Lưu Hữu Phước (ảnh dưới) là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Cuộc đời và tác phẩm của ông gắn bó mật thiết và có tác động to lớn đối với cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân ta. Những ca khúc cách mạng của ông có sức cổ vũ mạnh mẽ, trở thành biểu tượng của những giai đoạn, những sự kiện lớn của cách mạng Việt Nam.
Có lẽ không phải ai cũng được biết trước khi trở thành nhạc sĩ, Lưu Hữu Phước lại là sinh viên Trường Y-Dược, một thành viên của Đại học Đông Dương vào những năm 1940-1944 và cũng chính tại đây ông bắt đầu tham gia cách mạng trong phong trào thanh niên - sinh viên yêu nước để rồi trở thành một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Ông đã cống hiến cả cuộc đời, tài năng cho đất nước và đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp âm nhạc lớn, đa dạng, bao gồm nhiều thể loại từ những bài hát lịch sử hào hùng, những hành khúc hoành tráng, những ca cảnh, những bản nhạc múa cho đến những vở nhạc kịch...
Lưu Hữu Phước là một trong những người đầu tiên sử dụng rất thành công thể loại hành khúc để hiệu triệu, thức tỉnh, động viên lớp trẻ tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Những tác phẩm chính ca xuất sắc, có tầm tư tưởng lớn, giá trị nghệ thuật rất cao, mang tính lịch sử đã lần lượt ra đời, sống mãi cùng thời gian như: “Tiếng gọi thanh niên”, “Lên đàng”, “Hồn tử sĩ”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Giải phóng miền Nam”, “Bạch Đằng Giang”… đã làm rung động lòng người bao thế hệ.
Có thể nói Lưu Hữu Phước như một nhà viết sử bằng âm nhạc. Những ca khúc cách mạng của ông có sức cổ vũ mạnh mẽ mọi tầng lớp công chúng, luôn xốc họ dậy, hòa vào dòng thác cách mạng mà rất nhiều thế hệ người Việt Nam từng thuộc lòng: “Lên đàng”, “Xếp bút nghiên”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Bạch Đằng giang”, “Tuổi 20”... Đây là những ca khúc nổi tiếng được Lưu Hữu Phước sáng tác giai đoạn tiền khởi nghĩa và trong kháng chiến chống thực dân Pháp (từ trước năm 1945 đến 1954).
Đặc biệt, trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, ông lại tiếp tục vai trò cánh chim đầu đàn trong giới nhạc sĩ tham gia hữu hiệu vào việc tuyên truyền, cổ vũ kháng chiến với hàng loạt ca khúc có sức lay động mãnh liệt lòng người.
Đánh dấu sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - một sự kiện lớn của cách mạng miền Nam, ông sáng tác bài “Giải phóng miền Nam” với bút danh Huỳnh Minh Siêng. Đây là lời hiệu triệu của Tổ quốc đối với mỗi người dân miền Nam trước hiện trạng quê hương bị giày xéo bởi giặc Mỹ xâm lược.
Bài hát hào sảng, hùng tráng như những hồi kèn thống thiết thúc giục mọi người khẩn trương xốc tới giải phóng miền Nam: “Vùng lên! Nhân dân miền Nam anh hùng - Vùng lên! Xông qua vượt qua bão bùng. Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh suốt đời. Cầm gươm, ôm súng xông tới...”.
Với tên Lưu Nguyễn - Long Hưng, ông còn cho ra đời 3 bài hành khúc đều rất nổi tiếng: “Giờ hành động” (năm 1962), “Hành khúc giải phóng” (năm 1962), “Bài ca giải phóng quân” (năm 1963). Về thể loại hùng ca, chính ca (ca khúc chính luận hào hùng, sôi động), có thể nói Lưu Hữu Phước là nhạc sĩ hàng đầu.
Ông có biệt tài trong việc tạo nên những bức tranh cổ động hoành tráng bằng âm thanh với lời lẽ hết sức hàm súc, đạt tính khái quát cao: “Bạn ơi! Gió mới 5 châu nâng bước ta đi! Bạn ơi! Chiến đấu gian nguy ta có sá chi! Trào cách mạng đang bùng cơn giông tố” (Giờ hành động).
Cũng ngay sau khi giặc Mỹ phát động chiến tranh leo thang ra miền Bắc, Lưu Hữu Phước cùng một lúc sáng tác hai bài: “Sẵn sàng chiến đấu” và “Thanh niên 3 sẵn sàng” (năm 1964). Lúc này không ai có thể dửng dưng với thời cuộc bởi kẻ thù xâm lược đã đe dọa tới cuộc sống, số phận từng người. Lớn bé, già trẻ khi ấy đã nhanh chóng thuộc lòng: Chị vững tay liềm đồng lúa. Anh vững tay búa công trường. Sẵn sàng chờ nghe tiếng Đảng gọi lên đường” (Sẵn sàng chiến đấu).
Đáp lời kêu gọi của Đảng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản phát động phong trào Ba sẵn sàng. Ngay lập tức hàng triệu bạn trẻ hưởng ứng, tình nguyện nô nức nhập ngũ, lên đường ra tiền tuyến giết giặc. Lưu Hữu Phước có ngay bài “Thanh niên ba sẵn sàng” (năm 1964) với giai điệu náo nức phơi phới, rất trẻ trung, nhanh chóng được tuổi trẻ khắp nơi đón nhận.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giải phóng Sài Gòn luôn là điều canh cánh trong lòng mỗi chiến sĩ. Đáp ứng ý nguyện cháy bỏng này, Lưu Hữu Phước đã sáng tác bài “Tiến về Sài Gòn”. Rất nhiều người - nhất là thế hệ ra đời sau năm 1975 - đều lầm tưởng nhạc sĩ sáng tác bài này dịp mùa xuân 1975. Lại có người nghĩ ông viết hồi Tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân 19. Sự thực là ông đã thai nghén lời bài hát từ rất lâu…
GS, NSND Quang Hải từng nhận xét về tài năng đặc biệt của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: "Lưu Hữu Phước là người đứng đầu thể loại hành khúc và cũng có thể nói là trên thế giới xưa nay hiếm…".
Các ca khúc trữ tình của ông cũng tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng, bên cạnh là những sáng tác dành cho thiếu nhi nổi tiếng: “Thiếu nhi thế giới liên hoan”, “Reo vang bình minh”… Không chỉ thế, ông còn sáng tác nhiều thể loại khác như ca cảnh, ca kịch, nhạc cho kịch múa và viết nhiều bài báo, tiểu luận về âm nhạc. Những nghiên cứu, sáng tác của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của âm nhạc Việt Nam.
Bên cạnh việc sáng tác, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn là một nhà lý luận âm nhạc, Giáo sư-Viện sĩ Viện Âm nhạc, Chủ tịch Hội đồng âm nhạc quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Tuyên truyền và Văn hóa Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Ông đã vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác…
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mất ngày 8-6-1989.
Có thể nói, cuộc đời và âm nhạc của Lưu Hữu Phước kết tụ những hoài bão thiết tha của cả dân tộc là độc lập, phản ánh ước nguyện cháy bỏng của thanh niên Việt Nam, nhất là thanh niên tri thức, là hi sinh vì Tổ quốc, dựng xây non song.
Nhạc sĩ Trọng Bằng, Tổng thư kí Hội nhạc sĩ Việt Nam khẳng định Lưu Hữu Phước là "một trong những cánh chim đầu đàn trong sự nghiệp xây dựng nền âm nhạc các mạng Việt Nam. Cả đời anh gắn bó với đấu tranh giải phóng dân tộc, âm nhạc của anh đã có mặt trong những bước ngoặt quyết định của vận mệnh dân tộc".
Phương Dung (Tổng hợp)