FBI bị chỉ trích mạnh mẽ về cuộc điều tra này vì đã đưa ra những quyết định loại trừ quá sớm trong khi điều tra. Ở một số thời điểm, không lâu sau loạt vụ khủng bố, FBI đã nhận định rằng, tấn công bệnh than là hành động của một phần tử khủng bố trong nước chứ không phải của một người nước ngoài liên quan đến mạng lưới của Osama bin Laden.
Rõ ràng,
Mohammed Atta - thủ lĩnh nhóm không tặc vụ 11/9 |
FBI đã tự loại bỏ nguy cơ từ các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan nước ngoài, chỉ vì không phù hợp với dữ liệu mà họ phân tích. Do vậy, bất cứ bằng chứng nào hay sự việc nào mới nảy sinh mà trái với nhận định về những phần tử khủng bố trong nước thì đều hoặc là bị bỏ qua hoặc không được quan tâm đúng mức.
Có những chi tiết rất đáng ngờ xảy ra tại Florida và chưa bao giờ được trả lời một cách thỏa mãn: Một báo cáo ghi lại rằng, Mohammed Atta - một trong những kẻ chủ mưu và đứng đầu nhóm không tặc vụ 11/9 - và những tên khủng bố khác đã nghiên cứu việc dùng máy bay thả hóa chất. Nếu al Qaeda không có bất cứ vũ khí sinh học nào để phát tán, thì tại sao Atta và đồng bọn lại quan tâm đến ý tưởng này? Những tên không tặc đều là các chỉ huy chiến trường của al Qaeda và chúng không phí thời gian nghiên cứu máy bay thả hóa chất nếu như mạng lưới của chúng không có thứ chất độc đó.
Cũng đã có mối liên quan giữa vợ một nhân viên làm việc cho tập đoàn American Media Inc (AMI) và những tên không tặc. Là một nhà môi giới bất động sản, chính người phụ này đã tìm một căn hộ cho nhóm khủng bố ở Florida. Mặc dù đây hầu như chắc chắn là một giao dịch thương mại bình thường, nhưng qua đó, nhóm không tặc cũng được biết về AMI, nơi mà sau đó các nhân viên của họ đã trở thành những mục tiêu đầu tiên của các lá thư bệnh than.
Có lẽ bằng chứng thú vị nhất đã bị bỏ qua là vết loét màu đen trên chân của tên không tặc Ahmed Al Haznawi, người sau này đã tham gia nhóm 4 tên không tặc cướp chuyến bay số hiệu 93 của United Airlines (rơi xuống một cánh đồng ở Shankville, Pennsylvania). Ngay sau khi nhập cảnh vào Mỹ, Al Haznawi đã tới chỗ bác sĩ cấp cứu Christos Tsonas để điều trị vết loét đen rộng khoảng 2,5 cm trên chân. Sau khi xảy ra vụ 11/9 và loạt vụ tấn công bệnh than, tiến sĩ Tsonas nhận ra bệnh nhân cũ Haznawi và tin rằng, vết thương của hắn là do bệnh than gây ra. Hai chuyên gia về vi sinh học là Tara O’Toole và Thomas V. Inglesby, được FBI mời cộng tác, cũng đồng ý với nhận định này, nhưng không hiểu vì lý do gì, FBI sau đó đã bác bỏ quan điểm của ông và gác vụ việc lại.
Nước Mỹ đã chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những vụ khủng bố bằng vũ khí sinh học. |
Năm 2002 còn xảy ra một sự cố đáng lưu ý khác. Trong một đêm, Nhà Trắng đã gọi cho FBI cứ 2 tiếng một lần sau khi nhận được báo cáo rằng, hai tên không tặc vụ 11/9 đã đề nghị một dược sĩ ở Delray Beach cấp cho thuốc kháng sinh chống bệnh than. Ngoài thuốc kháng sinh, thủ lĩnh không tặc Mohammed Atta còn đòi mua thứ thuốc gì đó để làm dịu vết sưng trên hai tay hắn. Vết tấy đỏ đó giống với những vết kích ứng do bột giặt hoặc chất tẩy rửa. Người dược sĩ đã đưa cho hắn một tuýp kem thoa. Sự việc cũng dấy lên lo ngại rằng, Atta đã sử dụng hóa chất ăn da trong một thí nghiệm vi sinh - chất tẩy này có tác dụng chia tách những khối bào tử bệnh than thành những phần tử nhỏ hơn và nguy hiểm hơn.
Chưa hết, một mối liên quan thú vị khác đã xuất hiện giữa những bức thư bệnh than và Mohammed Atta. Báo cáo của Ủy ban điều tra vụ 11/9, công bố vào tháng 7/2004, đã mô tả một thông điệp của Atta, tên không tặc trên chuyến bay số hiệu 11 của American Airlines (lao vào Tòa tháp phía Bắc của WTC), trong đó có đoạn viết: “Chúng tao có một số máy bay” (We have some planes). Câu viết này gợi nhớ câu: “Chúng tao có bệnh than này” (We have this anthrax) trong những bức thư tử thần. Một người Mỹ không bao giờ sử dụng cấu trúc câu như vậy, mà chỉ viết: “Chúng tao có bệnh than” (We have anthrax).
Tên không tặc Ahmed al - Haznawi có thể đã lây bệnh than trước khi tới Mỹ. |
Vụ khủng bố bệnh than đã lên tới đỉnh điểm, đẩy nước Mỹ đứng bên bờ vực hoảng loạn, rồi chìm xuống mà không có lời đáp. Nhưng sau cuộc khủng hoảng này, nước Mỹ đã có một loạt biện pháp tự bảo vệ để trở nên an toàn hơn. Mặc dù vậy, mất 2 năm, quốc hội mới thông qua kế hoạch dự trữ vắcxin và thuốc đề phòng các cuộc tấn công vũ khí sinh học. Bắt đầu từ năm 2003, chương trình này được trao 5,6 tỉ USD để phát triển các loại vắcxin và thuốc. Thuốc đặc trị bệnh than của Viện nghiên cứu khoa học gene hiện đang được thử nghiệm độ an toàn, nhưng vẫn không thể thử nghiệm hiệu lực trên người trừ phi xảy ra một vụ tấn công.
Năm 2004, trung tâm xử lý thư Wallingford, nơi trung chuyển lá thư bệnh than gây ra cái chết của cụ Ottilie Lundgren, là nơi đầu tiên được lắp đặt hệ thống phát hiện mối nguy hiểm sinh học mới. Ban đầu, hệ thống mới là một máy phát hiện bệnh than, nhưng sau đó, nó đã được hoàn thiện hơn để có thể phát hiện các mối nguy hiểm khác. Cục Bưu chính Mỹ cũng đã chi 250 triệu USD cho các thiết bị phát hiện bệnh than tại 283 trung tâm xử lý thư trên khắp đất nước. Các trung tâm kiểm soát dịch bệnh cũng đã trang bị kiến thức về bệnh than và nguy cơ khủng bố sinh học cho các bác sĩ cũng như lắp đặt các thiết bị công nghệ cao để kịp thời phản ứng với mối đe dọa từ vũ khí sinh học.
Nước Mỹ ngày nay liệu đã an toàn hơn chưa? Đó vẫn là một câu hỏi khiến người dân và giới chức Mỹ lo ngại, nhất là khi cuộc chiến chống khủng bố đang đi vào một giai đoạn mới, khi các mục tiêu và kẻ thù trở nên vô hình và bất định hơn.
Bạch Đàn