Ngày 28/10/2001, một nhân viên y tế người gốc Việt Nam là Nguyễn Thị Xinh (hay Kathy Nguyễn), 61 tuổi, được đưa tới phòng cấp cứu Bệnh viện Lenox Hill ở New York, trong tình trạng khó thở, với các triệu chứng như cúm và ho ra dịch có lẫn máu. Các bác sĩ ban đầu nghi bà bị bệnh tim, nhưng sau khi chụp X-quang vùng ngực của bệnh nhân, họ phát hiện bà có dấu hiệu bị bệnh than đường hô hấp.
“Nghi phạm” Steven Hatfill sau này đã kiện chính phủ Mỹ vì đã hủy hoại cuộc sống của ông. |
Ngay lập tức, bà Kathy được tiêm kháng sinh Cipro, nhưng đã quá muộn. Bệnh nhân ngày càng khó thở, huyết áp giảm, rồi tràn dịch màng phổi, và trong ngày thứ tư nhập viện, tức một ngày sau khi được xác nhận nhiễm bệnh than hô hấp, bà đã tử vong.
Các nhà điều tra FBI đã tìm cách xác định nguồn lây nhiễm cho bà Kathy, và họ cho rằng, bà bị lây qua một phong thư chứa khuẩn than, dù không tìm ra bằng chứng về một lá thư như vậy hay các bào tử bệnh than trong hòm thư của bà. Các cuộc kiểm tra căn hộ của Kathy Nguyễn cũng như Bệnh viện Tai mũi họng Manhattan nơi bà làm việc cũng không tìm ra đầu mối nào. Cho tới nay, trường hợp của Kathy Nguyễn vẫn là khó hiểu nhất với các nhà điều tra, bởi nó không liên quan trực tiếp tới các phong thư như những ca trước đó.
Gần 2 tuần sau, các nhà điều tra FBI lại gặp trở ngại ở một vụ khác xảy ra tại Connecticut. Ngày 16/11, cụ bà 94 tuổi Ottilie W. Lundgren nhập viện cũng với các triệu chứng giống như viêm phổi. Ngày 20/11, các xét nghiệm mới khẳng định, cụ Lundgren bị bệnh than hô hấp, nhưng đã quá muộn, vì ngay hôm sau, bệnh nhân qua đời. Ban đầu, các nhà điều tra không hiểu cụ đã lây bệnh qua đường nào. Nhưng rồi họ nhận ra có mối liên quan khi biết rằng, Ottilie Lundgren đã nhận một bức thư được gửi qua trung tâm thư tín Wallingford (Connecticut) sau khi được xử lý tại trạm thư Trenton ở New Jersey, nơi cả hai bức thư chết người gửi cho TNS Daschle và Leahy đều đi qua trạm này. Mặc dù không phát hiện bào tử bệnh than ở nhà bệnh nhân quá cố, nhưng tại trung tâm thư tín Wallingford thì có. Cụ Lundgren là bệnh nhân cuối cùng được xác nhận trong dịch bệnh than năm 2001. Tới cuối năm, có tổng cộng 22 trường hợp bị nhiễm bệnh than, với 19 trường hợp được xác nhận và 3 trường hợp nghi ngờ. Dù vậy, danh tính của thủ phạm vẫn tiếp tục là một bí ẩn.
Nhưng mùa hè năm 2002, các nhà điều tra tuyên bố, họ đã nhận diện “người đáng ngờ” đối với các vụ đầu độc bệnh than. Người đó là Steven Hatfill.
Một năm sau làn sóng dịch bệnh than, cuộc điều tra của FBI nhằm vào các vụ đầu độc qua thư dường như chững lại. Rồi nỗ lực tuyệt vọng của họ lại được khuấy động vào đầu năm 2002 bởi Barbara Hatch Rosenberg, một giảng viên khoa học môi trường tại Đại học quốc gia New York. Rosenberg biết khá rõ một số chuyên gia vũ khí sinh học nổi tiếng nhờ thời gian làm tình nguyện viên cho Liên đoàn Khoa học gia Hoa Kỳ. Một số người trong các chuyên gia này đã nhắc đến một nhân vật mà họ nghi ngờ có thể liên quan đến các vụ đầu độc bệnh than. Rosenberg đã báo tên của người đó cho FBI, nhưng không được phản hồi, vì vậy người giảng viên đã quyết định tự theo đuổi và tìm cách gây sự chú ý của FBI tới “nghi phạm”. Người đó được cho là Steven J. Hatfill.
“Nghi phạm” Steven Hatfill sau này đã kiện chính phủ Mỹ vì đã hủy hoại cuộc sống của ông.pCảnh sát kiểm tra nhà của nạn nhân cuối cùng tử vong Ottilie Lundgren. |
Hatfill là một nhà vi sinh học người Mỹ ưa mạo hiểm và hiểu biết nhiều về các tác nhân sinh học cũng như việc sử dụng chúng. Ông ta đã dành nhiều năm nghiên cứu với sự giúp đỡ của người bạn - người thầy Bill Patrick, “một trong những người tiên phong về vũ khí sinh học của Mỹ, nắm giữ 5 bằng phát minh về vũ khí hóa bệnh than”. Hatfill đã làm việc với một số loại vũ khí sinh học nguy hiểm nhất thế giới, trong đó có bệnh sốt xuất huyết Ebola và bệnh đậu mùa. Ông ta còn tham gia đào tạo chống khủng bố cho Cơ quan Tình báo quốc phòng, thiết kế các chương trình và thiết bị đào tạo cho biệt kích SEAL của hải quân Mỹ và được Tập đoàn Khoa học ứng dụng quốc tế (SAIC) thuê làm việc trong các dự án bí mật liên quan đến các phòng thí nghiệm sinh học di động.
Trong thời gian làm cho SAIC vào năm 1999, Hatfill đã đề nghị bạn thân Patrick cùng làm trong một dự án liên quan đến vũ khí hóa bệnh than và những mối nguy hiểm liên quan khi gửi chúng qua đường thư tín. Khỏi cần phải nói, đó là một nghiên cứu gây sự chú ý của FBI sau khi xảy ra loạt vụ khủng bố bệnh than. Mặc dù Patrick được loại khỏi các nghi ngờ liên quan tới việc gửi thư bệnh than, nhưng Hatfill đã trở thành “người đáng ngờ” với cuộc điều tra của FBI, bởi hai lý do chính. Thứ nhất, ông ta có hiểu biết rộng về bệnh than và các loại vũ khí sinh học. Thứ hai, Hatfill từng tốt nghiệp một trường y tế ở Dimbabuê, vốn nằm gần một vùng ngoại ô có tên Greendale. Chữ Greendale khiến các nhà điều tra quan tâm bởi trên một số lá thư “bột trắng” hồi năm 2001 có ghi một địa chỉ ảo là “Lớp 4, trường Greendale, Franklin Park, New Jersey”. Không có một trường Greendale nào ở New Jersey, và ngôi trường Hatfill từng theo học tọa lạc gần một khu vực có cái tên đáng ngờ này.
Năm 2002, các mật vụ FBI đã lục soát căn hộ của Hatfill để tìm dấu vết bệnh than, nhưng không phát hiện bất cứ bằng chứng nào kết nối ông ta với tội ác. Khi các thông tin rò rỉ trên báo chí, Hatfill mất việc ở SAIC và Trường Đại học Tổng hợp Louisiana. Nhà của ông bị lục soát lần thứ hai. FBI thậm chí còn hút cạn một cái ao nước gần đó và lần mò toàn bộ rác rưởi đọng dưới đáy ao, nhưng vẫn không có dấu hiệu nào của bệnh than.
Trong khi cuộc điều tra dậm chân tại chỗ, dư luận Mỹ đã tự hỏi, liệu tên khủng bố bệnh than có bao giờ được đưa ra công lý, liệu hắn có quay trở lại, và nếu hắn lại phát tán bệnh than thì nước Mỹ đã được chuẩn bị tốt hơn chưa?
Bạch Đàn
Đón đọc kỳ cuối: Nhóm không tặc vụ 11/9 và những bằng chứng bị bỏ qua