“Vật thể ngoài không gian” là tên do nhà khoa học người Mỹ Ivan T. Sanderson đặt cho những vật thể có giá trị lịch sử, khảo cổ học, hoặc cổ sinh vật được phát hiện trong một bối cảnh rất khác thường. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải nguồn gốc hay quá trình ra đời của chúng. Dưới đây là 10 “vật thể ngoài không gian” nổi bật.
Đền đá ở Bôlivia
Tiwanaku là một khu vực khảo cổ ở miền tây Bôlivia được Christopher Columbus phát hiện ra. Puma Punku là một phần của khu vực đền rộng lớn hay một nhóm di tích của Tiwanaku. Tiwanaku điển hình cho lối kiến trúc đồ sộ, thậm chí còn lớn hơn công trình nghệ thuật của người Aztecs. Những khối đá ở khu vực này nặng hàng chục tấn. Chúng không có bất kỳ dấu vết nào của kỹ thuật chạm khắc, vì thế công cụ mà người xưa sử dụng để tạo hình trên những khối đá này vẫn còn là một điều bí ẩn.
Những khối đá được cắt gọt chính xác nhưng không hề có dấu vết chạm khắc ở Puma Punku. |
Những khối đá nói trên được khai thác từ hai mỏ đá khác nhau. Một mỏ cung cấp sa thạch ở cách đó khoảng 16 km. Tại khu vực này lộ ra dấu hiệu khai thác những khối đá nặng đến 400 tấn. Mỏ còn lại cung cấp khoáng chất ăngđêzít nằm cách đó 80 km. Một câu hỏi được đặt ra ở đây là, người cổ đại đã làm thế nào để có thể vận chuyển được những khối đá khổng lồ như vậy trên một quãng đường dài vào thời kỳ trước khi những chú ngựa Nam Mỹ được thuần dưỡng?
Nghiên cứu kỹ lưỡng những công trình kiến trúc này, các nhà khoa học đã tìm ra công nghệ vô cùng độc đáo mà người xưa dùng để xây chúng. Những khối đá được khắc hình chữ V, sau đó được ghép lại với nhau, vì thế chúng khớp với nhau theo ba chiều. Sản phẩm là một công trình vững chắc đủ khả năng đứng vững trước các trận động đất.
Khu vực Puma Punku có nhiều phiến đá được cắt gọt tinh xảo, trong đó có một số phiến nặng trên 100 tấn. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa lý giải một cách thấu đáo quá trình xây dựng và công nghệ liên quan đến việc tạo ra những đền đài này.
Hình vẽ trên cao nguyên Nazca
Sa mạc Pêru chứa đựng một trong những di tích bí ẩn nhất trên thế giới - những hình vẽ khổng lồ. Những hình vẽ này bao gồm các nét vẽ hình học và những bức họa về các con vật, trong đó có nhiều con có hình dáng giống con người.
Hình vẽ khổng lồ trên cao nguyên Nazca. |
Các hình vẽ cổ đại này chỉ có thể được thực hiện trên không trung. Vậy người cổ đại dùng phương tiện gì để có thể sáng tạo ra công trình nghệ thuật này khi thời đó, khái niệm máy bay chưa từng tồn tại. Ai là tác giả của những bức bích họa đó và mục đích của việc làm đó là gì? Phải chăng đó là những dấu vết để lại của người ngoài hành tinh; đường băng cho người ngoài trái đất hạ cánh, hay là một cuốn lịch thiên văn khổng lồ?
Pháo đài Sacsayhuaman
Bức tường được làm từ những khối đá vôi khổng lồ. |
Sacsayhuaman là một pháo đài nằm gần thành phố Cusco cổ kính của Pêru, trên độ cao 3.701m. Khu vực này là một phần của thành phố Cusco và được đưa vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO vào năm 1983.
Đó là ba bức tường được xây dựng song song có độ cao khác nhau. Tường được làm từ những phiến đá vôi có kích thước khổng lồ. Những đoạn tường hình zích zắc được làm từ các tảng đá cuội là lớn nhất; trong đó có một tảng đá cao 8,5 m và nặng khoảng 140 tấn. Chúng khác công trình Stonehenge, các kim tự tháp của người Ai Cập và người Maya, hay bất kỳ công trình nghệ thuật bằng đá nào khác của thời cổ đại. Các nhà khoa học chưa rõ bằng cách nào những tảng đá khổng lồ này được vận chuyển và xếp liền với nhau khít đến mức không có khe để nhét một ngọn cỏ hay một lưỡi dao lam vào giữa chúng. Giữa những tảng đá này không có vữa.
Vòng tròn sa thạch Stonehenge
Stonehenge là một công trình sa thạch trên vùng đồng bằng Salisbury miền nam nước Anh. Nó được tạo ra bởi 30 cột đá (khối sa thạch, mỗi khối cao trên 3 m và nặng 26 tấn), được gắn với nhau thành một vòng tròn, với 30 thanh nằm ngang (mỗi thanh nặng 6 tấn) được đặt bên trên các khối đá tạo thành một hình tròn khép kín. Một vòng tròn bên trong được tạo thành từ những khối đá tương tự, cũng được xây dựng theo kiểu cột dựng đứng và các thanh nằm ngang.
Stonehenge được đặt trên các điểm phân và điểm chí. Gerald Hawkins, giáo sư thiên văn học, cho rằng Stonehenge là một đài quan sát thiên văn tinh vi được thiết kế để dự báo các hiện tượng nhật thực và nguyệt thực. Vị trí đặt những cột đá biểu lộ một kho thông tin phong phú. “Nếu bạn quan sát cách liên kết, mối liên hệ chung, và việc sử dụng những tảng đá này thì bạn sẽ nắm được lý do của việc xây dựng” - Hawkins cho biết. Hawkins và các nhà thiên văn học khác đã phát hiện ra chu kỳ 56 năm của hiện tượng thiên thực bằng cách giải mã Stonehenge. Sự di chuyển những khối đá mỗi năm một lần từ một vị trí cố định ban đầu cho phép dự báo chính xác mọi sự kiện nguyệt thực quan trọng diễn ra trong hàng trăm năm. Chiếc “máy tính” này sẽ cần phải được cài đặt lại khoảng 300 năm một lần bằng cách dịch chuyển một khoảng.
Quả cầu đá ở Côxta Rica
Một trong những bí ẩn lạ lùng nhất trong lĩnh vực khảo cổ học đã được phát hiện ở vùng châu thổ Diquis, Côxta Rica. Kể từ những năm 1930, người ta đã ghi nhận có trên 300 quả cầu đá, đường kính từ vài xentimét đến hàng mét. Một số hòn có trọng lượng tới 16 tấn. Hầu hết những quả cầu này được tạo ra từ granôđiorít, một loại đá lửa cứng. Đây là sản phẩm điêu khắc của con người.
Ngày nay, chúng được dùng làm đồ vật trang trí trước các tòa nhà công sở như cơ quan lập pháp, bệnh viện và trường học. Bạn có thể tìm thấy chúng trong các bảo tàng. Những hòn đá này có thể được lấy lên từ đáy sông Terraba, nơi mà chúng được dòng nước đưa xuống từ vùng núi Talamanca. Kết quả khai quật khảo cổ cho thấy, chúng có mối liên hệ với đồ gốm và các vật dụng khác tiêu biểu cho các nền văn hóa trước thời Columbia ở miền nam Côxta Rica.
(Còn tiếp)
Đình Vũ (Tổng hợp)