Lương Định Của là một nhà nông học xuất sắc, người đi đầu trong lĩnh vực cải tạo giống cây trồng của Việt Nam và là ông tổ của giống lúa Nông nghiệp 1, giống lúa lai tạo thành công đầu tiên tại Việt Nam. Tên ông từng được nông dân gọi liền với tên của sản phẩm một cách thân thiết: dưa ông Của, cà chua ông Của, khoai ông Của, lúa ông Của... Còn bạn bè trìu mến gọi ông là “nhà bác học của đồng ruộng”. Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam và là một nhà khoa học có uy tín.
Nhà bác học Lương Định Của. |
Lương Định Của sinh ngày 16/8/1920 tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng; mất ngày 28/12/1975 tại Hà Nội.
Lúc nhỏ, ông học ở trường dòng Taberd tại Sóc Trăng. Sau đó, ông lên học tại Sài Gòn. Lương Định Của học rất xuất sắc. Năm 1937, khi 17 tuổi, ông đã đỗ tú tài toàn phần. Cùng năm đó, ông sang Hong Kong (Trung Quốc), theo học tại trường Đại học Y khoa.
Sau ba năm, ông không theo đuổi ngành y nữa mà đến Thượng Hải, Trung Quốc, học trường Đại học Kinh tế Thượng Hải. Năm 1941, do có chiến tranh, trường đại học này đóng cửa, Lương Định Của sang Nhật Bản và theo học khoa sinh vật thực nghiệm, trường Đại học Kyushu. Chỉ sau một năm học tập, với tài trí thông minh của mình, ông được đặc cách tuyển thẳng lên học năm thứ 3.
Năm 1945, ông kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản tên là Nakamura Nubuko, vốn là sinh viên Đại học Nữ công. Sau khi kết hôn, hai ông bà cùng làm việc tại Viện Thí nghiệm của trường Đại học Kyushu.
Năm 1946, Lương Định Của tiếp tục lên Kyoto, Nhật Bản, theo học ngành nông nghiệp và miệt mài học và nghiên cứu khoa học. Ra trường, ông tốt nghiệp loại ưu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nông học, khoa di truyền chọn giống. Đây là học vị cao nhất của ngành nông học Nhật Bản kể từ thời Minh Trị Thiên hoàng. Ông là người thứ 96 trên toàn nước Nhật giành được học vị này trong vòng 10 năm ở Nhật thời kỳ đó.
Năm 1952, với tình yêu đất nước, ông cùng gia đình từ Nhật Bản trở về phục vụ Tổ quốc.
Sau đó hai năm, năm 1954, ông cùng gia đình tập kết ra Bắc và làm việc tại Viện Khảo cứu Nông lâm, trường Đại học Nông nghiệp, rồi làm Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Bộ Nông nghiệp.
Nhà nông học Lương Định Của và các cán bộ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. |
Năm 1955, Lương Định Của công tác tại Tổ lúa, trại Quang Trung thuộc Viện Nghiên cứu Nông lâm nghiệp. Tháng 9-1956, trường Đại học Nông lâm mở khoá học đầu tiên, ông trở thành phó hiệu trưởng của trường.
Là một nhà bác học, nhưng Lương Định Của vẫn làm việc trong một căn phòng rất đơn sơ. Ngoài giờ lên lớp, ông thường xắn quần lội trên những cánh đồng thí nghiệm. Ông là người đầu tiên ứng dụng một cách sáng tạo các kỹ thuật canh tác của nước ngoài, chủ yếu là của Nhật vào việc trồng lúa ở Việt Nam như: cấy chăng dây thẳng hàng, cấy ngửa tay để cây lúa không bị ngập quá sâu xuống bùn, dùng cào cỏ Nhật Bản...
Ông là người có công lai tạo nhiều giống lúa có năng suất cao như: Nông nghiệp 1 (lai giữa Ba Thắc - Nam Bộ với Kunko - Nhật), giống lúa mùa muộn Saibuibao, giống lúa chiêm 314 (lai giữa dòng Đoàn Kết và Thắng Lợi), giống NN75-1 (lai giữa giống 813 với NN1); một số giống cây trồng khác như: dưa hấu không hạt, dưa lê, khoai lang, rau muống, đu đủ, xương rồng...
Lương Định Của là người đề ra một số mô hình canh tác điển hình như bờ vùng bờ thửa... Ông còn là tác giả của nhiều công trình khoa học như: đa bội thể ở tông Oryzeae, ảnh hưởng của ánh sáng trên các giai đoạn của giống lúa khi nhận đoản quang kỳ, nghiên cứu tế bào học trên lúa Oryzasativa.
Tuy ông không còn nữa nhưng những giống cây ông để lại và tên tuổi ông vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của những người nông dân Việt Nam. Lương Định Của đã được Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quí như: danh hiệu Anh hùng Lao động (1967); Huân chương Lao động hạng Nhất; Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật đợt 1 năm 1996.
Năm 2006, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã lập Giải thưởng Lương Định Của để hằng năm trao tặng cho những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
TTTL