Liên hợp quốc vào cuộc
Trong khi các cuộc bút chiến giữa hai nhà lãnh đạo Khrushchev và Kennedy vẫn diễn ra nẩy lửa, giữa các nước thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) cũng nổ ra khẩu chiến gay gắt.
Bản đồ mô tả cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 |
New York, tháng 10/1962, khí hậu mát mẻ, trời xanh gió lộng. Nhưng trụ sở LHQ lại bị bao phủ bởi một bầu không khí nóng bỏng. Đêm 22/10, Đại sứ Mỹ tại LHQ, Adlai Stevenson, trình lên Chủ tịch tháng 10 của HĐBA, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đại diện Liên Xô tại LHQ, Valerian Zorin, thư của chính phủ Mỹ và một bản dự thảo nghị quyết, yêu cầu triệu tập hội nghị khẩn cấp vào ngay sáng hôm sau để thảo luận về tình hình Cuba. Bản dự thảo nghị quyết của Mỹ yêu cầu phải dỡ bỏ, triệt thoái toàn bộ tên lửa và các loại vũ khí tiến công Liên Xô bố trí ở Cuba, cử đoàn quan sát LHQ đến Cuba xác nhận việc thực hiện nghị quyết và việc kết thúc các biện pháp cách ly sau khi các yêu cầu trên được hoàn thành. Liên Xô cũng chính thức yêu cầu HĐBA thảo luận vấn đề "Mỹ vi phạm Hiến chương LHQ và gây nguy hại cho hòa bình thế giới". Mạnh mẽ hơn cả, Cuba yêu cầu Mỹ lập tức rút đội quân xâm lược ra khỏi vùng duyên hải Cuba, đình chỉ lệnh phong tỏa phi pháp và mọi hành động gây hấn có tổ chức của đặc vụ Mỹ tại căn cứ hải quân Mỹ tại Guantanamo (thuộc lãnh thổ Cuba) cũng như mọi hành động can thiệp, xâm phạm lãnh thổ, vùng trời của Cuba.Trước yêu cầu của ba nước: Mỹ, Liên Xô và Cuba, tối 23/10, HĐBA LHQ nhóm họp khẩn cấp. Với tư cách Chủ tịch HĐBA LHQ, Zorin cho rằng lý do mà Mỹ yêu cầu triệu tập hội nghị là "hoàn toàn không có căn cứ, chỉ phục vụ mưu đồ che đậy hành vi xâm lược và thói ngang ngược, vô lý, vụng về của Mỹ đối với Cuba".
Stevenson phát biểu, nhắc lại những yêu cầu của Mỹ đưa ra trong bản dự thảo nghị quyết, giải thích tại sao Mỹ lại ra lệnh phong tỏa đường biển đối với Cuba. Stevenson nói: "Chính phủ Mỹ cho rằng sự phát triển của tình hình Cuba gần đây như: đem Chiến tranh Lạnh vào trung tâm châu Mỹ, không nghi ngờ gì đã đe dọa hòa bình của khu vực này cũng như của thế giới". Đại diện Liên Xô chỉ trích Mỹ đã không thông qua đàm phán và tìm cách tiếp xúc để làm rõ mục đích tự vệ trong hành động của Liên Xô ở Cuba, mà lại có hành vi xâm lược ở biển Caribê, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế đã được công nhận, đẩy thế giới tới bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Phía Liên Xô cho rằng chỉ có dỡ bỏ lệnh phong tỏa Cuba mới làm cho tình hình bình thường trở lại và thế giới thoát khỏi nguy cơ chiến tranh. Đại diện Cuba tuyên bố việc Mỹ phong tỏa Cuba là hành động chiến tranh, chống lại độc lập của Cuba, đồng thời cho biết La Habana sẽ giáng trả "mọi hành động phi pháp của chủ nghĩa đế quốc Bắc Mỹ". Cuba cũng phản đối kiến nghị cử phái đoàn LHQ tới Cuba để giám sát và quyết không chấp nhận những hành động kiểu như LHQ đã làm ở Cônggô.
Ngày 24 và 25/10, HĐBA LHQ tiếp tục tranh cãi quyết liệt về tình hình khu vực Caribê. Các nước như: Rumani, Gana… ủng hộ lập trường của Mátxcơva và La Habana, cho rằng Cuba có quyền độc lập lựa chọn chế độ chính trị và sử dụng tất cả các biện pháp phòng vệ cần thiết bảo vệ tự do cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của mình, lên án việc Mỹ phong tỏa Cuba, coi đó là sự đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại ủng hộ hành động phong tỏa Cuba của Mỹ. Đại diện các nước: Anh, Pháp… phát biểu ủng hộ dự thảo nghị quyết của Mỹ. Cuộc tranh cãi giữa hai phe vì thế diễn ra hết sức quyết liệt và kết quả là không đạt được bất cứ kết quả nào. Hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba được gửi gắm cho LHQ. Cả thế giới dõi theo từng hành động, khắc khoải chờ đợi sự lên tiếng của Tổng Thư ký LHQ, U Thant. Nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới này, cả Khrushchev lẫn Kennedy đều viết thư cho U Thant, yêu cầu ông kêu gọi phía đối phương không được có bất cứ hành động nguy hiểm nào.
Ngày 24/10, tại HĐBA, U Thant trang trọng đọc thư gửi Khrushchev và Kennedy. U Thant cho biết đứng trước tình hình nghiêm trọng như hiện nay, đại diện thường trực rất nhiều nước thành viên LHQ đã đề nghị ông đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp. U Thant yêu cầu Mỹ và Liên Xô kiềm chế. Vì hòa bình và an ninh thế giới, tất cả các bên liên quan không được có bất cứ hành động gì khiến tình hình xấu thêm và làm nảy sinh nguy cơ chiến tranh. Mỹ và Liên Xô phải tự nguyện đình chỉ việc vận chuyển mọi loại vũ khí về phía Cuba cũng như các biện pháp cách ly bao gồm cả việc lục soát các chuyến tàu đến Cuba. Theo U Thant, đã 17 năm trôi qua kể từ khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc, giữa các nước lớn chưa từng xảy ra tình trạng thù địch nguy hiểm và cấp bách như hiện nay. LHQ đang đứng trước trách nhiệm trọng đại và trong thời khắc nghiêm trọng này, đàm phán và thỏa hiệp là con đường duy nhất đem lại hòa bình cho thế giới.
Tuy nhiên, lúc đó, trong những bức thư gửi cho nhau, Khrushchev và Kennedy vẫn dùng những lời lẽ cứng rắn. Tàu Liên Xô vẫn tiến về phía Cuba. Việc xây dựng các căn cứ tên lửa của Liên Xô ở Cuba vẫn được đẩy mạnh. Mỹ thì đang lên phương án oanh tạc có trọng điểm nhằm vào Cuba. Cho nên, lời kêu gọi khẩn cấp của U Thant không nhận được sự hưởng ứng tích cực ngay lập tức từ hai bên liên quan trực tiếp là Mỹ và Liên Xô. Trong bức thư trả lời, Kennedy không chấp nhận những yêu cầu của U Thant, đồng thời nhắc lại những điều kiện Mỹ đưa ra trong dự thảo nghị quyết mà Stevenson trình HĐBA.
Minh Thành (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ sau: Xuất hiện dấu hiệu xuống thang