Rạng sáng ngày 30/7/1916, kho vũ khí lớn nhất nước Mỹ Black Tom ở Jersey nổ tung. Sức công phá của 5 tấn đạn dược và thuốc nổ TNT bên trong cơ sở này đã tạo ra một loạt rung chấn tương đương động đất mạnh 5,5 độ richter, làm vỡ tan các cửa sổ ở Hạ Manhattan và khiến nhiều người ở tận Maryland và Philadelphia phải choàng tỉnh. Vụ nổ mang nhiều dấu hiệu của một hành động khủng bố có chủ đích và lực lượng chức năng tập trung điều tra về những cáo buộc liên quan đến một mạng lưới gián điệp Đức hoạt động ở New York.
Kỳ 1: Sự phỉ báng chính sách trung lập của Wilson
Vụ nổ đã khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có một trẻ sơ sinh 10 tuần tuổi bị hất tung khỏi nôi dù cách hiện trường gần 2 km, và hàng trăm người bị thương. Lực lượng an ninh đã gấp rút sơ tán Đảo Ellis vì lo ngại tro tàn từ vụ nổ có thể gây hỏa hoạn tại các khu nhà của người nhập cư. Nhà chức trách sau đó đã kiểm tra độ bền kết cấu của cầu Brooklyn gần đó cũng như phong tỏa đường lên ngọn đuốc của Tượng Nữ thần Tự do đã bị các mảnh vỡ từ vụ nổ làm hư hại. Ước tính tổng thiệt hại tài sản do vụ nổ gây ra lên đến hơn 20 triệu USD (tương đương hơn 400 triệu USD theo thời giá năm 2013).
Tổng thống Wilson, người nỗ lực duy trì chính sách trung lập của Mỹ. |
Kho vũ khí Black Tom nằm trải dài trên Đảo Black Tom và vươn tới tận cảng New York. Năm 1916, khoảng 3/4 số đạn dược sản xuất tại Mỹ và cung cấp cho các quân đội đồng minh ở Mặt trận phía Tây (do quân đội đế quốc Đức mở ra) được vận chuyển từ nơi đây. Mặc dù vậy, chẳng có mấy người Mỹ chú ý tới căn cứ này dù nó tọa lạc ở một vị trí quan trọng bậc nhất gần Tượng Nữ thần Tự do và khu Hạ Manhattan.
Song, đối với các đặc vụ Đức, Black Tom đã trở thành nỗi ám ảnh. Đây là điểm trung chuyển vũ khí từ Mỹ đến các quân đội đang làm tiêu hao lực lượng Đức. Còn đối với chính phủ Đức, kho vũ khí này là sự phỉ báng chính sách trung lập mà Tổng thống Thomas Woodrow Wilson (28/12/1856 - 3/2/1924, là tổng thống thứ 28 của Mỹ) vẫn “rêu rao”. Các hoạt động ngày đêm tại Black Tom khó mà khiến người Đức tin vào chính sách này, bởi nhờ đó các kẻ thù của Đức được cung cấp những phương tiện để tiếp tục cuộc chiến.
Lo ngại nguy cơ xảy ra các vụ nổ tiếp theo, mối quan tâm đầu tiên của nhà chức trách là giảm thiểu những tổn thất về sau, tức sẽ không điều tra nguyên nhân của thảm họa “nhân tạo” đắt giá nhất lịch sử nước Mỹ vào thời điểm đó. Khu vực xung quanh vụ nổ bị phá hủy hoàn toàn, khiến các nhà điều tra gặp khó khăn trong việc thu thập pháp chứng. Sáu cầu tàu, 13 nhà kho và hàng chục toa tàu biến mất trong nháy mắt, thay vào đó là một hố rộng 45 x 90 m ngập nước thải và các mảnh vỡ.
Trong vài ngày, công tác điều tra tập trung vào 2 người gác đêm vì họ đã thắp các ngọn đèn sưởi để đuổi muỗi. Tuy nhiên, cảnh sát sớm loại trừ nguyên nhân do những thiết bị này gây ra bởi chúng được đặt quá xa chỗ để đạn nên không thể gây ra cháy nổ. Hơn nữa, thảm họa này dường như không phải là một tai nạn. Nó bùng phát từ phía cuối của ga sau cùng, một vị trí hoàn hảo để tránh bị phát hiện và châm ngòi cho một phản ứng dây chuyền. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ nổ Black Tom mang hơi hướng của một hành động khủng bố có chủ đích.
Đống hoang tàn ở cầu cảng Jersey sau vụ nổ Black Tom. |
Thanh tra Thomas J. Tunney ở Sở cảnh sát New York (NYPD) đã nghĩ đến những đối tượng có thể đứng đằng sau vụ phá hoại tại Black Tom. Tunney là nhân viên kỳ cựu ở NYPD. Ông có kiến thức sâu rộng về bom mìn được tích lũy trong thời gian theo dõi hoạt động của các nhóm vô chính phủ hồi đầu thế kỷ 19. Năm 1916, ông là chỉ huy đội phá bom của NYPD và khi đó đã chuyển hướng điều tra sang các đặc vụ nước ngoài. Ông đã thành lập một đội đặc nhiệm, cùng với 2 nhân viên thực thi pháp luật khác là A. Bruce Bielaski và William Offley, để điều tra những cáo buộc về một mạng lưới gián điệp Đức ở thành phố New York.
Một bài báo ngày 31/7/1916 đưa tin về vụ nổ Black Tom. |
Mặc dù các quan chức chưa có nhiều bằng chứng về một âm mưu có tổ chức, song các dấu hiệu cho thấy gián điệp Đức đang hoạt động trên khắp nước Mỹ và Canada. Năm 1914, các đặc vụ liên bang Mỹ đã phát hiện một âm mưu của người Đức phá hủy Kênh đào Welland ở Ontario, Canada, nhằm làm gián đoạn các hoạt động thương mại và buộc chính phủ Canada phải ngừng hỗ trợ Anh. Tháng 2/1915, một gián điệp Đức kích nổ một vali chứa đầy thuốc nổ đặt trên một cầu đường sắt ở Vanceboro, Maine nối Mỹ và Canada nhưng chỉ gây thiệt hại nhỏ.
Nhà chức trách đã phá vỡ các kế hoạch phá hoại khác ở Seattle, San Francisco và Hoboken, cũng như âm mưu mua hộ chiếu Mỹ của các công nhân bốc xếp ở bến tàu và cho các gián điệp Đức sử dụng để nhập cảnh Mỹ. Chính lỗ hổng an ninh này đã khiến giới chức liên bang phải áp dụng quy định dán ảnh trong hộ chiếu.
Đại sứ Đức tại Mỹ Johann Heinrich von Bernstorff đã phủ nhận sự tồn tại của bất cứ âm mưu nào, cho rằng đó là hành động của những cá nhân không liên quan đến Đại sứ quán Đức. Chính quyền của Tổng thống Wilson, vốn đang nỗ lực để duy trì sự trung lập của Mỹ, vẫn tin vào chính sách của mình, cho dù Tunney và các cảnh sát khác đang phát hiện ra những bằng chứng cho thấy điều ngược lại.
Huy Lê
Đón đọc kỳ 2: Những âm mưu bị vạch trần