Kỳ 2: Moe Berg - điệp viên OSS
Vào giai đoạn cuối sự nghiệp bóng chày của mình, Berg nắm bắt khá rõ về môn thể thao này, và điều đó được chứng minh trong bài viết có tiêu đề “Pitchers and Catchers” của anh xuất bản năm 1941 cho tờ Atlantic. Gần đây nhất vào năm 2018, tờ New York Times đã ca ngợi bài viết này là một trong những tác phẩm sâu sắc nhất từng viết về bóng chày.
Trước thềm cuộc tấn công Trân Châu Cảng của Nhật Bản vào tháng 12/1941, Berg bắt đầu khám phá những ngành nghề khác để có tiền cho lối sống xa hoa của mình. Berg vẫn có thể thu hút sự chú ý của những cá nhân quyền lực như Nelson Rockefeller, Phó Tổng thống Mỹ tương lai và William Joseph “Wild Bill” Donovan, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Họ đã giới thiệu cho Berg một công việc mà giúp anh khám phá thế giới, sử dụng các ngôn ngữ mà anh biết và chiến đấu cho đất nước của mình, tất cả đều bằng ngân sách của chính phủ.
Berg chớp lấy cơ hội, cân nhắc các lựa chọn của mình trong cộng đồng tình báo trước khi nhận lời làm việc tại Văn phòng Điều phối các vấn đề liên Mỹ (OIAA) của Nelson Rockefeller vào tháng 1/1942.
Mùa hè năm đó, Berg chiếu đoạn băng ghi lại đường chân trời Tokyo cho các quan chức Mỹ. Chúng có ít giá trị chiến lược. Tuy nhiên, người viết tiểu sử Nicholas Dawidoff cho rằng đoạn băng của Berg đã chứng minh anh là người muốn giúp đỡ các nỗ lực liên quan đến chiến tranh.
Trong thời gian làm việc cho OIAA, Berg đi khắp vùng Caribe và Nam Mỹ, nói chuyện với tất cả những người mà anh có thể, thường bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha, đồng thời đánh giá tinh thần của những người lính đóng quân ở nước ngoài. Berg nhanh chóng nhận ra rằng Nam Mỹ sẽ không phải là một trong những địa điểm chính của Chiến tranh Thế giới thứ hai, vì vậy anh yêu cầu được chuyển đến châu Âu.
OSS, một tổ chức non trẻ mà ông Donovan đứng đầu, có khả năng đáp ứng yêu cầu này của Berg tốt hơn OIAA. Cơ quan tình báo độc lập đầu tiên ở Mỹ OSS không kiểm soát chặt chẽ nhân viên. Do đó, Berg rất vui khi trở thành một trong những đặc vụ tự do, được cử đến châu Âu để thu thập thông tin về chương trình hạt nhân của Đức Quốc xã và nếu có thể là buộc những nhà khoa học lỗi lạc chuyển đến Mỹ.
Mặc dù thường coi thường mệnh lệnh của cấp trên, Berg vẫn là một đặc vụ hiệu quả. Sam Kean, tác giả cuốn sách xuất bản năm 2019 về các câu chuyện có thật của những nhà khoa học và điệp viên phá hoại bom nguyên tử của Đức Quốc xã, cho biết Berg “đã làm rất tốt việc thu thập thông tin kỹ thuật” từ các nhà khoa học châu Âu, trong đó có Antonio Ferri, Lise Meitner, Paul Scherrer và Edoardo Amaldi. Amaldi là nhà vật lý duy nhất của Đại học Rome không rời Italy trong chiến tranh, còn Meitner là nhà khoa học người Do Thái đã trốn khỏi Đức đến Thụy Điển vào năm 19. Berg là người có thể lắng nghe những nhà khoa học này và thậm chí thấu hiểu họ.
Tác giả Kean nhận định đóng góp quan trọng của Berg là nằm ở chỗ anh có thể đảm bảo theo một cách nào đó với J.Robert Oppenheimer, Tướng Leslie Groves và các lãnh đạo khác của Dự án Manhattan rằng họ sẽ không thiếu thông tin gì về quả bom tiềm tàng của Đức. Dự án Manhattan là tên dự án nghiên cứu của chính phủ Mỹ (1942–1945) để sản xuất quả bom nguyên tử đầu tiên.
Ngoài các hoạt động thu thập thông tin tình báo, Berg còn thuyết phục thành công nhiều nhà khoa học đến thăm Mỹ hoặc định cư lâu dài. Đáng chú ý nhất, Berg đã sắp xếp một chuyến tham quan các cơ sở giáo dục của Mỹ cho nhà vật lý người Thụy Sĩ Paul Scherrer và khiến nhà khoa học người Italy Antonio Ferri được nhận vào một vị trí tại Ủy ban Cố vấn Hàng không Quốc gia Mỹ ở Langley, Virginia.
Đến năm 1944, thông tin tình báo cho thấy chương trình hạt nhân của Đức Quốc xã không gây nhiều nguy hiểm cho quân Đồng minh. Nhưng Werner Heisenberg, người đứng đầu ngành vật lý Đức, vẫn chưa bị bắt, có nghĩa là mối đe dọa không thể bị loại bỏ hoàn toàn. OSS đã xem xét nhiều đề xuất bắt cóc Heisenberg. Trong đó có đề xuất một cựu cảnh sát Los Angeles được giao nhiệm vụ bắt giữ Heisenberg, đưa ông ta ra khỏi Đức đến Thụy Sĩ và nhảy dù xuống biển Địa Trung Hải, nơi có tàu ngầm đưa cả hai đến nơi an toàn. Cuối cùng, OSS đã chọn một người khác và kế hoạch khác đó là Berg sẽ đến Zurich (Thụy Sĩ).
Được trang bị một khẩu súng lục cỡ nòng 45 và một viên thuốc độc cyanide, Berg nhận nhiệm vụ sẽ kết liễu Heisenberg nếu anh nhận thấy dấu hiệu Đức Quốc xã sắp chế tạo được bom nguyên tử. Berg có ba cơ hội để ám sát Heisenberg: tại buổi thuyết trình của Heisenberg vào tháng 12/1944 tại giảng đường ở Zurich (Thụy Sĩ), trong bữa tối chiêu đãi do Scherrer tổ chức và khi dẫn Heisenberg trở về khách sạn của ông ta. Nhưng Berg chưa bao giờ lấy súng ra khỏi túi.
Lý giải cho diễn biến này, như được đưa ra trong bộ phim Hollywood phát hành năm 2018 về Berg có tên “The Catcher Was a Spy”, Berg đã nghe bài nói chuyện của Heisenberg về một chủ đề hoàn toàn không liên quan đến vật lý. Berg đánh giá nhà khoa học này hoặc chống Đức Quốc xã hoặc tụt hậu một cách khó tin trong cuộc đua khai thác năng lượng hạt nhân và cảm thấy việc ám sát ông ta là không cần thiết. Tờ New York Times vào năm 2018 cho biết, mặc dù Heisenberg cố gắng che giấu nhưng Berg biết rằng ông ta đang rất chán nản vì Đức Quốc xã không có bom nguyên tử và sắp thua trận.
Người viết tiểu sử Dawidoff phân tích rằng tiếng Đức của Berg đã “hao mòn” và ông không được đào tạo bài bản về vật lý. Berg có lẽ đã dựa vào nét mặt của Scherrer và các nhà khoa học khác trong phòng để đánh giá nội dung thuyết trình của Heisenberg.
Hai năm sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Tổng thống thứ 33 của Mỹ Harry S. Truman quyết định thay thế OSS đã giải thể bằng CIA, một cơ quan tình báo có tổ chức và có trách nhiệm hơn. Chỉ có 1.300 trong số 13.000 đặc vụ OSS được chọn để tiếp tục công tác tại CIA và Berg không nằm trong số đó.
Cuối năm 1946, Tổng thống Truman đã trao tặng Huân chương Tự do cho Berg, nhưng Berg đã từ chối vinh dự này. Thay vì đóng vai trò như một món quà lưu niệm hữu hình về những thành tích của Berg, huân chương sẽ là một lời nhắc nhở cay đắng liên tục rằng những cuộc phiêu lưu trong thời chiến và sự nghiệp gián điệp của ông đã kết thúc.
Ngoại trừ một vài công việc lặt vặt và tham gia nhiệm vụ của CIA về điều tra chương trình hạt nhân Liên Xô năm 1952 nhưng không thành công, Berg không bao giờ làm việc nữa. Thay vào đó, ông lang thang hết nơi này đến nơi khác, dựa vào lòng hảo tâm của những người xa lạ, bạn cũ, người quen ở xa và gia đình. Cho đến khi qua đời ở tuổi 70 vào năm 1972, Berg - cựu cầu thủ bóng chày - vẫn không từ bỏ đam mê với môn thể thao này. Những lời cuối cùng của ông với y tá đang điều trị là: “Hôm nay đội Mets thi đấu thế nào?”.