“Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân…”. Những ngày này tôi hay nghĩ về những câu thơ thi sĩ anh hùng Lê Anh Xuân đã viết trong bài “Dáng đứng Việt Nam” qua dáng đứng của một người chiến sĩ đã ngã xuống trong đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân 19. Bản thân nhà thơ cũng đã hy sinh trong một trận đánh sau đó. Tuy không được chứng kiến ngày đất nước thống nhất sum họp nhưng những câu thơ của ông đã dự báo về mùa xuân 1975 lịch sử!Thoát khỏi ngục tù (sông Thạch Hãn, Quảng Trị, 1973). |
40 năm đã qua! Là một phóng viên có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi đã theo bước chân thần tốc của các chiến sĩ qua Huế, Đà Nẵng… và hàng loạt các thành phố lớn ở miền Trung ngay trong ngày đầu giải phóng và có mặt ở Sài Gòn trong ngày chiến thắng.
Rất nhiều sự kiện, nhiều hình ảnh, nhiều con người… còn sâu đậm trong ký ức của tôi vào những ngày tháng ấy. Những đêm đi bộ hành quân vào Huế, chuyến vượt đèo Hải Vân bằng xe Honda để kịp có mặt ở Đà Nẵng, những lo toan vất vả để kịp có tin bài, hình ảnh chuyển ra Hà Nội sớm nhất…
Chúng tôi đã được chứng kiến những trận đánh hiệp đồng binh chủng lớn của các quân đoàn chủ lực phối hợp với lực lượng nổi dậy của nhân dân chủ động tạo ra thời cơ, tạo ra những đột phá chiến lược, thay đổi nhanh chóng cục diện chiến trường với một nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam.
Chúng tôi cũng đã có mặt ở những điểm nút gay go quyết liệt, nhiều hy sinh mất mát như Phan Rang, Xuân Lộc, Nước Trong… trước khi cùng mũi đột kích của Quân đoàn 2, gồm Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn bộ binh 66 thuộc Sư đoàn 304 từ hướng đông tiến thẳng vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975!
Đối với tôi, trên hết cả những trận đánh, những sự kiện, những tình huống khó quên là một cảm xúc phơi phới, diệu kỳ của thời khắc mà “lịch sử đi với tốc độ một ngày bằng hai mươi năm”, sự hân hoan của lòng người ở khắp mọi nơi, dù là những chiến sĩ hay những người dân bình thường tôi đã gặp, trong đó có cả những người vừa buông súng quay về từ phía bên kia. Bởi lẽ khát vọng hòa bình, khát vọng thống nhất non sông sau bao năm mong mỏi vụt trở thành hiện thực khi “vận nước đã đến rồi…”.
Những người đã ở chiến trường những năm tháng trước đó cảm nhận đường ra trận mùa xuân 1975 rất đặc biệt. Quân Giải phóng hoàn toàn làm chủ chiến trường. Hành quân giữa ban ngày mà không lo phi pháo. Những cánh quân đi trên đường lớn, tiến thẳng vào các đô thị giữa sự chờ mong, chào đón của đồng bào. Bộ đội hầu hết hành quân bằng xe cơ giới. Vũ khí, hậu cần hơn hẳn trước đây… Đó là những cố gắng lớn lao của hậu phương, của miền Bắc dành cho tiền tuyến, như nhà thơ Hữu Thỉnh viết trong trường ca “Đường tới thành phố”: “Chiến dịch này cơm không phải độn. Mừng thì mừng mà thương mẹ bao nhiêu…”.
Xuân 1975 là Mùa xuân Giải phóng! Sau mấy thế kỷ, đất nước chúng ta không còn bóng quân xâm lược nước ngoài!
Xuân 75 là Mùa xuân Thống nhất! Sau bao năm chia cắt, non sông Việt Nam liền một dải. Tôi đã có dịp ở Quảng Trị những năm 1972 - 1973, nơi đất nước bị chia làm đôi sau hiệp định Geneva 1954. Có lẽ hơn bất cứ đâu trên xứ sở này, nỗi đau chia cắt ngấm vào da thịt, vào đời sống con người trên mảnh đât này cụ thể như vậy, sâu như vậy. Trên cây cầu Hiền Lương bị bom đạn đánh phá, chỉ còn vài nhịp chơ vơ giữa dòng, vẫn con hằn một vệt sơn trắng từng làm ranh giới phân chia hai miền Nam Bắc. Những năm tháng ấy, người dân ở đây hàng ngày nhìn sang bờ bên kia, có thể nhận ra bạn bè, người thân trong những buổi làm đồng mà không sao đến với nhau được. Có người lính làm nhiệm vụ ở bờ Bắc hàng ngày nhìn thấy vợ con ở bờ Nam mà cố cầm lòng để không cất lên tiếng gọi. Muốn nhắn tin cho nhau người ta cũng nói bâng quơ giữa dòng để người bên kia đoán mà hiểu được điều muốn nói… Trên mảnh đất ấy khi nghe “Xa khơi” hay “Câu hò bên bến Hiền Lương” càng cảm nhận sức lay động lòng người của những bài ca mãi đi cùng năm tháng. Tôi đã có dịp chứng kiến niềm vui đoàn tụ đầu tiên vô cùng thiêng liêng trên mảnh đất ấy với những cảm xúc không thể nào quên!
Xuân 1975 là Mùa xuân sum họp! Trong mùa xuân ấy, hàng triệu gia đình người Việt đã gặp lại nhau sao bao năm chiến tranh ly tán, kẻ Nam người Bắc, ”lưu vong chính trên mình Tổ quốc”, thậm chí ngay trong mỗi vùng miền mà không gặp được nhau! Tôi có may mắn đi cùng nhà nhiếp ảnh lão thành Lâm Hồng Long xuống Vũng Tàu để đón các chiến sĩ là tù nhân Côn Đảo trở về. Chính tại đây, trong một buổi trưa không ngủ như sự sắp đặt của số phận, Lâm Hồng Long đã chụp được bức ảnh nổi tiếng “Mẹ con ngày gặp mặt” khi chứng kiến một người mẹ từ miền Tây tìm gặp lại con trai bị giam cầm ở Côn Đảo mới trở về… Gọi là sự sắp đặt của số phận vì chính Lâm Hồng Long, một người con miền Nam tập kết ra Bắc, trong mùa xuân 1975 ấy cũng gặp lại gia đình của mình và người con gái mà ngày ra đi ông đã cùng hẹn ước. Ông đã dồn hết tâm sức và tình cảm chung cũng như những nỗi niềm riêng vào hình tượng tiêu biểu và sống mãi với thời gian đó.
Hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống trên con đường giành lại độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Nỗi đau chiến tranh vẫn còn dai dẳng trong hàng triệu gia đình… Vô vàn hy sinh mất mát để chúng ta có một Tháng Tư về trời “chưa bao giờ xanh như thế”! Và để cho nhạc sĩ thiên tài Văn Cao trong “Mùa xuân đầu tiên” viết lên những giai điệu chan chứa lòng yêu nước, thương người, giàu chất nhân văn cùng những nỗi niềm khắc khoải của ông: “Từ nay người biết quê Người. Từ nay người biết yêu Người…”.
Trần Mai Hưởng