Va li da chứa mã vũ khí hạt nhân luôn được một trợ lý quân sự mang theo sát Tổng thống Mỹ, đề phòng trường hợp bị tấn công, Tổng thống có thể lựa chon ngay phương án trả đũa. Ảnh: Reuters |
Tất nhiên mọi thứ không phải như trên phim, có một nút nhấn hạt nhân và khi Tổng thống ấn nút, mọi thứ sẽ bị phá hủy ngay lập tức.
Thay vào đó, một quy trình nhiều lớp kéo dài từ 45 đến 60 phút sẽ được thực hiện trước khi 41 cặp sĩ quan vận hành hệ thống tên lửa lắp đặt trên mặt đất tại nhiều địa điểm khác nhau có thể bật nút phóng cùng nhau tấn công.
Nếu như Tổng thống ra lệnh cho phóng đủ 420 đầu đạn hạt nhân Mỹ sở hữu, thêm 1.000 quả tên lửa lắp đặt trong 10 tàu ngầm hạt nhân, sức mạnh của lần tấn công này sẽ tương đương với 30.000 quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima.
“Từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc, mọi thứ sẽ bị xóa sạch trong vòng 1 tiếng hoặc 45 phút”, Bruce G. Blair – cựu sĩ quan phóng tên lửa Minuteman đồng thời là một học giả nghiên cứu tại Đại học Princeton khẳng định.
Báo động (3 phút)Nếu như Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD), đang có trụ sở ở Colorado Springs, bang Colorado phát hiện ra qua hệ thống vệ tinh hay radar mặt đất bằng chứng xuất hiện một vụ tấn công hạt nhân, Bộ này có trách nhiệm báo động cho Lầu Năm Góc.
Báo cáo Tổng thống (1 phút)
Lúc này, Lầu Năm Góc sẽ gọi cho Tổng thống, Tư lệnh của Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ có trụ sở ở Omaha (bang Nebraska) và các cố vấn cấp cao khác.
Một cố vấn quân sự luôn đi theo Tổng thống sẽ đưa một bảng danh sách bao gồm các lựa chọn hạt nhân từ một chiếc va li da khóa kín. Nhưng để tiết kiệm thời gian, vị tướng 4 sao đảm nhiệm vị trí Tư lệnh của Bộ Tư lệnh Chiến lược sẽ là người trực tiếp thông báo cho Tổng thống các lựa chọn hạt nhân.
Quy trình báo cáo này căn bản chỉ mất 1 phút, và có thể ngắn hơn, 30 giây.
Quyết định phản công (12 phút)Quy trình này cho phép Tổng thống có 12 phút để triển khai một cuộc tấn công trả đũa.
Lầu Năm Góc sẽ là đơn vị triển khai mệnh lệnh, khi và chỉ khi xác định người ra lệnh thực sự là Tổng thống.
Học giả Blair tiết lộ: “Người đứng đầu trong phòng chiến tranh sẽ hỏi Tổng thống: ‘Ngài đã sẵn sàng xác nhận?’ Đó là hệ thống hồi âm chuẩn”.
Theo Bill Gulley – một cựu Giám đốc Văn phòng Quân sự Nhà Trắng có đề cập trong cuốn sách “Breaking Cover” xuất bản năm 1980, Tổng thống sẽ sử dụng một tấm thiếp xác thực được biết đến với mật danh “biscuit” (bánh quy), trên đó là một loạt các số và chữ cái được xếp thành các hàng.
Lầu Năm Góc sẽ hỏi Tổng thống qua điện thoại với một một mã từ chẳng hạn như Delta Zulu. Sau đó, Tổng thống với sự trợ giúp từ một cố vấn quân sự thân cận, sẽ tìm mã “Delta Zulu” trên tấm thiếp của ông ấy và trả lời bằng một mã tương ứng.
Truyền lệnh để thực hiện (2 phút)
Lầu Năm Góc sẽ định dạng và truyền lệnh phát động tấn công hạt nhân của Tổng thống qua một tin nhắn bao gồm mã hệ thống xác nhận được niêm phong, giờ tấn công, mã kế hoạch chiến tranh tương ứng với sự lựa chọn của Tổng thống và mã mở khóa vũ khí.
Xác nhận mệnh lệnh (1 phút)
Các sĩ quan vận hành tên lửa lắp đặt trên mặt đất làm việc trong các trung tâm phóng dưới mặt đất đến giai đoạn này sẽ xác nhận và thực thi mệnh lệnh.
Họ sẽ so sánh đối chiếu mã hệ thống xác nhận bị niêm phong từ tin nhắn mệnh lệnh truyền tới với mã mà họ khóa, sau đó họ bắt đầu nhập mã kế hoạch chiến tranh và mã mở khóa. Đến thời điểm phóng tên lửa, những sĩ quan làm việc theo cặp này sẽ cùng một lúc bật công tắc phóng.
Mã kế hoạch chiến tranh mang tính quyết định loại tên lửa nào sẽ được phóng. Có một máy tính lắp trong tên lửa phân loại được mã kế hoạch chiến tranh.
Tương tự thủy thủ đoàn trên tàu ngầm cũng hành động theo.
Nhắm đến mục tiêu (30 phút)
Các tên lửa phóng từ mặt đất của Mỹ sẽ có 30 phút để bay đến bờ bên kia Trái Đất. Mặc dù tàu ngầm sẽ mất thêm 10 phút để kích hoạt nút phóng, song vì vị trí của những tàu đó ở gần với mục tiêu hơn, nên tên lửa từ tàu ngầm sẽ vươn tới mục tiêu cùng lúc với vũ khí phóng từ mặt đất.