Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ 1

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã xuất hiện gần 2 năm, thế nhưng có rất ít thông tin về tổ chức, cơ chế hoạt động bên trong của nhóm khủng bố này. Một phần là bởi IS duy trì guồng máy an ninh, tình báo rất tinh vi. Một nhân vật tự nhận từng là thành viên trong mạng lưới an ninh, tình báo của IS và đã đào thoát khỏi hàng ngũ mới đây đã tiết lộ những thông tin gây sốc về mạng lưới này. Thông tin do tờ The Dailybeast (Mỹ) công bố, dựa trên nội dung các cuộc phỏng vấn với “kẻ đào tẩu”.


CON ĐƯỜNG GIA NHẬP IS

Cuối cùng, người đàn ông có cái tên Abu Khaled cũng chịu tiết lộ câu chuyện dài kỳ về việc gia nhập IS cũng như cơ cấu tổ chức, thủ đoạn hoạt động của nhóm khủng bố khét tiếng này. Khaled đã gia nhập hàng ngũ IS và là thành viên của “Cơ quan an ninh” (Amn al-Dawla) – tổ chức chuyên thực hiện các chiến dịch tình báo, phản gián. Giờ thì anh này đã đào thoát khỏi IS, sống cùng với gia đình ở Aleppo, Syria, đang bận bịu với kế hoạch xây dựng một tiểu đoàn (Kabita) gồm 78 thành viên để chống lại chính những “cựu đồng nghiệp” thánh chiến. Phải mất rất nhiều thời gian, Khaled mới đồng ý gặp mặt trực tiếp phóng viên tờ Dailybeast để thực hiện cuộc phỏng vấn, kéo dài trong 3 ngày cuối tháng 10 vừa qua, với các địa điểm gặp gỡ là các quán cafe, nhà hàng hay thậm chí các tuyến phố tản bộ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. 

Các phần tử thánh chiến IS. Ảnh: Reuters

“Toàn bộ cuộc đời tôi ư, được thôi. Tôi là người Hồi giáo, nhưng không theo giáo luật Sharia hay tôn giáo khác biệt nào. Một ngày, tôi nhìn vào khuôn mặt mình trong gương. Tôi để râu dài. Lúc đó tôi còn chẳng nhận ra mình nữa. Trông giống như là thành viên ban nhạc Pink Floyd. Trong đầu tôi nghĩ là ai đó, chứ không phải chính mình”, Khaled bắt đầu câu chuyện. Như nhiều đồng bào khác, anh trải qua một quãng thời gian chiến tranh kéo dài gần nửa thập kỉ tại một căn cứ ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Khaled gia nhập IS vào ngày 19/10/2014, tức là khoảng một tháng sau khi liên quân do Mỹ đứng đầu phát động chiến dịch “Quyết tâm sắt đá”, không kích vào Raqqa, “thủ đô” của IS thuộc miền Đông Syria. “Tôi đến đó chủ yếu là vì muốn khám phá. Tôi muốn xem loại người ở đó là như thế nào. Nói thực lòng, tôi không tiếc nuối về quyết định đó. Giờ thì họ là kẻ thù của tôi và tôi biết họ rất rõ”, cựu binh IS chia sẻ.

Theo lời kể của Khaled, anh đã phải trải qua một hành trình thẩm định, xét duyệt kĩ lưỡng trước khi có được vị trí quan trọng trong hàng ngũ IS. Đầu tiên, Khaled đến một chốt kiểm soát trên biên giới tại thị trấn Tal Abyad nằm trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và thuộc quyền kiểm soát của IS. “Họ hỏi tôi đi đâu đấy. Tôi trả lời ‘tới Raqqa'. Họ lại hỏi tôi tới làm gì, tôi nói muốn gia nhập IS. Rồi họ kiểm tra hành lý”, Khaled nhớ lại.

Khi đã đặt chân tới Raqqa, Khaled được đến “Đại sứ quán Homs” – tòa nhà điều hành của IS nơi mà tất cả các công dân Syria đều phải đến để làm thủ tục. Anh ở đây hai ngày, sau đó được chuyển tới cái gọi là “Bộ Quản lý Biên giới”. Họ coi Khaled là người nhập cư, vì từng có quãng thời gian sống bên ngoài lãnh thổ “Nhà nước Hồi giáo”. Như nhiều người khác, người mới tới buộc phải trải qua tiến trình hòa nhập hóa, phải vượt qua cuộc phỏng vấn để được công nhận tư cách công dân của “nhà nước”. 

Sau đó là giai đoạn tiếp thu tư tưởng truyền bá. “Tôi tới Tòa án Sharia trong 2 tuần. Mọi người đều phải theo học. Họ dạy chúng tôi cách ghét bỏ con người”, Khaled vừa kể vừa cười và nhìn nhận đây là hoạt động “tẩy não” của IS. Nội dung được giảng dạy là Đạo hồi nhưng theo phiên bản IS – với điểm nhấn là những người phi Hồi giáo phải bị giết hại, vì là kẻ thù của cộng đồng Hồi giáo.

Thủ phủ Raqqa và các vùng đất do IS kiểm soát (màu cam). Ảnh: Reuters

Những tuần đầu tiên gia nhập IS, Khaled gặp nhiều đồng nghiệp đến từ Đức, Hà Lan, Pháp, Venezuela, Mỹ và cả Nga, tất cả đều đến Raqqa để “trụ vững và mở rộng”. Do dòng người thánh chiến đổ về IS ngày một đông, nhiều người thậm chí còn chẳng nói nổi một tiếng Arab nào, nên những “người tình nguyện” biết nhiều ngoại ngữ như Khaled đặc biệt có giá trị. Nói trôi chảy tiếng Arab, tiếng Anh và tiếng Pháp, anh nghiễm nhiên được chọn làm phiên dịch. Nhiều lúc Khaled phải làm việc cho cả hai nhóm, bên tay trái thì phụ trách những người nói tiếng Pháp, dịch từ tiếng Arab sang tiếng Pháp; bên tay phải là người Mỹ, phải dịch từ tiếng Arab sang tiếng Anh.

Cuối cùng, Khaled được chọn vào “Cơ quan An ninh Nhà nước” (Amn al-Dawla), mô hình tương tự như Shin Bet (Cơ quan Tình báo nội địa Israel) hay FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ). Amn a-Dawla có nhiệm vụ chính là thực hiện các chiến dịch phản gián nhằm “nhổ gốc” những điệp viên nước ngoài có thể đến từ chính quyền Syria, Quân đội Syria Tự do (FSA) hay các cơ quan mật vụ phương Tây; chặn thu và giải mã các cuộc đàm thoại, thư tín trong nội bộ (để phát hiện ra cuộc thoại, kết nối Internet không được phép); thực hiện chương trình giam giữ, tra tấn khét tiếng của IS.

Đáng chú ý, công dân người Anh Mohammed Emwazi, kẻ được truyền thông quốc tế gọi với biệt danh “đao phủ thánh chiến John” cũng là một thành viên trong Amn al-Dawla. Tên này được cho là đã bị giết chết trong đợt không kích bằng máy bay không người lái do Mỹ tiến hành hôm 13/11 vừa qua. 

Xem Kỳ 2: Bức tranh về "Nhà nước Hồi giáo"

Hoài Thanh (Theo The Dailybeast)
Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ cuối
Lời thú nhận chấn động của cựu mật vụ IS - Kỳ cuối

Đang sống trong nhà nước thánh chiến được mệnh danh là “5 sao” (ít nhất là so với ở Iraq), tại sao Khaled lại tìm cách trốn chạy?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN