Đại dịch cúm 1918 -1919 cũng đã xảy ra theo từng đợt giống như dịch COVID-19. Đợt bùng dịch chết chóc nhất bắt đầu vào mùa thu, đạt đỉnh vào cuối tháng 11 và kéo dài đến những tuần đầu tiên của tháng 12. Dịch cúm đã lây lan cho hàng trăm triệu người và khiến hàng chục triệu người tử vong trên toàn thế giới. Trong đó, nước Anh đã có tới 1/4 dân số nhiễm cúm với 225.000 ca tử vong, hầu hết đều vào thời điểm trước Giáng sinh.
Mặc dù đều là dịch bệnh hô hấp có khả năng lây lan theo từng đợt, song nỗ lực kiểm soát đại dịch cúm Tây Ban Nha và dịch COVID-19 có nhiều điểm khác biệt. Trong khi hôm 19/12, Chính phủ Anh đã ra lệnh phong tỏa thủ đô London và khu vực đông nam nước này vì biến thể mới của virus Corona lây lan với tốc độ nhanh chóng. Năm 1918, người dân Anh vẫn ăn mừng Giáng sinh và các ngày lễ khác mà không phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt như hiện tại.
Theo trang The Guardian (Anh), kinh nghiệm đối phó với đại dịch năm 1918 của Anh gắn liền với cuộc chiến tranh thế giới thứ 1. Khi đó, các quan chức y tế công cộng, quân đội và chính phủ đã khuyến khích người dân nên tiếp tục đối mặt với đại dịch ngày càng leo thang và tồi tệ hơn.
Giám đốc y tế của Anh, ông Arthur Newsholme, đã ban hành bản ghi nhớ chính thức đầu tiên vào tháng 10, khuyến nghị một loạt các biện pháp kiểm soát dịch cúm bùng phát, bao gồm cách ly người bệnh, đóng cửa trường học và rạp chiếu phim, súc miệng bằng nước sát khuẩn và cảnh báo không tụ tập đông người. Đeo khẩu trang không nằm trong số các khuyến nghị này. Hơn nữa, không có biện pháp nào là bắt buộc và trách nhiệm phòng dịch cũng thuộc về chính quyền địa phương.
Các quan chức y tế và chính quyền địa phương đã thực hiện các biện pháp phòng dịch theo những cách tiếp cận khác nhau. Tại London, chỉ một số rạp chiếu phim và trường học phải đóng cửa. Trong khi đó, ở thành phố Manchester, Tiến sĩ James Niven lại phát triển kế hoạch phòng dịch quyết liệt và dường như đã giúp kiểm soát dịch tốt hơn.
Có một số lý do khiến các biện pháp không được áp dụng một cách có hệ thống. Trước hết, giới chuyên gia y tế khi đó chưa làm rõ được những thông tin về đại dịch, bao gồm đối tượng nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất, bản chất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, phương thức hoạt động của virus cúm khác với những gì đã biết về bệnh cúm như thế nào.
Ngoài ra, ý thức của người dân cũng là một yếu tố rất quan trọng. Nhiều người xem rằng bệnh cúm này chỉ là căn bệnh nặng hơn bình thường một chút. Những người từng trải qua 4 năm chiến tranh cũng khó có thể chấp nhận hoặc tuân thủ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ.
Làn sóng dịch bệnh thứ hai đạt đỉnh sau khi Thế chiến I kết thúc dường như không phải là điều ngẫu nhiên. Khi hàng ngàn người bỏ qua lời khuyên về sức khỏe cộng đồng và cùng nhau tập trung ăn mừng tại các quảng trường, đường phố, quán rượu, nhà riêng, các nhà thờ trên khắp đất nước. Nhiều binh sĩ trở về từ chiến trường đã mang theo mầm bệnh đến Anh, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Canada, Mỹ và nhiều nơi khác.
Khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến đầu tháng 12, các bệnh viện ở Anh đã quá tải. Hầu hết các trung tâm này đều thiếu nhân lực vì ít nhất một nửa số y tá và bác sĩ của Anh đã được điều động để phục vụ chiến tranh. Số ít nhân viên y tế còn lại chỉ có thể làm điều dưỡng hoặc chăm sóc giảm nhẹ.
Hơn nữa, thời điểm đó cũng chưa có phương pháp điều trị hiệu quả với bệnh cúm hoặc các biến chứng đi kèm gây tử vong. Mặc dù người bệnh được khuyên tìm kiếm hỗ trợ y tế, nhưng hầu hết người mắc cúm cố gắng chịu đựng và nhiều người đã tử vong tại nhà khi được người thân chăm sóc. Một số nơi còn phải tạm ngừng chôn cất thi thể vì thiếu quan tài.
Đến đầu tháng 12, ngày càng có nhiều trường học đóng cửa để đề phòng lây nhiễm cho giáo viên và học sinh. Cũng giống như hiện tại, học sinh được cho là những nhân tố lây lan bệnh truyền nhiễm, và việc đóng cửa trường học được coi là một biện pháp cần thiết nhưng gây tranh cãi.
Ông William Hamer, Giám đốc y tế của London, đã phản đối việc đóng cửa trường học với lý do “hành động như vậy chỉ đơn giản là giúp trẻ em tự do tụ tập ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao hơn”.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 12, Manchester vẫn quyết định đóng cửa tất cả các trường tiểu học cho đến năm mới. Và biện pháp này đã trở thành con dao hai lưỡi. Phần lớn những đứa trẻ được nghỉ học đã tụ tập chơi trên đường phố hoặc công viên địa phương, đúng như ông Hamer lo sợ.
Do cuộc khủng hoảng kép vì đại dịch và hệ quả chiến tránh khiến mùa Giáng sinh năm 1918 trở nên khác thường.
Phần cáo phó trên báo chí vốn bị phủ kín bằng tên những người chết trong chiến tranh, giờ chứa đầy thông tin của những người chết trong đại dịch. "Phần lớn mọi người bình thản trước dịch bệnh này, nhưng nó dường như gây chết người gấp 5 lần so với chiến tranh. Theo ước tính, khoảng 6 triệu người đã chết vì cúm và viêm phổi trong 12 tuần qua", tờ The Times khi đó viết.
Con số này thấp hơn nhiều so với thực tế. Vài tuần sau, The Times điều chỉnh lại là 12 triệu người đã chết vì cúm Tây Ban Nha trên toàn cầu, nhưng vẫn quá xa so với số liệu chính xác. Một phóng viên tại Manchester của tờ Guardian đánh giá đại dịch "đã phơi bày sự bất lực của ngành y tế dự phòng khi đối mặt với các bệnh truyền nhiễm".
Giám đốc y tế Anh Newsholme đã bị chỉ trích nặng nề do không điều phối được hoạt động ứng phó dịch. Chính phủ còn được kêu gọi thành lập một cơ quan nhằm cải thiện hệ thống phòng dịch quốc gia. Việc đeo khẩu trang sau đó cũng trở thành một phần của một cuộc thảo luận công khai về những thay đổi y tế và văn hóa cần thiết để chuẩn bị cho các dịch bệnh trong tương lai.
Khi làn sóng thứ hai lắng xuống, có một số người lạc quan rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Người ta hy vọng rằng vaccine ngừa cúm mới sẽ được phân phối rộng rãi cho công chúng. Tuy nhiên, vaccine chỉ được chứng minh là có hiệu quả vừa phải đối với các bệnh nhiễm trùng thứ phát như viêm phổi, mà không bảo vệ con người khỏi bệnh cúm.
Dịch cúm đã quay trở lại ngay sau năm mới. Làn sóng dịch thứ ba này được cho có thể đã âm thầm lây lan từ kỳ nghỉ Giáng sinh. Mặc dù mức độ nghiêm trọng đã giảm đi, nhưng đó là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng dịch bệnh vẫn sẽ luôn chực chờ tấn công con người ở bất kỳ thời điểm nào.
Cuối cùng, người Anh và mọi người trên khắp thế giới đã phải học cách sống chung với bệnh cúm. Cũng như với COVID-19, điều này có nghĩa là họ phải đối mặt với những mất mát đau thương, thừa nhận những thất bại và phát triển các biện pháp phòng dịch mới.
Loại virus cúm năm 1918 sau đó đã lưu hành trong nhiều thập kỷ với mức độ hơn nhưng vẫn gây bùng phát và thành dịch. Tử vong và nhiễm cúm đã trở thành một phần được chấp nhận trong cuộc sống hiện đại.
Nước Anh và toàn thế giới năm 2020 đang có những điều kiện y tế tốt hơn nhiều so với năm 1918 để ứng phó với một đại dịch nguy hiểm. Nhưng bài học từ đại dịch cúm xảy ra cách đây hơn 100 năm cho thấy ngay cả khi y học và nền khoa học phát triển nhất, các quốc gia vẫn phải học cách sống chung với dịch bệnh và tìm các biện pháp ứng phó thích hợp. Thử thách hiện tại là học cách sống chung với dịch bệnh, đây cũng là điều mà rất ít người có thể làm được vào năm 1918.