Xây dựng tòa nhà “Bộ của Bộ”
Kế hoạch đầu tiên cho việc tái thiết Moscow, bao gồm cả Quảng trường Đỏ, được đề xuất ngay sau khi chính phủ Liên Xô chuyển đến từ Petrograd (St. Petersburg ngày nay) vào năm 1918. Một số tòa nhà cũ được tái thiết và một số được xây mới, nhưng hoạt động chính chỉ thực sự bắt đầu vào những năm 1930, với việc thông qua Kế hoạch chung Moscow.
Các kiến trúc sư nổi tiếng đưa ra đề xuất của họ về việc Moscow với tư cách là thủ đô của “chủ nghĩa xã hội” sẽ trông như thế nào. Những người cấp tiến nhất đã hình dung về việc tạo ra một thành phố hoàn toàn mới trên nền thành phố cũ. Cuối cùng, một dự án vừa phải hơn, nhưng vẫn có quy mô khá lớn, được lựa chọn và vào năm 1935, kế hoạch được thông qua.
Theo kế hoạch, Moscow sẽ có nhiều đại lộ hơn Paris, London hay Berlin, sở hữu một trung tâm hành chính lớn hơn Washington DC và một tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới. Theo kế hoạch đó, trung tâm lịch sử sẽ bị phá bỏ để dành không gian cho các công trình kiến trúc hoành tráng có tầm quan trọng quốc gia và Quảng trường Đỏ sẽ được mở rộng gấp đôi kích thước hiện tại.
Một ghi chú cho Kế hoạch chung viết: “Moscow không cần cửa hàng bách hóa GUM. Quảng trường Đỏ, nơi có Lăng Lenin, quá chật chội. Nó nên được mở rộng bằng cách bỏ đi GUM”.
Danh sách các công trình sẽ bị phá hủy bởi dự án đó sẽ không chỉ bao gồm cửa hàng GUM nổi tiếng, đã có từ thế kỷ 19, mà còn tất cả các tòa nhà gần đó, bao gồm cả Cổng Phục sinh.
Quảng trường Đỏ sẽ được đổi tên thành "Đại lộ Lăng" và bao gồm một không gian trống tọa lạc Nhà Narkomtyazhprom, tòa nhà có Ủy ban Công nghiệp Nặng Nhân dân của Liên Xô. Dưới thời nhà lãnh đạo Stalin, đây là một trong những bộ có ảnh hưởng lớn nhất, vì vậy dự án tương lai lúc đó được mệnh danh là “Bộ của Bộ”.
Tuy nhiên, cuối cùng, dự án xây dựng tòa nhà chọc trời khổng lồ nói trên vẫn chỉ nằm trên giấy. Việc triển khai nó đã bị dừng lại sau cái chết vào năm 1937 của ông Sergo Ordzhonikidze, người đứng đầu Ủy ban Công nghiệp Nặng Nhân dân. Sau sự ra đi của Ordzhonikidze, Ủy ban Công nghiệp nặng Nhân dân mất dần tầm ảnh hưởng và sau đó được chia thành nhiều bộ độc lập.
Đài tưởng niệm hoành tráng
Kế hoạch thứ hai để cải tạo Quảng trường Đỏ xuất hiện 10 năm sau đó, vào năm 1947. Hoàn cảnh lúc đó đã thay đổi và chính phủ Liên Xô không còn nghĩ đến chuyện xây dựng các trụ sở bộ khổng lồ. Việc Liên Xô đã đánh bại Đức Quốc xã đã làm thay đổi mọi kế hoạch. Kể từ đây, mọi kiến trúc hoành tráng sẽ được sử dụng để kỷ niệm một điều: Chiến thắng vĩ đại.
Là địa điểm nổi bật nhất, Quảng trường Đỏ một lần nữa là trọng tâm chính trong kế hoạch thay đổi đầy tham vọng nói trên. Lần này, kế hoạch là phá hủy cửa hàng GUM, tất cả các tòa nhà thấp tầng gần đó và Bảo tàng Lịch sử. Thay vào các vị trí đó sẽ là một Tượng đài Chiến thắng được dựng lên ở quảng trường với các khán đài xung quanh và một Vòm Chiến thắng được xây dựng tại địa điểm của Bảo tàng Lịch sử.
Nói cách khác, quảng trường được cho là sẽ trở thành một địa điểm hoàn hảo cho những cuộc diễu hành ấn tượng vào các ngày lễ.
Nhưng kế hoạch này một lần nữa lại bị đảo lộn, sau sự ra đi của lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin vào năm 1953.
Nghĩa trang cho các vị anh hùng
Khi Stalin qua đời, ngay ngày hôm sau Đảng Cộng sản Liên Xô đã ban hành một sắc lệnh về xây dựng một đền thờ ông ở Moscow.
Tương tự như “Đền thờ của tất cả các vị thần” ở Rome, đền thờ này được xây dựng với mục đích biến nó trở thành nơi an nghỉ cho các nhà lãnh đạo Lenin, Stalin và tất cả những “anh hùng vĩ đại của đất nước Xô Viết”.
Để xây dựng được nghĩa trang này, cần phải sử dụng một diện tích đất lên tới 500.000 mét vuông (lớn hơn diện tích của Vatican) đồng thời phá hủy các tòa nhà xung quanh đó. Bản thân đền thờ sẽ đứng cạnh Điện Kremlin, trên Quảng trường Đỏ mở rộng. Nhưng đây là một điểm trừ: vị trí của tòa nhà chính phủ bên cạnh đền thờ sẽ đối diện với lăng tưởng niệm hiện có, vì vậy trong các cuộc diễu hành, các binh lính sẽ phải diễu hành mà mắt họ nhìn sang bên phải, điều này trái với quy định đã được thiết lập. Vì vậy, cuối cùng, quảng trường vẫn được giữ nguyên hiện trạng.
Kế hoạch xây dựng nghĩa trang ở một địa điểm khác sau đó cũng bị hủy bỏ.