Đoàn xe dừng tại khu vực phi quân sự để Tổng thống Roh Moon-huyn và Phu nhân Kwon Yang-sook cùng đi bộ vào Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Hàn Quốc đi bộ sang Triều Tiên.


Họ bước qua dải dải băng nhựa màu vàng in chữ “hòa bình” và “thịnh vượng” dán ngang đường. Phát biểu tại biên giới, Tổng thống Roh Moon-huyn nói: “Tôi thực sự hy vọng sau chuyến đi sang biên giới của tôi lần này sẽ có nhiều người theo sau. Vạck kẻ đường này dần bị xóa bỏ và bức tường sẽ đổ”.

Tổng thống Roh Moo-huyn và nhà lãnh đạo Kim Jong-il tại lễ đón.

Vào tới thủ đô Bình Nhưỡng, ông Roh Moon-huyn được nhà lãnh đạo Kim Jong-il và người dân Triều Tiên chào đón. Sau này khi về Seoul, ông Roh Moon-huyn thừa nhận rằng khi tới Bình Nhưỡng và gặp ông Kim Jong-il, ông đã lo lắng tới mức không thể ngủ đêm 2/10 đó.


Ông Roh Moon-huyn bị giới phê bình cáo buộc là sử dụng hội nghị thượng đỉnh liên Triều để nâng cao tỷ lệ ủng hộ. Ông Roh lúc đó đang ở cuối nhiệm kỳ và phe đối lập bảo thủ đang dẫn trước đảng của ông trong các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử tháng 12 tới. Thậm chí, ông Roh còn bị cảnh báo là không được đưa ra bất kỳ nhượng bộ kinh tế “ngây thơ” nào chỉ để đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên.


Hai bên không thông báo chương trình chính thức hội nghị thượng đỉnh, nhưng có một vấn đề sẽ không được thảo luận đó là chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Vấn đề này được để dành riêng cho đàm phán 6 bên đang diễn ra và có tiến triển trước thềm hội nghị liên Triều lần 2.

Hai nhà lãnh đạo trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2007.

Tuy nhiên, một tuyên bố chung giữa hai bên, trong đó vạch ra bước tiếp theo trong tiến trình phi hạt nhân hóa, đã được thống nhất và gửi cho chính phủ 6 nước tham gia đàm phán thông qua. Trong tuyên bố chung mà hai bên ký, Triều Tiên và Hàn Quốc kêu gọi một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên sau ba ngày hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng. Hai nước kêu gọi đàm phán quốc tế về một hiệp định thay thế thỏa thuận đình chiến để chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Thỏa thuận này được đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên đồng ý chấm dứt chương trình hạt nhân. Triều Tiên đã cam kết thực hiện lộ trình vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân.


Hai bên cũng nhất trí thiết lập một khu vực đánh bắt cá chung ở vùng biển tranh chấp phía Tây, đồng thời thường xuyên tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Ngoài ra, Triều Tiên và Hàn Quốc thống nhất sẽ tổ chức thêm các cuộc đoàn tụ giữa các gia đình bị ly tán bởi Chiến tranh Triều Tiên.


Món quà triệu đô


Theo tờ the Korean Times, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã hào phóng tặng cho vị khách Hàn Quốc bốn tấn nấm thông đắt tiền trị giá khoảng 2,6 triệu USD. Mỗi kilogram nấm thông có thể được bán với giá 600.000 won ở Hàn Quốc.


Ông Kim Jong-il đã cho xe tải chở 500 thùng nấm tới biên giới để Tổng thống Roh Moo-huyn có thể mang về sau ba ngày hội nghị thượng đỉnh. Hồi hội nghị thượng đỉnh năm 2000, ông Kim Jong-il đã tặng ông Kim Dae-jung ba tấn nấm thông.


Đổi lại, Tổng thống Roh đã tặng ông Kim Jong-il một bộ sưu tập các phim truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc vốn bị cấm ở Triều Tiên, cùng với một bộ tách trà và một bình phong.


Khi trở về nước, Tổng thống Roh Moon-huyn phát biểu trước các quan chức chính phủ: “Nếu có thỏa thuận giải giáp hạt nhân, và nếu thỏa thuận hòa bình tiến triển tốt, tôi tin rằng thời kỳ Chiến tranh Lạnh sẽ chấm dứt và sẽ có tái thống nhất, hòa bình thực sự giữa hai quốc gia. Bất kỳ vấn đề xung đột nào, chúng tôi đã nói là chúng tôi sẽ đàm phán. Và chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ hợp tác với nhau. Tôi không nghĩ rằng sẽ có vấn đề trong tương lai”.


Tổng thư ký Liên hợp quốc khi đó, ông Ban Ki-moon, đã gọi thỏa thuận là bước đi lớn tiến tới tăng cường quan hệ liên Triều cũng như hòa bình, an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á. Ông Ban Ki-moon nói trong một tuyên bố: “Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ khi cần với sự phối hợp của cộng đồng quốc tế”.


Thêm một bê bối


Nếu như hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 dính vụ bê bối chính phủ Hàn Quốc trả cho Triều Tiên khoản tiền 500 triệu USD để tham gia hội nghị, thì hội nghị lần hai lại dính vào vụ bê bối tiêu hủy bản ghi chép nội dung cuộc họp.


Vụ bê bối quanh bản ghi chép nội dung bắt đầu khi một nghị sĩ bảo thủ đã đọc các phần ghi chép trong một bài phát biểu tranh cử tại thành phố Busan trước bầu cử tổng thống năm 2012. Ông này cho rằng cố Tổng thống Roh Moon-huyn (mất năm 2009) đã đề xuất bỏ biên giới trên biển ở phía Tây với Triều Tiên, thường được gọi là Đường giới hạn phía bắc (NLL), trong hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong-il năm 2007. Phát biểu của nghị sĩ này đã châm ngòi cho cuộc tranh cãi kịch liệt giữa các bên về việc liệu ông Roh có thực sự nói ra câu đó không. Từ bỏ NLL tức là trao cho Triều Tiên phần biển Hoàng Hải nhiều hơn.


Lúc đó, một cuộc tìm kiếm bản ghi chép đã được thực hiện. Đáng ra bản ghi chép này phải được lưu ở trung tâm lưu trữ quốc gia. Tuy nhiên, cả phe tự do và bảo thủ Hàn Quốc đều không thể nào tìm thấy bản ghi chép.


Tháng 6/2013, cơ quan tình báo nhà nước tiết lộ bản sao của bản ghi chép nói trên, trong đó ông Roh Moon-huyn có nói: “Tôi đồng ý với lãnh đạo Kim Jong-il rằng NLL cần được thay đổi”. Mỗi phe hiểu lời nói của ông Roh một kiểu.


Theo tờ The Korea Herald, năm 2015, hai cựu quan chức thời Tổng thống Roh Moon-huyn đã được tuyên bố trắng án vụ âm mưu phá hủy bản ghi chép hội nghị liên Triều 2007 nói trên. Tòa án kết luận bản bị xóa không phải là văn bản của tổng thống. Ông Roh đã không thông qua bản thảo và yêu cầu hai quan chức trên rà soát, chỉnh sửa. Do đó, quan tòa kết luận xóa bản thảo nháp không phạm pháp và nếu không xóa sẽ gây nhầm lẫn với bản cuối cùng.


Sau hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều, quan hệ hai bên có được cải thiện nhưng sau đó bị lu mờ bởi các căng thẳng tiếp theo. Dư luận đang chờ đợi hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in ngày 27/4 tới sẽ làm được những điều dang dở.


Thùy Dương/Báo Tin tức
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất: Sự kiện lịch sử và vụ bê bối 500 triệu USD
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất: Sự kiện lịch sử và vụ bê bối 500 triệu USD

Ngày 27/4 tới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có một hội nghị thượng đỉnh quan trọng, mà theo lời một quan chức Hàn Quốc là hai bên sẽ ra một thông báo "vĩ đại" chưa từng thấy. Thực tế, hai quốc gia đã từng tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN