Đồng chí Fidel Castro trở thành vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Chuyến thăm lịch sử bất chấp khó khăn, nguy hiểm này của lãnh tụ Cuba, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, mãi mãi trở thành biểu tượng của tình đoàn kết anh em thủy chung, gắn bó cùng lý tưởng cao đẹp chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Nhân Kỷ niệm 45 năm lãnh tụ Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Trị, Thông tấn xã Việt Nam có loạt gồm 3 bài viết về sự kiện lịch sử này.
Bài 1: Ký ức "người trong cuộc" về chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro
Tròn 45 năm sau chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Fidel Castro đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Trị, trong tâm trí của những cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Quảng Trị vẫn còn in đậm về lãnh tụ Cuba bình dị, oai phong, can trường nhưng rất gần gũi, thân thiết và giàu lòng nhân ái.
Năm nay đã 82 tuổi, nhưng trong ký ức của ông Dương Tú Anh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1972 - 1976, vẫn vẹn nguyên từng khoảnh khắc lãnh tụ Fidel Castro đến Quảng Trị năm 1973. Ông tự nhận mình là một trong những người may mắn khi được tháp tùng trọn vẹn chuyến thăm của lãnh tụ Cuba đến Quảng Trị vào năm 1973.
Theo ông Dương Tú Anh, việc lãnh tụ Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973 được giữ bí mật cho đến khi lãnh tụ Cuba gần đặt chân đến Quảng Trị. Lãnh tụ Fidel Castro đã đi bộ khoảng 2 km từ cầu Đông Hà (thành phố Đông Hà) ngược lên phía Tây – nay là đường Trần Hưng Đạo, để thị sát những lô cốt, vũ khí của địch bỏ lại và chứng kiến nỗ lực của quân và dân Quảng Trị xây dựng lại quê hương sau chiến tranh. Đi đến đâu, lãnh tụ Fidel Castro cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Quảng Trị. Người dân Quảng Trị đặc biệt dành sự cảm phục với lãnh tụ Fidel Castro, vị nguyên thủ quốc gia rất gần gũi, thân thiết và không hề sợ gian nguy.
Ông Dương Tú Anh nhớ lại: Lãnh tụ Fidel Castro đi hiên ngang, hùng dũng, công khai trước sự theo dõi sát sao của địch. Đông Hà cách thị xã Quảng Trị ở phía Nam sông Thạch Hãn chỉ hơn 10 km - nơi lúc bấy giờ địch còn tạm chiếm đóng và luôn chĩa nòng pháo về phía Đông Hà.
Sau khi thị sát ở Đông Hà, lãnh tụ Fidel Castro ngược lên Đường 9 thăm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau đó lãnh tụ Cuba tiếp tục đi theo Đường 9 thăm Cứ điểm 241 Tân Lâm, mà Mỹ gọi là Căn cứ Carol nằm trên đồi cao, cách Đường 9 đoạn qua xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, khoảng 2 km.
Ông Dương Tú Anh cho biết, lãnh đạo địa phương đã chọn một bãi đất rộng, ở phía dưới và nằm bên phải đường lên Cứ điểm 241 Tân Lâm, để tổ chức buổi mít tinh nhân dịp lãnh tụ Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Sáng 16/9/1973, tại buổi mít tinh, lãnh tụ Fidel Castro đã diễn thuyết ở đây, dưới sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta. Ngay khi lãnh tụ Fidel Castro tiến vào nơi tổ chức mít tinh, các cán bộ, chiến sỹ của ta đã chào đón và trao cho ông lá cờ Bách chiến Bách thắng lấp lánh Huân chương của đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên- Huế. Lãnh tụ Fidel Castro cầm lá cờ thẳng đứng trong tư thế hiên ngang, hùng dũng tiến vào khu vực mít tinh, khiến ai nấy đều rất xúc động. Cầm lá cờ trên tay, lãnh tụ Fidel Castro hô to trước đông đảo chiến sỹ: “Các đồng chí hãy mang lá cờ Bách chiến Bách thắng này cắm tại Sài Gòn. Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”.
Cầm chiếc khăn thấm nhẹ giọt nước mắt lăn trên gò má, ông Dương Tú Anh kể tiếp: Lãnh tụ Fidel Castro diễn thuyết ở Cứ điểm 241 Tân Lâm đến hơn 30 phút, nhưng ông không cần giấy tờ gì cả. Trong chừng ấy thời gian diễn thuyết, lãnh tụ Cuba ca ngợi lòng dũng cảm, sự can trường và chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta; tình đoàn kết anh em thủy chung Việt Nam - Cuba. Đứng trên Cứ điểm 241 Tân Lâm, chứng kiến cảnh hoang tàn do chiến tranh, lãnh tụ Fidel Castro gợi mở, cần sớm xây dựng nhà cửa và nông trường để khắc phục sự hoang tàn.
Ông Dương Tú Anh cho biết, qua chuyến thăm này, các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta một lần nữa cảm nhận, lãnh tụ Fidel Castro là người bạn lớn rất thân tình, rất thấu hiểu Việt Nam ngay còn trong chiến tranh. Lãnh tụ Cuba đến với Việt Nam ngay trước mặt kẻ thù và luôn gần gũi, thân thiết với nhân dân; hiên ngang, dũng cảm, sâu sát với từng nơi ông đặt chân đến. Nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Quảng Trị nói riêng, trong tâm khảm ai ai cũng nhớ đến lãnh tụ Fidel Castro, bởi ông thực sự là “người bạn lớn” của Việt Nam.
Đại tá Trần Văn Thà, năm nay đã 90 tuổi. Năm 1973, ông Thà mang quân hàm Thiếu tá và giữ chức vụ Phó Chỉ huy trưởng Đặc khu Vĩnh Linh. Ông được giao nhiệm vụ hướng tuyến đi cho đoàn dẫn đường lãnh tụ Cuba thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973. Đại tá Trần Văn Thà hồi tưởng, bản thân ông chỉ được biết trước một đêm kế hoạch lãnh đạo Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973. Nhận được lệnh làm nhiệm vụ quan trọng này, ông đã bật khóc vì xúc động. Khi được biết trong đoàn còn có Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi cùng lãnh tụ Fidel Castro, ông cùng đồng đội càng thêm tự hào về nhiệm vụ của mình.
Chứng kiến những hoạt động của lãnh tụ Cuba khi đặt chân đến vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973 như: Thăm bộ đội ta trên Căn cứ 241 Tân Lâm, giây phút lãnh tụ Fidel Castro hiên ngang dẫm chân lên khẩu pháo 175 mm, hay việc lãnh tụ Fidel Castro dừng ngay cuộc hành trình để thăm hỏi, yêu cầu cấp cứu mang lại sự sống cho một nữ dân công bị thương, do mìn phát nổ ở khu vực cầu Hiền Lương, Đại tá Trần Văn Thà rất cảm phục lãnh tụ Fidel Castro bởi sự bình dị, tình cảm, nhân hậu, anh hùng, không sợ hiểm nguy.
Sau chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro đến vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973, Đại tá Trần Văn Thà còn lưu giữ được 7 tấm ảnh về lãnh tụ Fidel Castro đến Quảng Trị năm 1973, do phóng viên Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) chụp. Sau đó, ông đã gửi số ảnh này cho Bảo tàng Quân khu V lưu giữ. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, nước mắt của Đại tá Trần Văn Thà không ngừng rơi khi nhắc đến lãnh tụ Cuba. Ông nghẹn ngào: “Nói đến Fidel Castro là cảm xúc trong tôi lại dâng trào, nước mắt rơi ra”. Khi nghe tin lãnh tụ Fidel Castro từ trần (ngày 25/11/2016), Đại tá Trần Văn Thà đã òa khóc. Ông đã nhờ Bảo tàng Quân khu V gửi lại cho mình những bức ảnh về lãnh tụ Fidel Castro thăm Quảng Trị năm xưa. Cầm những bức ảnh này, ông rưng rưng, trong lòng cảm thấy mất mát thật lớn lao.
Từ chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị của lãnh tụ Fidel Castro, ông Trương Sĩ Tiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cảm nhận, nguyên thủ một nước cách nửa vòng trái đất đến thăm Việt Nam, khi chúng ta đang kháng chiến chống Mỹ, là sự kiện lớn và tràn đầy xúc cảm. Lãnh tụ Cuba thăm vùng giải phóng Quảng Trị khi còn khét mùi thuốc súng, mới giải phóng từ Bắc sông Thạch Hãn, điều này khiến cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta rất cảm kích. Tình cảm người dân Quảng Trị dành cho Fidel Castro rất ấm ấp, thân tình. Lãnh tụ Cuba được người dân Quảng Trị đón vừa với nghi thức của một nguyên thủ quốc gia, vừa gần gũi, đầy thiện cảm.
Khi lãnh tụ Fidel Castro quyết định thăm đơn vị bộ đội tại Cứ điểm 241 Tân Lâm, nơi Mỹ đặt pháo 175 mm được mệnh danh là "vua chiến trường", nhằm khống chế phía Bắc sông Bến Hải và khống chế miền Bắc chi viện cho miền Nam, lãnh tụ Cuba đã dùng chân đạp lên nòng pháo 175 mm. Hành động này đã toát lên sự oai hùng, tráng ca của một vị Tổng tư lệnh luôn chiến đấu cho độc lập, tự do của nhân dân Cuba, Mỹ Latinh và thế giới. Trong bài diễn thuyết tại Căn cứ 241 Tân Lâm, lãnh tụ Fidel Castro hô vang câu nói nổi tiếng, đã in sâu vào trong tâm trí bao thế hệ người Việt Nam: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàn hiến dâng cả máu của mình". Ông Trương Sĩ Tiến cho rằng, trong quan hệ giữa các nước, thường có hỗ trợ nhau về lương thực, thuốc men... còn hiến dâng cả máu của mình, tức là mạng sống của chính mình như nhân dân Cuba thì thật là hiếm có.
Chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro đến vùng đất vừa mới được giải phóng ở Quảng Trị, đã trở thành nguồn động viên và cổ vũ lớn lao để quân và dân ta “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Bài 2: Dấu ấn sâu đậm về “người bạn lớn” của nhân dân Việt Nam