Huyền thoại về tư lệnh “thép” nước Phổ - Kỳ 1: Sự nổi lên của Bộ Tổng Tham mưu

Helmuth von Moltke "Lớn" (1800 - 1891).

Một trong những vị chỉ huy vĩ đại nhất trong lịch sử nước Phổ, kiến trúc sư trưởng của những chiến thắng lẫy lừng trên chiến trường góp phần tạo ra nước Đức hiện đại là Helmuth von Moltke "Lớn" (1800 - 1891). Sử gia quân sự người Mỹ, Max Boot từng viết về ông trong cuốn “War Made New”: “... Moltke yêu âm nhạc, thi ca, nghệ thuật, khảo cổ và sân khấu. Ông thạo 7 ngôn ngữ (Đức, Đan Mạch, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ), là một nghệ sĩ đa tài với những cuốn sổ cá nhân chứa đầy các tranh phong cảnh, chân dung, cùng những ghi chép hết sức bình dị về các chuyến đi của ông...”.


Kỳ 1: Sự nổi lên của Bộ Tổng Tham mưu


Đế chế Đức bước vào cuộc chiến năm 1914 là sản phẩm của hàng loạt cuộc xung đột giữa thế kỷ 19 làm đảo lộn cán cân quyền lực ở châu Âu. Sự thống nhất nước Đức đã tạo ra một cường quốc kinh tế và chính trị, cái mốc cho màn thời gian đếm ngược đến chiến tranh thế giới. Hai vị kiến trúc sư trưởng của cuộc cách mạng địa chính trị này là Otto von Bismarck và Helmuth von Moltke.


Có ba cuộc chiến tạo nên nước Đức hiện đại: Vương quốc Phổ đánh bại Đan Mạch năm 1864, đánh bại Áo năm 1866 và Pháp năm 1870 - 1871. Những chiến thắng này đặt Phổ vào vị trí tiên phong trong phong trào dân tộc Đức và cho phép Bismarck, Thủ tướng Phổ, thực hiện cuộc thống nhất với những quốc gia Đức nhỏ hơn. Nhà vua William I của Phổ đã đăng quang ngôi Hoàng đế Đức, William I. Trong khi đó, người lãnh đạo quân đội Phổ trong suốt giai đoạn then chốt của lịch sử châu Âu này là Helmuth von Moltke "Lớn". Gọi như vậy để phân biệt ông với người cháu cùng tên từng làm Tổng Tham mưu trưởng quân đội Đức lúc nổ ra Thế Chiến I, nhưng ít thành công hơn.


 

Bản đồ châu Âu được tái lập trong khoảng từ năm 1864 - 1871 khi 39 quốc gia riêng rẽ được hợp nhất dưới sự lãnh đạo của Phổ (Prussia).

 

Moltke "Lớn" không chỉ là một trong những vị chỉ huy thành công nhất thế kỷ, mà còn là một nhà tư tưởng và một tác gia quân sự vĩ đại. Các kỹ thuật tác chiến do ông sáng tạo đã trở thành một hình mẫu cho các nước khác và mô hình bộ tổng tham mưu mà ông đứng đầu trong ba thập kỷ (1857 - 1887) được áp dụng rộng rãi. Ông có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với các vấn đề quân sự của Đức đến tận khi Đệ tam Đế chế sụp đổ năm 1945 và thật không ngoa khi nói rằng trong giai đoạn từ năm 1864 - 1945, quân đội Đức là cỗ máy chiến tranh hoàn hảo bậc nhất thế giới.


Moltke không phải là ví dụ điển hình về những người nắm giữ các cấp bậc cao trong hàng ngũ quân đội Phổ. Sinh ra bên ngoài nước Phổ ở vùng Mecklenburg láng giềng, ban đầu ông theo học trường quân sự của Đan Mạch trước khi chuyển sang học sĩ quan trong quân đội Phổ.


Ông là người có kiến thức sâu rộng và tinh thần tự lập, có nội lực và quyết tâm nhưng không màng danh vọng. Điều đặc biệt là ông tập sự trong quân đội với tư cách là một sĩ quan văn phòng và chưa bao giờ chỉ huy một đơn vị tác chiến nào, nhưng lại có được những mối quan hệ hữu ích với các thành viên trong hoàng gia. Dưới sự bảo trợ của Hoàng đế William I cộng với các khả năng quân sự bẩm sinh, ông đã được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng quân đội Phổ vào tháng 10/1857.


Sau khi nhậm chức, Moltke lập tức tiến hành những thay đổi sâu rộng trong cách tiếp cận các chiến thuật, chiến lược và sự huy động của quân đội. Ngoài ra, ông cũng cho nâng cấp các hệ thống cơ sở liên lạc, huấn luyện và vũ trang. Là một sử gia, ông còn nghiên cứu nền chính trị châu Âu để xác định những kẻ thù tương lai của Phổ và vạch ra các kế hoạch chống lại những kẻ thù đó. Năm 1859, ông huy động quân đội cho cuộc chiến Áo - Sardinia. Mặc dù Phổ không tham chiến, song sự huy động này được Hoàng tử William vận dụng như một cuộc diễn tập. Nhờ những bài học được rút ra từ đó mà quân đội Phổ đã được mở rộng và tái tổ chức.
Năm 1862, trong bối cảnh Phổ và Đan Mạch tranh cãi nhau về chủ quyền vùng Schleswig - Holstein, Moltke được lệnh chuẩn bị cho khả năng nổ ra một cuộc chiến. Lo ngại sẽ khó có thể đánh bại quân Đan Mạch nếu để họ rút về những thành trì trên đảo, Moltke lên kế hoạch cho quân Phổ tấn công từ hai bên sườn để chặn đường rút của quân Đan Mạch. Khi chiến sự bùng phát tháng 2/1864, do triển khai vụng về mà kế hoạch của ông thất bại và quân Đan Mạch đã thoát hiểm. Sau khi được điều ra tiền tuyến ngày 30/4, Moltke đã thành công trong việc đưa cuộc chiến đến kết thúc thắng lợi. Chiến thắng này đã củng cố ảnh hưởng của ông đối với Nhà vua William I.


Khi Hoàng đế William I và Thủ tướng Otto von Bismarck khởi động các nỗ lực thống nhất nước Đức, chính Moltke là người ấp ủ các kế hoạch và đưa quân đội Phổ đến chiến thắng. Sau khi Moltke tạo được sức ảnh hưởng đáng kể nhờ thành công trước Đan Mạch, các kế hoạch của ông được tuân thủ nghiêm ngặt, chính xác trong những cuộc chiến tiếp theo.


Có thể truy nguyên mô hình Bộ Tổng Tham mưu do Moltke đứng đầu từ cuộc tái cấu trúc quân đội Phổ nửa thế kỷ trước đó, sau thảm bại dưới tay Hoàng đế Pháp Napoleon. Tuy vậy, vào thời điểm Moltke được bổ nhiệm, Bộ Tổng Tham mưu vẫn chưa có được một vị thế chắc chắn. Trực thuộc Bộ Chiến tranh Phổ, cơ quan này thường bị các chỉ huy của những quân đoàn riêng lẻ coi nhẹ.


Đến tận tháng 6/1866, khi Hoàng đế William I cho phép Moltke trực tiếp ra lệnh cho các đơn vị quân đội Phổ trên chiến trường khi chuẩn bị cho cuộc chiến với Áo, một tư lệnh sư đoàn vẫn thắc mắc khi nhận được một chỉ thị có chữ ký của Tổng Tham mưu trưởng rằng: "Có vẻ là một mệnh lệnh tốt. Nhưng Tướng von Moltke là ai cơ chứ?". Phải nhờ tới chiến thắng trong cuộc xung đột với Áo, và tiếp đến là thành công trong cuộc chiến Pháp - Áo năm 1870 - 1871, Moltke mới khẳng định được uy quyền của mình và Bộ Tổng Tham mưu mà ông đứng đầu.


Huy Lê

 

Đón đọc kỳ 2: Bí quyết thành công

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN