Biểu tượng này chỉ bị ngưng sử dụng trong thời kỳ Liên Xô trước đây. Kể từ năm 1993, đại bàng hai đầu quay trở lại trên quốc huy Nga kèm theo 3 vương miện.
Biểu tượng đại bàng hai đầu của Nga. Ảnh: National Interest |
Loài chim đại bàng từng xuất hiện nhiều trên phù hiệu của nhiều vương quốc cổ đại. Thậm chí đến ngày hôm nay, nhiều quốc gia cũng có hình đại bàng trên quốc huy. Ở Mỹ, đại bàng đầu trắng quắp theo 13 mũi tên là nhành oliu là biểu tượng quốc gia.
Trong khi đó, trên quốc huy của Đức lại lừng lững chú đại bàng màu đen. Các quốc gia như Serbia, Albania và Montenegro cũng có loài chim hai đầu trên quốc huy.
Người Hittite cổ đại từng khắc hình đại bàng hai đầu trên đá ở khu vực Trung Đông từ thế kỷ 13 trước công nguyên. Kể từ đó đến nay, đại bàng hai đầu xuất hiện ở nhiều nơi từ phương Đông tới phương Tây.
Hình ảnh chim đại bàng hai đầu thực sự “cất cánh lên tầm cao mới” trong thời kỳ đế quốc Byzantine tồn tại từ năm 395 đến năm 1453. Tờ Russia Beyond (Nga) dẫn lời nhà sử học Yevgeny Pchelov cho biết đế quốc Byzantine không có quốc huy chính thức nhưng hình ảnh chú đại bàng hai đầu đã được in lên đồng tiền và trang phục thời kỳ này như biểu tượng cho đoàn kết.
Nhà sử học Pchelov giải thích: “Họ muốn chú trọng đến yếu tố rằng đế quốc Byzantine thống nhất cả phương Đông và phương Tây dưới cùng một trướng. Đại bàng có hai đầu, nhưng trên cùng một cơ thể”, ông Pchelov giải thích.
Nhiều nhà sử học tin rằng những quốc gia hiện nay có quốc huy hình đại bàng hai đầu đều mang điểm chung thừa hưởng từ lịch sử, đó là những cuộc hôn nhân giữa các hoàng gia với Byzantine. Đó là lý do khiến Serbia, Albania và Montenegro, Nga đều có biểu tượng quốc gia là chú đại bàng hai đầu.
Ông Pchelov đánh giá: “Bạn không thể đơn giản lấy biểu tượng của quốc gia khác vì thích mà bởi vì đó là biểu trưng cho liên minh, hòa hảo”.
Năm 1472, Đại Thân Vương Ivan III của Nga đã kết hôn với công chúa Sophia Palaiologina thuộc đế quốc Byzantine.
Năm 1453, người Turk chiếm thành Constantinople của Byzantine và đế quốc này đi đến hồi kết. Tuy nhiên, Đại Thân Vương Ivan III vẫn đề cao việc bảo tồn di sản của Byzantine do vậy vào năm 1497, quốc huy chính thức của Nga ra đời với hình đại bàng hai đầu.
Ông Yevgeny Pchelov giải thích: “Ngay cả khi Byzantine đi đến hồi kết, những người đứng đầu nước Nga vẫn muốn có mối liên hệ với triều đại này”.
Tại Nga, đại bàng hai đầu thường được đi kèm với hình ảnh người đàn ông cưỡi ngựa cầm khiên và giáo - biểu tượng của thủ đô Moscow.
Quốc huy của Nga đã thay đổi nhiều qua năm tháng, với đại bàng chuyển từ màu vàng sang đen sau đó quay trở về màu vàng hiện tại. Đôi khi chúa đại bàng lại mất chiếc vương miện trên hai đầu. Gần đây, mỗi đầu đại bàng được gắn thêm một vương miện, biểu tượng cho sự đoàn kết. Chiếc vuốt của đại bàng còn có một quả cầu và vương trượng đại diện cho quyền lực và chính quyền.