Hugh Glass - người trở về từ cõi chết - Kỳ 1

Bất chấp bị thương nặng tưởng như không qua khỏi và thiên nhiên khắc nghiệt, Hugh Glass - một thợ săn lão luyện người Mỹ - đã sống sót trở về nhờ bản năng sống mãnh liệt. Cuộc chiến sinh tồn của ông là cảm hứng cho nhiều cuốn sách, bộ phim mà mới đây nhất là phim được đề cử Oscar “The Revenant” (Người trở về từ cõi chết).

BỊ BỎ RƠI

Ai nhìn Hugh Glass cũng chắc mẩm ông đã đi đời. Chỉ cần nhìn những gì mà bộ móng vuốt dài 8 cm của con gấu cái để lại trên người thợ săn là biết. Những mảng da thịt ở đầu, mặt, ngực, cánh tay, bàn tay bị cào nát. Máu me be bét. Con gấu còn ngoạm cả vào vai và lưng Glass. Tất cả dấu hiệu sự sống chỉ là những quả bong bóng máu được hình thành từ vết rách ở cổ họng mỗi khi Glass thở. Ông sắp chết. Một gã ngốc cũng có thể nhận ra điều đó. Thế nhưng, cái cơ thể đó vẫn thở và thở nữa.

Hè năm 1823, Hugh Glass cùng cả đoàn thợ săn bất chấp mối nguy từ các bộ lạc ở Upper Missouri để tới được các con suối săn hải ly lấy da. Đoàn người gồm thiếu tá Andew Henry cùng các thợ săn, trong đó có Glass, đã bị thiệt hại lớn. Các bộ lạc thù địch đã tiêu diệt nhiều người trong số họ. Người da đỏ Arikara đã giết chết 15 người trong một cuộc tấn công ngày 2/6, buộc họ phải tháo chạy xuống thuyền xuôi theo sông Missouri. Đến tháng 8, 2/3 quân số đã chết, chưa kể nhiều người bị thương, trong đó có Glass bị thương do gấu tấn công.

Diễn viên DiCaprio trong vai Hugh Glass (trái) và hình vẽ Glass ngoài đời thật.

Chỉ huy Henry đã ra lệnh cho nhóm người còn lại đi sát theo đoàn trên đường tới chỗ giấu đám lông hải ly dọc sông Yellowstone và yêu cầu họ không được nổ súng nếu không thật cần thiết. Ai cũng biết rằng gây sự chú ý có nghĩa là chết. Cho dù cẩn trọng như vậy nhưng họ cũng mất thêm hai người nữa do bị tấn công trong đêm. Hai người khác bị thương.

Trong đoàn người, một vài người đã nguyền rủa Glass vì ông đã nổ súng vào con gấu, tiếng súng có thể đã khiến thổ dân chú ý và lần theo dấu vết của họ. Trong khi đó, Glass vẫn còn thở cho dù ai cũng nghĩ ông không qua nổi đêm đó. Đoàn trưởng Henry ra lệnh chặt cành cây làm cáng và yêu cầu cả nhóm thay nhau khiêng Glass trong hai hoặc vài ngày nữa. Công việc khiêng Glass rất nặng nề, tốn sức trong thời tiết lạnh giá, đường khó đi.

Khi đến ngã ba sông Grand (ngày nay là Nam Dakota), Henry buộc phải đối diện sự thật. Ông có thể mất toàn bộ số người trong đoàn nếu cố tìm cách kéo dài sự sống cho một người được xem như đã chết. Họ sẽ để Glass lại để tự hồi phục nếu có thể, hoặc chết trong thanh thản. Tuy nhiên, Henry cần hai người tình nguyện ở bên cạnh Glass cho đến khi ông chết và chôn cất ông tử tế. Ông cho rằng quá trình chờ đợi này sẽ không lâu và hai người sẽ sớm đuổi kịp cả đoàn. Ông đồng ý trả mỗi người một khoản tiền tương đương vài tháng lương. Ông chờ đợi người tình nguyện ở lại nhưng tất cả đều im lặng.

Cuộc vật lộn giữa Glass với con gấu cái.

Cuối cùng, một người lên tiếng và một người nữa. Đó là John S. Fitzgerald và cậu thanh niên Jim Bridger 19 tuổi. Dù nhỏ tuổi nhất nhưng Bridger phải tự nuôi bản thân và em gái. Không rõ động cơ là thực dụng hay vì sự cảm thương với Glass nhưng Bridger đã chấp nhận cái giá. Trước khi có người đổi ý, Henry và 7 người còn lại nhanh chóng đi tiếp.

Fitzgerald và Bridger ở lại với cơ thể bất động, đẫm máu của Glass trên cáng. Họ không thể làm gì giúp ông trừ việc cho ông uống vài giọt nước và xua lũ ruồi. Trời tối rồi lại sáng. Ở lại giờ nào thì nguy cơ bị người thổ dân da đỏ tìm thấy càng tăng. Họ cũng không thể làm gì cho bản thân ngoại trừ canh chừng đề phòng người da đỏ xuất hiện và đào sẵn một cái huyệt. Thêm một ngày, một đêm nữa. Glass vẫn thở. Khả năng hai người đuổi kịp đoàn giảm dần. Thêm một ngày nữa, hơi thở của Hugh Glass khiến họ buộc phải dậm chân tại chỗ. Fitzgerald bắt đầu tính chuyện đi tiếp. Anh ta nói rằng họ đã ở lại lâu hơn Henry dự kiến và đã mạo hiểm hơn nhiều. Giờ là lúc cần cứu bản thân và sẽ không ai đổ lỗi cho họ. Cuối cùng, Bridger cũng đồng ý.

Hai người nhanh chóng thu đồ đạc. Trong lúc gói ghém đồ đạc, Fitzgerald còn muốn giữ nhiều thứ hơn là mạng sống của mình. Anh ta vừa muốn có số tiền thưởng và muốn có danh tiếng. Điều đó có nghĩa là họ phải nói với đoàn trưởng Henry rằng Glass đã chết và được chôn cất. Và trong mộ thì không ai cần súng hay dao, hay viên đá lửa làm gì. Nếu họ không lấy mọi thứ của Glass mang về, có người chắc chắn sẽ hỏi tại sao.

Bridger dù phản đối ý định tước đi mọi vật dụng của một cái xác không chỉ còn ấm mà còn liên tục rên rỉ, nhưng cũng không tìm ra được lý do gì để phản đối. Họ khiêng Glass ra gần chỗ có nước và bỏ đi, mang theo mọi dụng cụ Glass có. Điều họ không thể mang đi là những thứ quan trọng hơn: sự can đảm, cơn giận dữ trước sự phản bội của đồng đội, ý chí sống sót và trả thù. Tâm trí bên trong cái đầu bầm giập đang bừng bừng cơn sốt. Glass ngất đi tỉnh lại. Ông sắp chết. Trước kia, ông cũng từng ở tình cảnh sắp chết.

Hơn 5 năm trước ở làng Pawnee, ông bị trưởng làng treo lên, bắn hàng trăm mảnh gỗ thông vào người và sắp bị biến thành một ngọn đuốc sống. Glass sẽ là vật tế tiếp theo. Nhưng khi đến lượt, Glass đã nhanh trí rút một gói màu đỏ từ túi và bình tĩnh đưa cho trưởng làng. Món quà bất ngờ là thứ bột màu đỏ vừa hiếm vừa quý giá đã biến người đàn ông da trắng từ một vật tế trở thành một người được sủng ái. Những năm tháng ở với người Pawnee đã giúp Glass học được nhiều thứ. Những kỹ năng này liệu có giúp ông chiến thắng trong cuộc chiến sinh tồn?

Thùy Dương
Hugh Glass - người trở về từ cõi chết - Kỳ cuối
Hugh Glass - người trở về từ cõi chết - Kỳ cuối

Khi một bầy sói ngấu nghiến một con nghé gần chỗ Glass, ông cồn cào nhìn chúng xé xác con vật. Sau đó, ông lừa chúng chạy ra chỗ khác và ngấu nghiến ăn gan, ruột và quả tim chúng còn bỏ lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN