Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn Pháo binh Bông Lau đã lập nên một kỳ tích: Bức hàng một Trung đoàn bộ binh tăng cường của quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH), bắt sống hàng ngàn tù binh, thu nhiều chiến lợi phẩm, đặc biệt có ba khẩu pháo tự hành 175mm, loại pháo mặt đất có cỡ nòng lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, được mệnh danh là: "Vua chiến trường", là "Sấm sét”. Sự kiện quan trọng này góp phần làm tan rã tinh thần quân lính đối phương, tạo điều kiện cho Sư đoàn bộ binh 304 tiến công diệt địch, tạo đà cho quân và dân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Các cựu chiến binh Trung đoàn Pháo binh chụp ảnh lưu niệm bên chiến lợi phẩm "Vua chiến trường" tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. |
Đấy là tại chiến trường Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972 trong chiến dịch "Nguyễn Huệ" giải phóng Quảng Trị năm 1972. Đây là chiến dịch dài ngày nhất ác liệt nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ta đã huy động sử dụng lực lượng Binh chủng Hợp thành, lực lượng vũ trang ba thứ quân, tiến hành ba mũi giáp công cùng đánh địch. Trung đoàn Pháo binh là Trung đoàn pháo tầm xa thuộc lực lượng dự bị chiến lược của Mặt trận B5, với mật danh Bông Lau, có nhiệm vụ phối thuộc với Sư đoàn bộ binh 304, đã vinh dự được đánh trận mở màn chiến dịch vào căn cứ 241 và căn cứ Mai Lộc, hướng chủ yếu của chiến dịch nằm trên tuyến phòng ngự phía Tây của VNCH.
Căn cứ 241 do Trung đoàn 56 bộ binh địch chiếm giữ, căn cứ Mai Lộc do Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến chiếm giữ. Đó là hai đơn vị thiện chiến dầy dạn kinh nghiệm chiến đấu. Đặc biệt Trung đoàn 56 do Trung tá Phạm Văn Đính, niềm tự hào của quân lực VNCH chỉ huy, lại có cố vấn giỏi của Mỹ theo sát chỉ đạo. Cứ điểm 241 là căn cứ hỗn hợp gồm lực lượng pháo binh tương đương một Trung đoàn tăng cường, (gần 40 khẩu pháo cối các loại, trong đó có 26 khẩu đại bác từ 105 đến 175mm), là căn cứ có hỏa lực mạnh nhất tại vùng giới tuyến, vừa là cứ điểm phòng ngự cố thủ, vừa là bàn đạp cho các đơn vị địch triển khai các cuộc hành quân ra vùng giải phóng, dò la phát hiện lực lượng ta, nhằm ngăn chặn con đường hành quân từ Bắc vào Nam của quân đội ta. Vì vậy cứ điểm 241 là mắt xích xung yếu nhất, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống hàng rào điện tử McNamara, muốn giải phóng hoàn toàn được tỉnh Quảng Trị, ta phải đập tan phá vỡ, mở tung lá chắn phía Tây Bắc của địch, đưa mũi tiến công chiến dịch thẳng vào Ái Tử, nơi có sở chỉ huy quân đoàn 1 của chúng.
Để đảm bảo cho trận đầu ra quân thắng lợi, từ cuối tháng 11/1971, Trung đoàn đã bí mật triển khai xây dựng mạng lưới tọa độ, đã thực hành trinh sát chiến trường nắm chắc hệ thống cứ điểm và quy luật hoạt động của địch, đã bỏ hàng ngàn vạn ngày công cùng công binh, dân công mở đường chiếm lĩnh, xây dựng trận địa, ém hàng ngàn tấn đạn dược, lương thực, đã vượt qua bao gian khổ hy sinh bí mật hành quân chiếm lĩnh trận địa an toàn bí mật, kịp thời nổ súng.
Tính từ 11 giờ ngày 31/3/1972 đến hết ngày 2/4/1972 Trung đoàn Pháo binh Bông Lau đã đồng loạt nổ súng bắn chế áp chính xác, mãnh liệt trên dưới 4.000 quả đạn vào các mục tiêu trên toàn cứ điểm 241 và Mai Lộc, làm cho Trung đoàn 56 thuộc Sư đoàn 3 bộ binh ngụy Sài Gòn ở căn cứ 241 mất sức đề kháng, Lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 ở căn cứ Mai Lộc bỏ chạy. Trước áp lực của quân đội ta, trước thắng lợi của Sư đoàn bộ binh 304 ở căn cứ vòng ngoài 544, Ba Hồ, Động Toàn…, đặc biệt trước nguy cơ trực tiếp bị pháo binh Bông Lau hủy diệt hoàn toàn, mặc dù bộ binh Sư đoàn 304 chưa tiếp cận được căn cứ, Trung tá Phạm Văn Đính đã qua sóng vô tuyến điện trực tiếp xin người chỉ huy cao nhất của Trung đoàn Pháo binh Bông Lau cho pháo ngừng bắn để chúng hạ vũ khí đầu hàng. Sau khi được chấp nhận, chúng đã treo cờ trắng đầu hàng vô điều kiện. Đây là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại nói chung, lịch sử truyền thống pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng: Một Trung đoàn bộ binh chính quy của địch đã phải trực tiếp quy hàng một Trung đoàn pháo binh của quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sự kiện cả một Trung đoàn ở căn cứ hỏa lực mạnh nhất tại căn cứ 241 được McNamara dày công xây dựng đầu hàng vô điều kiện đã làm chấn động, tan rã tinh thần chiến đấu của quân lực Sài Gòn. Với thành tích đó Trung đoàn Pháo binh Bông Lau đã được thưởng Huân chương Quân công, các Tiểu đoàn đại đội nhiều cán bộ chiến sỹ được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng.
Tổng kết chiến dịch, Trung đoàn Pháo binh Bông Lau đã đánh hàng trăm trận, góp phần tiêu diệt, làm tan rã Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 147, thuộc Sư đoàn bộ binh 3 ngụy Sài Gòn, bắn cháy phá hủy hàng trăm xe tăng, xe bọc thép xe quân sự, tiêu diệt phá hủy nhiều trận địa pháo từ Tân Lâm, Mai Lộc, Ái Tử, La Vang. Mỹ Chánh đến Đồng Lâm, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng trị. Trung đoàn còn trực tiếp bắn hạ 5 máy bay phản lực, bắt sống giặc lái, thu nhiều quân trang quân dụng, phương tiện chiến tranh, trong đó thu nguyên vẹn 3 khẩu pháo tự hành 175 ly đã đưa ra Bắc ngay năm 1972, 4 khẩu lựu pháo 155 ly trang bị cho một Đại đội của Trung đoàn “lấy pháo địch đánh địch” rất có hiệu quả.
Ngày nay tìm lại các tư liệu thông tin của địch đều thấy nỗi bàng hoàng khiếp sợ của chúng khi đưa tin mô tả trong “Mùa hè đỏ lửa 1972” sự kiện đầu hàng của Trung đoàn 56. Trận đánh lịch sử của Trung đoàn Pháo binh Bông Lau thực sự là nỗi kinh hoàng ám ảnh của cả Mỹ và tay sai trên chiến trường và chính trường dư luận. Sau này khi tổng kết, Thiếu tướng Hoàng Đan, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 khẳng định: "Lần đầu tiên một Trung đoàn bộ binh ngụy được Mỹ giúp đỡ ra đầu hàng, sự kiện chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại Việt Nam".
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, Trung đoàn Pháo binh Bông Lau phát triển thành Lữ đoàn gồm 4 tiểu đoàn. Ngày 2/4/1975 Lữ đoàn Pháo binh Bông Lau nhận lệnh hành quân gấp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, sau 14 ngày hành quân thần tốc và an toàn, toàn đội hình Lữ đoàn đã tới vị trí tập kết sớm 7 ngày so với mệnh lệnh. Lữ đoàn Pháo binh Bông Lau có nhiệm vụ tập kích hỏa lực vào hai mục tiêu lớn là sân bay Tân Sơn Nhất và trụ sở Bộ Tổng Tham mưu quân lực ngụy. Khoảng 11 giờ ngày 30/4/1975 Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 Lữ đoàn Pháo binh Bông Lau đã bắn loạt cuối cùng vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy Sài Gòn. Thiếu tướng Doãn Tuế, Tư lệnh Pháo binh cho biết đó cũng là loạt đạn cuối cùng của pháo binh quân đội ta góp phần kết thúc thắng lợi cuộc chiến đấu vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lữ đoàn Pháo binh Bông Lau được tặng thưởng Huân chương Quân công, các Tiểu đoàn Đại đội nhiều cán bộ chiến sỹ đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng…
Ngày 16/12/2014, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định số 3329 QĐ/CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Trung đoàn Pháo binh Bông Lau. Đây là phần thưởng xứng đáng cho cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn. Hôm nay tuy Trung đoàn Bông Lau đã giải thể sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang song chiến công đặc biệt xuất sắc ấy đã viết lên trang sử vàng oanh liệt trong lịch sử chiến tranh vệ quốc của toàn quân, toàn dân ta.
Bài và ảnh: Trần Vân Hạc