Trong khi các bác sĩ tìm cách chẩn đoán về chứng nhiễm khuẩn da bất thường của Huden, nhiều người dân Mỹ cũng phải tới bệnh viện với những triệu chứng tương tự. Một trong số họ là Erin O’Connor, tuổi, người New York và là trợ lý cho phóng viên trụ cột của kênh NBC News, Tom Brokaw.
Robert Stevens – nạn nhân đầu tiên tử vong vì bệnh than. |
Trong khoảng thời gian từ 19/9 đến 25/9, O’Connor đã nhận một phong thư đáng ngờ được gửi cho Brokaw, bên trong có chứa một thứ bột giống như cát. Vài ngày sau đó, O’Connor bị một thương tổn ở vùng ngực, giống như vết loét trên ngón tay của Huden. Nhưng mãi tới giữa tháng 10, cô mới được xác định là đã nhiễm bệnh than ở da và may mắn bình phục nhờ được điều trị.
Sau một cuộc điều tra, FBI xác định, nguồn lây bệnh cho O’Connor là phong thư chứa bột, có đóng dấu bưu điện Trenton, bang New Jersey, và bên trong là một lá thư ngắn ngủi có nội dung hằn thù viết bằng chữ in hoa.
Bào tử bệnh than được phát hiện tại gần 90 vị trí trên tòa nhà AMI tại Florida. |
Cuối tháng 9/2001, có thêm hai trường hợp mắc bệnh than đáng ngờ khác tại New Jersey. Một trường hợp là người thợ máy 39 tuổi tên Richard Morgano. Vụ thứ hai xảy ra với Teresa Heller, một người đưa thư 45 tuổi ở West Trenton. Cả hai đều may mắn bình phục, dù tổn thương trên cơ thể đã lành, nhưng những vết thương tâm lý còn đeo đuổi mãi. Nước Mỹ khi đó đã đứng bên bờ vực của một cuộc hoảng loạn tâm lý trên toàn quốc. Mùa thu năm đó, dường như không có gì là an toàn, nhất là với ngành bưu chính. Vào ngày 5/10, dịch bệnh than đã chuyển sang một ngưỡng mới khi có nạn nhân đầu tiên tử vong.
Ngày 19/9/2001, một biên tập viên ảnh 63 tuổi thuộc tập đoàn America Media Inc (AMI) tại Florida, ông Robert Stevens, đã mở một bức thư có thứ bột trắng lạ bên trong. Gần 2 tuần sau đó, sự việc trở nên cực kỳ tồi tệ. Ngày 2/10, ông Stevens được cấp cứu lúc nửa đêm trong tình trạng mê sảng và mất phương hướng. Ngay sau đó, ông rơi vào hôn mê sâu và không tỉnh lại được. Ba ngày sau, ông Robert Stevens qua đời. Một loạt các xét nghiệm xác định rằng ông Stevens chết vì bệnh than đường hô hấp, dạng nguy hiểm nhất. Mặc dù người ta không tìm lại được phong thư bất thường chứa bột trắng kia, nhưng hầu như chắc chắn nó liên quan trực tiếp tới cái chết của ông. Kết luận về trường hợp Robert Stevens đã châm ngòi cho một cuộc điều tra công khai và mạnh mẽ tại Florida.
Bì thư và nội dung bức thư chứa bột trắng gửi cho Tom Brokaw của kênh truyền hình NBC. |
Ngay sau cái chết của Stevens, người ta phong tỏa tòa văn phòng AMI nơi ông làm việc và phát hiện thấy các bào tử bệnh than trên bàn phím máy tính ở văn phòng của ông cũng như gần 90 vị trí khác trên khắp tòa nhà. Với số lượng bào tử khuẩn than nhiều như vậy, thật ngạc nhiên là không có thêm nhiều người tử vong sau trường hợp của Robert Stevens.
Tại New York, một nhân viên 23 tuổi của đài NBC đã được điều trị bằng kháng sinh từ cuối tháng 9, khi có các triệu chứng bị bệnh than da sau khi xử lý một bức thư đáng ngờ tại nơi làm việc. Báo động hơn là trường hợp một em bé 7 tháng tuổi, có mẹ làm việc tại đài ABC. Em bé đã may mắn sống sót và là nạn nhân nhỏ tuổi nhất của dịch bệnh than năm 2001, dù không phải là người cuối cùng.
Cùng khoảng thời gian, một nhân viên 27 tuổi của đài CBS tại New York cũng bị lây bệnh than da. Nhưng sau loạt vụ tấn công nhằm vào giới truyền thông, là một loạt ca nhiễm bệnh của các nhân viên bưu điện, với kết cục là cái chết hãi hùng của hai người. Cả nước Mỹ như nín thở chờ đợi những cái chết tiếp theo và dường như không có nơi nào cho họ mái trú an toàn trước họa khủng bố.
Ngày 14/10/2001, Norman Wallace, một nhân viên bưu điện 56 tuổi ở trạm xử lý thư Hamilton (bang New Jersey), được đưa tới bệnh viện với các triệu chứng như cúm, kèm theo đau vùng ngực. Sau các xét nghiệm, Wallace được xác nhận nhiễm bệnh than hô hấp. Cùng ngày Wallace vào viện kiểm tra, một đồng nghiệp của bà là Patrick O’Donnell, cũng bắt đầu xuất hiện một vết tấy đỏ ở cổ. Ngày 16/10, O’Donnell nhập viện và các triệu chứng giống như cảm cúm nặng lên. Ông được điều trị bệnh than ở da và hồi phục hoàn toàn. Một nhân viên bưu điện khác ở Hamilton là Jyotsna Patel, cũng bị các triệu chứng đáng ngờ nói trên vào cùng thời điểm với Wallace và O’Donnell. Patel được xác định nhiễm khuẩn hô hấp, nhưng do phát hiện sớm, chị đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nạn nhân New Jersey cuối cùng của dịch bệnh than là một phụ nữ 51 tuổi tên Linda Burch, cũng làm ở hạt Hamilton. Nhân viên kế toán này nhiễm dạng khuẩn than ở da vào đúng ngày Patel nhập viện. Trường hợp này cũng được cho là lây bệnh qua các phong thư.
Trong khi các nhà điều tra đau đầu đối phó với sự lan rộng của ổ dịch ở New Jersey, thì một loạt ổ dịch khác cũng xuất hiện tại Washington D.C, nơi chúng hoành hành ghê gớm hơn, và cướp đi hai sinh mạng chỉ trong vòng 2 ngày.
Bạch Đàn
Đón đọc kỳ tới: Hoảng loạn tại Capitol