Lã Bố, tự Phụng Tiên, người đất Cửu Nguyên, quận Ngũ Nguyên (nay thuộc thành phố Bao Đầu, Nội Mông, Trung Quốc), là danh tướng cuối thời Đông Hán. Trên chiến trường, Lã Bố sử dụng phương thiên họa kích, như một mãnh hổ tả xung hữu đột, nghìn người không địch nổi, nên từ xưa đã có câu: “Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố”. Kiêu dũng và thiện chiến, nhưng đáng tiếc là Lã Bố lại hay lật lọng, không ngừng đổi chủ và bội phản, cuối cùng bị Tào Tháo hạ lệnh hành quyết tại lầu Bạch Môn.
Kỳ cuối: Lý giải mới về nguyên nhân cái chết của Lã Bố
Theo ghi chép trong lịch sử vào năm Hi Bình thứ năm (năm 176), bộ lạc Tiên Ti (một dân tộc cổ ở miền bắc Trung Quốc) phát động chiến tranh chống Đông Hán. Lã Bố theo cha rút xuống phía nam, đến đất Sơn Tây, trở thành bộ hạ của thứ sử Tinh Châu là Đinh Nguyên. Lã Bố được Đinh Nguyên truyền dạy cho kỹ thuật bắn cung, cưỡi ngựa và phong làm Chủ bạ (một chức quan văn thời Hán, gần giống như thư ký hiện nay). Điều đó cho thấy Đinh Nguyên rất quý mến và coi trọng Lã Bố.
Chân dung Lã Bố trong trên phim truyền hình “Tam quốc diễn nghĩa”. |
Sau khi Hán Linh Đế (Lưu Hồng, 156-189) qua đời, Đinh Nguyên và Đổng Trác bắt đầu tranh giành quyền kiểm soát vương triều nhà Hán. Nhận lệnh của Đại tướng quân Hà Tiến, Đổng Trác kéo quân từ miền tây bắc về kinh thành Lạc Dương. Không ngờ lúc này ở Lạc Dương xảy ra biến loạn: Hà Tiến bị giết, Hán Thiếu Đế (Lưu Biện) và Trần Lưu Vương (Lưu Hiệp) hoảng hốt bỏ chạy.
Nghe tin, Đổng Trác thúc quân tướng dưới quyền tăng tốc về Lạc Dương. Sau khi tìm được Hán Thiếu Đế và Trần Lưu Vương, Đổng Trác lập tức ra lệnh đưa họ về Lạc Dương. Thoắt cái, Đổng Trác đã trở thành trọng thần của triều đình. Thấy tình hình thế cuộc đã thay đổi, không đoái hoài đến những tình cảm mà Đinh Nguyên dành cho mình, Lã Bố ra tay giết ân nhân. Tất cả là vì lời hứa “chức cao, lộc hậu” của Đổng Trác.
Sau khi thu nạp Lã Bố, cũng giống như Đinh Nguyên, Đổng Trác rất yêu quý và tín nhiệm Lã Bố. Ban đầu, Đổng Trác trao cho Lã Bố chức Kỵ đô úy, sau thăng lên làm Trung lang tướng, tước Đô Đình hầu. Trong quá trình rời đô về Trường An, sợ bị ám sát vì gây thù chuốc oán quá nhiều, Đổng Trác luôn mang theo Lã Bố bên mình. Mọi hoạt động liên quan đến việc bảo vệ an toàn bản thân, Đổng Trác đều giao cho Lã Bố đảm nhiệm.
Tuy nhiên, Đổng Trác là người thô lỗ, tính tình nóng nảy. Có lần Lã Bố đứng hầu, Đổng Trác không vừa ý liền chộp ngay cái kích (một loại vũ khí thời xưa) phi vào Lã Bố. Nhờ sự nhanh nhẹn của một chiến tướng, Lã Bố mới tránh được chiếc kích và không bị thương. Lã Bố vội xin lỗi, Đổng Trác mới nguôi giận. Nhưng từ đó, Lã Bố bắt đầu có ý đề phòng. Lần khác, Đổng Trác lại cố ý ngăn không cho Lã Bố tư thông với Điêu Thuyền, một ái thiếp của Đổng Trác, vốn là con nuôi của Tư đồ Vương Doãn. Lã Bố càng oán hận Đổng Trác.
Sự ngang ngược và tàn bạo của Đổng Trác đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ cực độ của các quan triều đình. Các đại thần như Vương Doãn, Sĩ Tôn Thụy, Dương Toán... bí mật bàn tính kế hoạch ám sát Đổng Trác. Nắm được diễn biến tình cảm của Lã Bố, họ đã liên lạc với viên tướng hay phản trắc này và hứa rằng sau khi sự việc thành công sẽ trọng thưởng. Ban đầu, Lã Bố hơi lưỡng lự vì nhận Đổng Trác là cha nuôi. Nhưng sau đó, lòng tham lấn át, Lã Bố đồng ý tham gia kế hoạch ám sát Đổng Trác.
Thời cơ tới khi bệnh tình của Hán Thiếu Đế bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm. Văn võ bá quan kéo tới tề tựu ở điện Vị Ương chúc mừng sức khỏe nhà vua. Đổng Trác vừa tới cửa hông, chuẩn bị vào yết kiến Hán Thiếu Đế thì bị Lý Túc, một thuộc tướng của Lã Bố phục sẵn lao ra đâm. Vì Đổng Trác mặc áo giáp nên hắn chỉ bị thương và ngã xuống đất. Chưa biết Lã Bố có lòng phản, Đổng Trác kêu cứu Lã Bố. Không nghĩ đến tình cha con, Lã Bố lớn tiếng: “Chúng ta phụng chỉ giết chết tên loạn thần tặc tử. Mày chết vẫn chưa hết tội!” Quát rồi, Lã Bố thẳng tay hạ sát Đổng Trác. Kế hoạch ám sát Đổng Trác thành công, Lã Bố được tấn phong tước Ôn hầu, cùng Vương Doãn nắm chuyện triều chính. Nhưng, cảnh thuận hòa không kéo dài được bao lâu. Các thuộc hạ cũ của Đổng Trác là Lý Thôi và Quách Dĩ dấy binh tấn công Trường An. Đánh không lại đạo quân hùng hậu của Lý Thôi, Lã Bố phải bỏ Trường An tháo chạy.
Sau đó, Lã Bố đầu quân Viên Thuật. Chẳng được bao lâu, sự kiêu ngạo và thói vô lễ của Lã Bố trở lại, dung túng cho thủ hạ làm nhiều điều trái phép, cướp bóc tài sản của nhân dân. Viên Thuật thấy vậy tỏ ý giận, không chu cấp cho Lã Bố nữa. Lã Bố bèn bỏ Viên Thuật đi theo thái thú Trương Dương- người trước đây phục vụ dưới trướng Đinh Nguyên cùng Lã Bố. Tuy Trương Dương hậu đãi Lã Bố, nhưng bộ hạ của Trương Dương lại lo rằng Lã Bố sẽ tiếp tục phản trắc, chủ trương giết Lã Bố, cắt đầu mang về kinh thành lĩnh thưởng. Biết tin, Lã Bố sợ hãi chạy sang núp dưới trướng Viên Thiệu.
Thời gian đầu, Lã Bố giúp Viên Thiệu đánh tướng Khăn Vàng là Trương Yên ở Thường Sơn. Vẫn như mọi lần, có chút công lao là Lã Bố bắt đầu kiêu căng và mặc cho quân sĩ dưới quyền hoành hoành, nhũng nhiễu người dân, làm Viên Thiệu tức giận. Bề ngoài, Viên Thiệu tấu phong cho lã Bố làm Tư lệ Hiệu úy, và phái các võ sĩ thiện chiến hộ tống Lã Bố tới Lạc Dương nhậm chức. Nhưng Viên Thiệu lại ngầm ra lệnh cho đám võ sĩ tìm cách giết Lã Bố trên đường đi.
Thoát khỏi âm mưu ám sát của Viên Thiệu, bị Tào Tháo đánh bại ở trận Duyễn Châu (Sơn Đông, Trung Quốc), Lã Bố chạy đến đầu quân cho Lưu Bị. Nhưng ngựa quen đường cũ, Lã Bố quay giáo phản Lưu Bị, liên hợp với Viên Thuật tấn công Lưu Bị. Không còn cách nào khác, Lưu Bị bắt tay với Tào Tháo đối phó với Lã Bố. Năm Kiến An thứ tư (198), Tào Tháo cất quân tiến đánh căn cứ địa của Lã Bố ở Hạ Phi (Giang Tô, Trung Quốc). Lã Bố bị bắt sống, điệu cổ tới trước mặt Tào Tháo. Họ Tào chút nữa đã tha chết cho Lã Bố, lưu lại dưới trướng. Nhưng Lưu Bị cảnh báo: “Chẳng lẽ ngài không thấy kết cục của Đinh Nguyên và Đổng Trác”. Nghe câu nói này, Tào Tháo sực tỉnh, ra lệnh treo cổ Lã Bố ở lầu Bạch Môn.
Cả đời Lã Bố kiêu căng tự phụ, thiếu sự thành tín, núp bóng và lợi dụng hết người này đến người khác. Cũng vì điều đó, Lã Bố thân là danh tướng, nhưng tiếng xấu muôn đời và phải trả giá bằng chính tính mạng của mình.
Nam Hân (Theo Thanh niên Bắc Kinh)