Kế hoạch của người Mỹ và sự may mắn của Tưởng Giới Thạch
Ngày 19/2/1944, Phó tướng của Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Trung Quốc J. Stilwell là Donne bí mật triệu kiến Morante tới trụ sở của đoàn cố vấn quân sự Mỹ tại Sa Bình Bá (Trùng Khánh). Khi những câu hỏi thăm xã giao kết thúc, Donne nói luôn: "Tôi và Tướng Stilwell đã cân nhắc kĩ càng và thấy rằng kế hoạch ám sát Tưởng Giới Thạch không thể không có sự hiệp trợ của anh". "Đây có phải là ý định của Tổng thống?", Morante dò hỏi. Vỗ nhẹ vào vai Morante, Donne ôn tồn: “Anh bạn trưởng phòng thân mến, đừng bao giờ bông đùa như thế. Chiến dịch này nếu không may thất bại, trách nhiệm hoàn toàn do tôi gánh gác. Lúc đó, anh cũng có thể trách cứ tôi, nhưng tôi tuyệt đối không làm liên luỵ tới tướng quân Stilwell, càng không bao giờ thừa nhận rằng Tổng thống đã có mật lệnh miệng. Anh đã hiểu chưa nhỉ? Rốt cuộc, đây không phải là chuyện quang minh chính đại…”
Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt |
Morante trịnh trọng nắm chặt tay Donne: “Tôi cảm thấy rất vinh hạnh vì đã được ngài tin tưởng. Thưa tướng quân, tôi được biết phía Anh cũng có kế hoạch trừ khử Tưởng Giới Thạch. Người được giao nhiệm vụ này là bạn của tôi, Đại tá ba sao Charles, Phó Tuỳ viên lục quân Anh tại Trung Quốc…”
Donne liền hỏi Morante một cách tỉ mỉ về kế hoạch ám sát Tưởng Giới Thạch của người Anh, sau đó lắc đầu nói: “Việc họ, họ làm. Chúng ta không cần phải hợp tác với họ. Quan hệ giữa người Anh và cảnh sát, đặc biệt là quân đội Tưởng Giới Thạch đang rất căng thẳng. Cho nên, kế hoạch của họ khó có thể thành công. Kế hoạch của chúng ta chắc chắn hơn nhiều. Theo tin tình báo đáng tin cậy, vào trung tuần tháng 3 tới, hai vợ chồng Tưởng Giới Thạch sẽ thăm Ấn Độ. Trên đường đi, Tưởng Giới Thạch sẽ ghé thăm căn cứ quân sự Udaipar ở bang Uttar Pradesh để trao thưởng cho một số tướng lĩnh của lực lượng viễn chinh Trung Quốc. Việc của chúng ta là phải làm thế nào để động cơ chiếc chuyên cơ chở vợ chồng Tưởng Giới Thạch sẽ bị trục trặc khi bay qua dãy Himalaya, buộc tất cả mọi người trên máy bay phải nhảy dù thoát nạn. Nhưng khi sờ tới, không một chiếc dù nào trên máy bay có thể dùng được. Hậu quả là máy bay tan tành, người về Tây Thiên. Hôm sau, báo chí các nước đều đăng tin Tưởng Giới Thạch chết trong một vụ tai nạn máy bay. Không ai có thể nghi ngờ chúng ta vì người Mỹ từ trước tới nay đều ủng hộ Tưởng Giới Thạch và họ sẽ ngờ rằng đó là tác phẩm của người Nhật…”
Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Trung Quốc thời kháng Nhật, Tướng bốn sao Joseph Warren Stilwell |
Morante gật đầu tán thưởng: “Xem ra việc này phải để cho đoàn không quân số 14 của chúng tôi làm rồi. Phía Trung Quốc thường mời các kĩ sư của chúng tôi kiểm tra, sửa chữa chiếc chuyên cơ của Tưởng Giới Thạch. Tướng quân hãy yên tâm, chúng tôi nhất định sẽ sắp xếp việc này”.
“Thế thì tốt rồi. Phán đoán của tôi quả không sai. Anh chính là người đáng để chúng tôi tin tưởng. Tôi nghĩ sự hợp lực của chúng ta nhất định sẽ đạt được thành công”, Donne vui vẻ nói.
Hạ tuần tháng 2/1944, Cục trưởng Cục Quân thống (cảnh sát mật), Đái Lạp báo cáo Tưởng Giới Thạch: “Thưa Uỷ viên trưởng, tôi có việc muốn nói với ngài. Hiện nay, Charles thường xuyên gặp gỡ, liên hệ với một số sĩ quan quân đồng minh và ra lệnh cho các nhân viên tình báo dưới quyền đẩy mạnh hoạt động ở khắp nơi. Mấy ngày trước, tai mắt cài cắm của chúng ta báo về là Charles đã bí mật mời Trưởng phòng Tình báo đoàn không quân số 14, Đại tá ba sao Morante tới toà Đại sứ quán Anh. Hai người bàn bạc tới khuya. Nội dung ta không nắm được, nhưng có nhiều dấu hiệu rất khả nghi…”
Tưởng Giới Thạch cười, lắc đầu: “Đái Lạp ơi, anh lại quá nhạy cảm rồi. Tôi không tin người Anh dám ám sát tôi, trừ phi họ mất lí trí. Người Mỹ thì càng không thể. Stilwell tuy nóng tính, lại chủ quan và ngạo mạn, thường tranh cãi với tôi, làm cho quan hệ hai bên căng thẳng, nhưng ông ta đường đường là một vị quân tử, không phải một kẻ mưu mô. Anh hãy dành tinh lực nhiều hơn để đề phòng Trung Cộng và Nhật Bản…”. Nghe vậy, Đái Lạp chỉ còn cách cúi đầu cáo lui.
Chuyện như vậy, tưởng chừng số phận Tưởng Giới Thạch đã an bài. Tuy nhiên, ngay sau đó, quân đội Tưởng Giới Thạch bị quân Nhật bao vây, tấn công ở Quế Lâm, Liễu Châu và Hoành Dương. Tình hình căng thẳng trên chiến trường đã khiến Tưởng Giới Thạch buộc phải huỷ bỏ kế hoạch thăm Ấn Độ. Chiến dịch mưu sát Tưởng Giới Thạch của người Mỹ vì thế mà phá sản theo. Cuối năm 1944, tướng Stilwell cũng bị cách chức, triệu hồi về Mỹ. Điều thú vị là sau khi Tưởng Giới Thạch bị thua trận trong cuộc nội chiến, phải chạy ra Đài Loan, Stilwell được bổ nhiệm là Trưởng đoàn cố vấn quân sự Mỹ tại Đài Loan. Quan hệ giữa hai người trở nên hoà dịu. Do đó, Tưởng Giới Thạch càng không thể biết trước đó, người Mỹ đã lên kế hoạch trừ khử mình. Bí mật kinh hoàng này chỉ bị lộ ra khi gần đây Donne cho ra mắt cuốn hồi ký “Cùng Stilwell đi ra từ Miến Điện” và cơ quan lưu trữ Anh, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử Đại học Harvard (Mỹ) công bố một phần hồ sơ mật thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Khi đó, người ta mới biết tuy cùng ngồi chung chiếc ghế liên minh chống Nhật, nhưng Churchill và Roosevelt chỉ bằng mặt với Tưởng Giới Thạch mà không thể bằng lòng.
Minh Thành (Theo Youth Reference và Chinareviewnews)