Nguồn gốc ý tưởng người nhái cảm tử
Ngày 25/10/1944, ngoài hòn đảo Leyte ở Philippines, thủy thủ đoàn tàu sân bay Mỹ USS St. Lo kinh hoàng khi chứng kiến chiếc máy bay chiến đấu A6M Zero của Nhật Bản lao về phía mình. Bất chấp bị hỏa lực phòng không nã vào liên tiếp, chiếc máy bay không chuyển hướng, ngày càng tiến gần hơn, cho tới khi lao vào tàu sân bay và gây ra vụ nổ lớn. 30 phút sau, chiếc tàu sân bay USS St Lo chìm dưới nước. Đây là nạn nhân đầu tiên của chiến thuật mới của Nhật Bản có tên Kamikaze.
Kamikaze có nghĩa là Thần Phong, một cơn bão năm 1274 giúp Nhật Bản thoát khỏi bị đế quốc Mông Cổ xâm chiếm. Các chiến dịch Kamikaze diễn ra khi Nhật Bản nhanh chóng hứng chịu nhiều thất bại trong Thế chiến thứ hai. Do nguồn cung vật liệu thô bị chặn đứng, các thành phố liên tục bị dội bom, Nhật Bản thiếu máy bay và phi công nghiêm trọng để đối phó với quân Đồng minh.
Giới lãnh đạo Nhật Bản tuyệt vọng. Họ đã bị đối phương vượt mặt về mọi mặt. Năm 1942, chỉ trong một ngày tháng 6, Nhật Bản mất nhiều phi công hơn số phi công đã đào tạo được trong cả năm trước cuộc chiến. Huấn luyện phi công mới nhanh chóng là điều bất khả thi, khiến Nhật Bản phải điều phi công ít kinh nghiệm đi chiến đấu.
Do thiếu phi công mà đầu năm 1944, đề xuất tấn công cảm tử đã được đưa ra để cán cân nghiêng về phía Nhật Bản. Một máy bay cảm tử chất đầy thuốc nổ có thể hạ gục cả một tàu chiến hoặc một tàu sân bay.
Từ lâu, phi công Nhật Bản có truyền thống lao máy bay bị hư hỏng nặng nề vào tàu của đối phương. Nhưng mãi tới giữa năm 1944, chiến thuật “một người – một tàu” mới trở thành học thuyết chính thức.
Khi lực lượng Đồng minh ngày càng tiến gần các hòn đảo Nhật Bản và việc chiếm các hòn đảo này chỉ là vấn đề thời gian, nguyên tắc Kamikaze đã được áp dụng rộng hơn, không chỉ với máy bay mà còn với các phương tiện khác. Trong số đó, đơn vị cảm tử lạ nhất và ít người biết nhất là Fukuryu, Người nhái cảm tử.
Đào tạo người nhái cảm tử
Fukuryu (Tàng Long) lần đầu được Đại tá Kiichi Shintani ở trường chống ngầm thuộc căn cứ hải quân Yokosuna nghĩ ra cuối năm 1944. Khi Mỹ có khả năng xâm chiếm Nhật Bản trong vòng một năm, Shintani sợ rằng kế hoạch dùng ngư lôi và thuyền máy cảm tử là không đủ do nhân lực ít và cần nguyên liệu để xây dựng các thuyền máy này. Thay vào đó, Shintani đã đề xuất dùng đội người nhái. Những người này sẽ sống dưới nước vài tuần tại một khu vực đổ bộ và xuất hiện vào ban đêm để tấn công trực tiếp các tàu đang tới.
Kế hoạch của Shintani đòi hỏi thiết bị và chiến thuật tinh vi hơn, nhưng với hoạt động cảm tử trên không, học thuyết “một người – một tàu” cực kỳ hấp dẫn Bộ tư lệnh Nhật Bản. Tháng 11/1944, nghiên cứu tính khả thi và công tác huấn luyện bắt đầu ở Yokoska và Kawatana dưới sự chỉ đạo của Trung úy Masayuki Sasano.
Người nhái được trang bị bộ đồ lặn đặc biệt làm bằng vải bạt cao su hóa, mũ đội đầu bằng thép và một hệ thống thở đơn giản. Họ đeo hai bình ôxy chứa 3,5 lít ôxy trên lưng. Khí CO2 mà họ thở sẽ thoát ra theo một bình natri hidroxit. Với 9kg chì làm đồ dằn, bộ đồ lặn này giúp người nhái đi trên đáy biển ở độ sâu khoảng 5-7m trong 8 tiếng liền. Người ta còn phát triển cả thức ăn lỏng đặc biệt để cung cấp cho các người nhái dưới nước.
Trước khi thực hiện kế hoạch, người nhái sẽ sống trong một boongke đặc biệt dưới nước để từ đó họ xuất hiện mà không bị tàu đối phương phát hiện. Boongke này được làm bằng bê tông hoặc được xây bên trong thân một tàu thương mại không được sử dụng. Các boongke sẽ được cho chìm tại các địa điểm chiến lược ngoài khơi, trong đó có khu vực ngăn không khí dưới nước, có đủ giường ngủ, thức ăn, ôxy cho 40-50 người trong 10 ngày. Một số boongke còn có bệ phóng ngư lôi và ống nghe dưới nước để phát hiện tàu đang tới và cho phép các boongke liên lạc với nhau.
Ngoài ra, người Nhật Bản cũng hạ các “hố cá nhân” nhỏ hơn, làm bằng thép xuống đáy biển để bảo vệ người nhái khỏi hỏa lực kẻ thù. Người nhái chỉ hoạt động dưới vùng nước sâu hoặc khi trời tối vì nếu bị phát hiện, họ rất dễ bị phản công bằng thùng nổ sâu hoặc bị dội bom từ trên không.
Vũ khí chính của người nhái là mìn Type 5, một loại mìn chứa 15kg thuốc nổ có ngòi nổ tiếp xúc ở cuối đầu cột tre dài 5m. Trong cuộc chiến, người nhái sẽ đưa mìn vào đáy tàu đổ bộ đang đến gần, phá hủy nó và bản thân người nhái cũng chết theo.
Mỗi người sẽ bảo vệ một khu vực khoảng 390m2 và các người nhái hoạt động cách nhau 60m để bảo vệ đồng đội khi thực hiện hoạt động cảm tử. Mặc dù sẵn sàng tham gia hoạt động cảm tử nhưng không ai muốn chết trong hoạt động cảm tử của người khác. Trong thực tế, các chỉ huy của người nhái tìm mọi cách để duy trì tinh thần cho đơn vị người nhái. Mỗi người nhái cảm tử được trao cờ hiệu, ví dụ như của một con tàu, ám chỉ rằng mỗi người có khả năng công phá bằng cả con tàu chiến đó. Trong chiến trận, Nhật Bản muốn người nhái cảm tử đánh chìm khoảng 30% tàu đổ bộ của đối phương.
4.000 người đã được tuyển vào đơn vị Fukuryu và khoảng một nửa trong số đó là tình nguyện viên, còn một nửa là nghĩa vụ. Thời đó, thanh niên Nhật Bản chịu áp lực lớn phải làm điều gì đó cho đất nước và nếu từ chối, việc bản thân và gia đình bị trả thù là điều có thể xảy ra.
Theo tác giả Emiko Ohnuki-Tierney trong Kamikaze Diaries (Nhật ký Kamikaze), một biện pháp được dùng để khuyến khích nam giới tình nguyện tham gia đội quân cảm tử là đưa họ vào một căn phòng có nhiều người. Sau một bài phát biểu dài về lòng yêu nước, những người trong phòng được đề nghị bước lên phía trước nếu họ không muốn tham gia đội cảm tử. Kiểu tình nguyện mặc định như thế này cực kỳ hiệu quả. Ngoài việc thể hiện lòng trung thành, hầu như không mấy ai muốn mình trông hèn nhát hoặc cảm thấy xấu hổ vì không sẵn sàng chết trong khi đồng đội lại sẵn sàng hy sinh mạng sống.
Theo tác giả Emiko, nếu một người lính đủ dũng cảm để từ chối tình nguyện tham gia nhóm cảm tử, cuộc sống của anh ta sau đó sẽ là địa ngục trần gian. Họ sẽ trở thành một người không được chào đón, bị điều đi chiến trường niềm nam – nơi mà họ sẽ chết chắc. Một số lính thực sự đã từ chối gia nhập đội cảm tử nhưng cấp trên không quan tâm tới ý kiến của họ. Ví dụ như một người tên là Kuroda Kenjirō đã quyết định không tình nguyện tham gia nhưng lại vẫn thấy tên mình trong danh sách tình nguyện viên cảm tử của một đơn vị Hải quân. Cấp trên của anh ta đã tự hào báo cáo rằng mọi thành viên đơn vị đều tình nguyện.
Nhật Bản lên kế hoạch đào tạo ít nhất 2.000 người nhái cảm tử nữa tới tháng 10/1945 ngoài con số ban đầu 4.000 người. Nhóm này được sắp xếp thành ba đơn vị chính: Arashi số 71 có căn cứ tại Yokosuka, Arashi số 81 tại Kure và đơn vị Kawatana tại Sasebo. Tất cả đều do Đại tá Shintani chỉ huy chung.
Ít nhất 3 công sự bê tông ngầm dành cho người nhái cảm tử đã được hạ xuống ở vịnh Tokyo, ngoài ra còn có công sự bê tông ngầm ở Kujukurihama và Kajimagaura.
Nhưng ngay từ đầu, dự án đã vấp phải nhiều vấn đề lớn. Do tình trạng sản xuất ảm đạm thời chiến ở Nhật Bản năm 1944, nhiều bộ bình thở vốn đã thô sơ lại còn bị lỗi, khiến nhiều người thiệt mạng vì chết đuối, ngộ độc ô xy, bệnh khí ép. Ngoài ra mặc dù tới ngày 30/7/1945, khoảng 1.200 người nhái đã tốt nghiệp các trường đào tạo nhưng chỉ có khoảng 600 bộ đồ lặn.
Tuy nhiên, cuối cùng, Nhật Bản đã đầu hàng trước khi kịp triển khai đơn vị người nhái cảm tử Fukuryu. Không lâu sau khi Nhật Bản đầu hàng, Hải quân Mỹ đã điều tra kỹ lưỡng về đơn vị Fukuryu để đánh giá thiết bị và hiệu quả tiềm năng. Mặc dù trong cuộc thẩm vấn, một số cựu thành viên đơn vị như Đại tá Shintani và Thiếu tướng Sasano bác bỏ thông tin rằng đã lắp đặt công sự ngầm cho người nhái, nhưng các thẩm vấn viên nhận thấy các quan chức Nhật Bản này đã được cấp trên yêu cầu không tiết lộ thông tin quan trọng nào cho kẻ thù.
Do đó, vào tháng 12/1945 và tháng 1/1946, hai tàu Hải quân Mỹ đã khảo sát siêu âm tại vịnh Tokyo. Cuộc tìm kiếm cho thấy có 4 tín hiệu tiếp xúc mạnh tại các vị trí của công sự ngầm. Nhưng do chúng ở chỗ quá sâu và điều kiện nguy hiểm nên Mỹ không điều thợ lặn xuống điều tra. Thay vào đó, Mỹ ra lệnh thả thùng nổ sâu xuống các khu vực trên để phá hủy các công sự, ngăn chặn người Nhật Bản sử dụng chúng sau này.
Mặc dù nghiên cứu của Hải quân Mỹ kết luận rằng người nhái cảm tử sẽ không hiệu quả vì thiết bị thở không ổn định, nhưng nếu các vấn đề này được khắc phục, đơn vị Fukuryu có thể sẽ giáng nhiều đòn nghiêm trọng cho hạm đội tàu của quân Đồng minh. Đây là một trong vô số lý do khiến việc quân Nhật Bản đầu hàng ngày 15/8/1945 là điều may mắn với phe Đồng minh.
Theo kế hoạch phòng thủ cuối cùng, Nhật Bản còn kêu gọi mọi công dân chiến đấu tới chết. Nước này thậm chí ước tính quân Đồng minh sẽ chịu thương vong lên tới hàng triệu người và thương vong của Nhật Bản lớn hơn rất nhiều lần.