Lãnh tụ Cuba Fidel Castro nói về các vấn đề thời cuộc

Sau một thời gian dài vắng tiếng, ngày 26/1/2015, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã gửi thư cho sinh viên đại học nhân kỷ niệm 70 năm ngày ông vào trường đại học La Habana. Sau đây là toàn văn bài viết:

Gửi các đồng chí của Liên hiệp Sinh viên đại học

Các đồng chí thân mến:

Từ năm 2006, tôi đã rút khỏi các trọng trách của mình khi điều kiện sức khỏe không cho phép tôi có được thời gian và nỗ lực cần thiết để hoàn thành một trách nhiệm mà tôi đã tự đặt ra cho mình từ 70 năm trước khi tôi bước vào Đại học - ngày 4 tháng 9 năm 1945.

Lãnh tụ Fidel Castro.


Tôi không sinh ra trong một gia đình công nhân, không thiếu thốn điều kiện vật chất và xã hội để có một cuộc sống tương đối đầy đủ, và có thể nói rằng tôi đã “trốn thoát” sự giàu có một cách kỳ lạ. Nhiều năm sau, một người Mỹ rất giàu có và tất nhiên cũng rất tài năng, với tài sản khoảng gần 100 tỷ USD đã tuyên bố - theo như báo chí đưa tin ngày 22/1 vừa qua - rằng hệ thống sản xuất và phân phối của cải một cách ưu đãi sẽ dần dần biến những người nghèo thành những người giàu qua nhiều thế hệ.

Từ thời Hy Lạp cổ đại, kéo dài khoảng 3.000 năm, những người Hy Lạp đã trở nên xuất sắc trong hầu hết mọi lĩnh vực mà không cần phải đi đâu xa: từ vật lý, toán học, triết học cho đến kiến trúc, nghệ thuật, khoa học, chính trị, thiên văn và những ngành tri thức khác.

Tuy nhiên, Hy Lạp khi đó là một vùng đất nơi những người nô lệ thực hiện những công việc cực nhọc nhất từ nông thôn tới thành thị, trong khi giới quyền quý chỉ việc chú tâm vào viết lách và suy luận. Chính họ đã vẽ ra ảo mộng đầu tiên của nhân loại.

Bằng góc nhìn và những giá trị lịch sử, hãy quan sát kỹ thực tiễn của hành tinh toàn cầu hóa và chênh lệch của chúng ta, nơi nhiều người thiếu thốn mọi phương tiện mưu sinh, trong khi nhiều người khác có nhiều của cải tới mức chẳng biết làm gì với chúng.

Trong bối cảnh đầy rẫy những lời dọa dẫm và nguy cơ chiến tranh, sự rối loạn đang ngự trị trong hệ thống phân phối tài chính và phân chia sản xuất xã hội. Dân số toàn cầu đã tăng từ 1 tỷ lên 7 tỷ người trong giai đoạn 1800 - 2015. Vậy những công thức hiện tại có giúp chúng ta đối phó với lượng dân số tăng trong vòng 100 năm tới và một loạt những nhu cầu kèm theo từ lương thực, y tế, nước ngọt tới nhà ở, kể cả với những bước tiến không ngừng của khoa học - kỹ thuật?

Hãy tạm gác sang một bên những vấn đề rắc rối đó. Thật tự hào khi nhớ lại rằng trường Đại học La Habana - học viện thân thương và uy tín của chúng ta - là trường đại học duy nhất tại Cuba trong những ngày tôi nhập học cách đây gần 3/4 thế kỷ.

Các đồng chí sinh viên và giáo sư thân mến, cần nhớ rằng giờ đây chúng ta đã có hơn 50 cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc.

Khi các đồng chí mời tôi tham dự ngày kỷ niệm 70 năm tôi bước vào giảng đường của Đại học La Habana - ngày kỷ niệm mà tôi chỉ bất ngờ được biết, tôi đã quyết định dứt mình khỏi những công việc bề bộn - một vài công việc mà tôi vẫn còn hữu ích - và dành ra vài giờ để nhớ lại những năm tháng ấy.

Oswaldo Guayasamín (1919 - 1999): họa sĩ và nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng người Ecuador, sinh ra trong gia đình rất nghèo thuộc sắc tộc thiểu số Quechua, nổi tiếng với tinh thần lao động nghệ thuật hăng say quên mình - ND

Tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng 70 năm đã trôi qua. Giờ đây, nếu được quyền đăng ký nhập học lại, như một số đồng chí đã hỏi tôi, có lẽ tôi sẽ không đắn đo mà trả lời rằng tôi sẽ đăng ký một ngành khoa học, và khi tốt nghiệp tôi sẽ nói, như lời của Guayasamín: cứ để cho tôi một ngọn đèn nhỏ luôn sáng.

Trong những năm tháng đầu tiên ấy, nhờ ảnh hưởng của Marx, tôi đã hiểu được rõ hơn thế giới lạ kỳ và phức tạp của chúng ta. Tôi đã thoát ra được khỏi những ảo mộng tư bản, mà những chiếc vòi bạch tuộc của chúng vẫn thường vây bủa nhiều sinh viên đại học thuở ấy- những người ít kinh nghiệm nhưng lại nhiều nhiệt huyết. Đó là cuộc đấu tranh dài và chẳng bao giờ kết thúc.

Môt thiên tài cách mạng khác mà tôi ngưỡng mộ là Lenin, người sáng lập ra Đảng Cộng sản. Chính vì thế, trong lần duy nhất được có mặt trong phiên xử vụ tấn công trại lính Moncada, tôi đã không lưỡng lự giây phút nào để tuyên bố trước các quan tòa và hàng chục sĩ quan của chế độ Batista rằng chúng tôi (những người du kích tấn công trại lính Moncada - ND) là những học trò của Lenin.

Về Mao Trạch Đông, chúng ta chưa đề cập tới ở đây vì cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tại Trung Quốc mà ông khởi xướng, cũng với những mục đích cao đẹp ấy, vẫn chưa kết thúc.

Cũng xin nhắc nhở rằng, chúng ta càng phải đề cao những tư tưởng cách mạng khi mà tri thức nhân loại đang được nhân lên gấp bội mỗi ngày.

Thiên nhiên đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, dù cách nhau hàng tỷ năm ánh sáng, mọi hình thái của sự sống đều xuất phát từ những sự kết hợp khó tin nhất của những nguyên tố và vật chất khác nhau.

Cũng như vậy, cử chỉ chào hỏi giữa Chủ tịch Cuba và Tổng thống Mỹ lại diễn ra trong bối cảnh đám tang của Nelson Mandela, biểu tượng chiến đấu chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid - người có quen biết tổng thống Obama.

Tất cả chúng ta đều biết rằng, nhiều năm trước đó, các chiến sĩ cách mạng Cuba đã chiến thắng vang dội trước đội quân phân biệt chủng tộc của Nam Phi, do giới tư sản có tiềm lực kinh tế khổng lồ chỉ huy. Đó là cả một lịch sử hào hùng cần được viết lại với nhiều giấy mực. Khi ấy, Nam Phi - với một chính phủ nhiều nguồn lực tài chính nhất tại châu lục - đã sở hữu vũ khí hạt nhân do nhà nước kỳ thị chủng tộc Israel cung cấp theo thỏa thuận với tổng thống Mỹ Ronald Reagan.

Ông Reagan đã cho phép chuyển giao số đầu đạn hủy diệt ấy để Nam Phi tấn công các đơn vị Cuba và Angola đang chiến đấu bảo vệ nước Cộng hòa nhân dân Angola trước cuộc chiếm đóng của các thế lực phân biệt chủng tộc. Người ta từng loại bỏ hoàn toàn khả năng đàm phán hòa bình vào thời điểm mà các lực lượng Apartheid - đội quân được huấn luyện và trang bị tốt nhất Phi châu - vẫn đang tấn công Angola.

Khi đó chẳng có cơ hội nào cho một giải pháp hòa bình cả. Những mưu đồ và hành động tấn công không ngừng của đạo quân tinh nhuệ trên nhằm làm kiệt quệ và sau đó là tiêu diệt Công hòa nhân dân Angola đã khiến Cuba quyết định thực hiện một cuộc tiến công thần tốc vào các lực lượng phản động tại Cuito Cuanavale, một căn cứ cũ của NATO mà Nam Phi muốn chiếm giữ bằng mọi giá.

Sau đó, quốc gia Nam Phi hùng mạnh ấy đã buộc phải thương lượng một thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc xâm lược Angola và cũng đặt dấu chấm hết cho chế độ Apartheid tại châu Phi.

Châu Phi đã được giải phóng khỏi vũ khí nguyên tử. Còn Cuba lần thứ hai phải đối diện nguy cơ tấn công hạt nhân.

Những chiến sĩ quốc tế của Cuba đã trở về từ châu Phi trong vinh quang. Và sau đó là Thời kỳ đặc biệt trong giai đoạn hòa bình, một thời kỳ đã kéo dài 20 năm mà nhân dân ta vẫn không giương cờ trắng, không đầu hàng. Chúng ta đã và sẽ không bao giờ làm thế.

Rất nhiều bạn bè của Cuba đã hiểu rõ cách ứng xử mẫu mực của nhân dân ta, và đối với họ, tôi chỉ xin giải thích quan điểm của mình trong đôi lời.

Tôi không tin vào chính sách của Mỹ và tôi cũng chưa bao giờ trao đổi gì với họ, nhưng không có nghĩa là tôi phản đối một giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột hay nguy cơ chiến tranh. Bảo vệ hòa bình là nghĩa vụ của tất cả mọi người.

Mọi giải pháp hòa bình và thông qua thương lượng cho các vấn đề giữa Mỹ và các dân tộc hoặc bất kỳ một dân tộc nào tại Mỹ Latinh, mà không bao gồm vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, cần được xem xét theo các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế. Chúng ta sẽ luôn bảo vệ quan hệ hợp tác và tình hữu nghị với tất cả các dân tộc trên thế giới, kể cả nhân dân của các đối thủ chính trị của chúng ta. Đó là điều chúng ta kêu gọi mọi người hưởng ứng.

Chủ tịch Cuba đã có những bước đi phù hợp với chức năng và quyền hạn được Quốc hội và Đảng Cộng sản Cuba giao phó.

Những mối hiểm nguy đang đe dọa nhận loại phải nhường bước cho những chuẩn mực phù hợp với phẩm giá con người. Mọi quốc gia trên thế giới đều phải được hưởng những quyền đó.

Với tinh thần ấy, tôi đã chiến đấu và sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng.

Fidel Castro Ruz, ngày 26 tháng 1 năm 2015.


Lê Hà (P/v TTXVN tại Cuba)


Sinh viên Cuba rước đuốc kỷ niệm ngày sinh Jose Marti
Sinh viên Cuba rước đuốc kỷ niệm ngày sinh Jose Marti

Sinh viên các trường đại học trên toàn bộ 16 tỉnh, thành của Cuba đã tổ chức lễ tuần hành rước đuốc truyền thống tôn vinh người anh hùng dân tộc Jose Marti.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN