Mở đầu bằng chiến dịch "Tự do Bền vững" và trong suốt gần 20 năm tham chiến, trên 2.300 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng, hàng chục nghìn người Mỹ bị thương, không biết bao nhiêu người Afghanistan chịu thương vong và Mỹ đã tiêu tốn số tiền hơn 2.000 tỷ USD.
Sau những thiệt hại đó, những binh sĩ Mỹ cuối cùng sẽ rời đi, để lại nhiều khu vực ở Afghanistan vẫn do các tay súng Taliban đó kiểm soát.
Trong những năm 1980, Liên Xô đưa quân vào Afghanistan và cuối cùng rút đi trước sự kháng cự của các tay súng thánh chiến. Trong số đó có Osama bin Laden. Mỹ đã hỗ trợ vũ khí và giúp những người này chống lại Liên Xô.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô rời đi và để lại khoảng trống quyền lực, Taliban - lực lượng quân sự và chính trị Hồi giáo trong khu vực - đã hình thành dưới sự lãnh đạo của Giáo chủ Mullah Mohammed Omar. Omar muốn tạo dựng một xã hội Hồi giáo, đẩy lùi những thứ ảnh hưởng ngoại lai như TV và âm nhạc khỏi Afghanistan, áp đặt luật Hồi giáo theo phiên bản hà khắc, đặc biệt với phụ nữ. Tới năm 2001, Taliban kiểm soát gần như toàn bộ Afghanistan.
Mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda mới là thủ phạm tấn công khủng bố Mỹ vào ngày 11/9/2001, nhưng các chủ mưu vụ tấn công, trong đó có Osama bin Laden, hoạt động dưới sự bảo bọc của Taliban. Taliban đã từ chối giao nộp bin Laden sau vụ khủng bố đẫm máu ấy. Đáp lại, Tổng thống Mỹ khi đó, George W. Bush đã ký Đạo luật Ủy quyền Chiến tranh (AUMF). Theo đó, Mỹ có thể dùng vũ lực chống các quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân đứng sau vụ khủng bố 11/9, ở đây là al-Qaeda và Taliban.
Trước việc đưa quân vào Afghanistan với lý do tiêu diệt khủng bố, cả hai đảng ở Mỹ đều ủng hộ gần như tuyệt đối. Mỹ bắt đầu nỗ lực quân sự dựa trên thẩm quyền có từ đạo luật AUMF. Trong nhiều năm, AUMF được dùng để làm căn cứ pháp lý cho quyết định đưa quân vào Afghanistan, sử dụng vũ lực chống al-Qaeda và đồng bọn.
Đạo luật lần đầu tiên được sử dụng để cho phép hành động quân sự ở Afghanistan, nhưng các tổng thống Mỹ sau đó đã dựa vào đó để cho phép hành động quân sự ở ít nhất 37 quốc gia.
Lực lượng Mỹ cùng với sự hỗ trợ của các đồng minh NATO coi việc đưa quân vào Afghanistan là một động thái tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống George W. Bush nói: “Những hành động được chuẩn bị kỹ lưỡng này nhằm ngăn chặn sử dụng Afghanistan làm căn cứ cho các chiến dịch khủng bố và để tấn công năng lực quân sự của chế độ Taliban”.
Số lượng binh sĩ Mỹ tại Afghanistan khác nhau ở từng thời điểm trong 20 năm qua. Khi Barack Obama làm tổng thống, ông đã cam kết tập trung quân đội Mỹ tại đây thay vì Iraq. Thời chính quyền Obama, Mỹ có 100.000 binh sĩ ở Afghanistan. Ông Obama tìm cách chấm dứt các chiến dịch tác chiến của Mỹ ở Afghanistan năm 2014, nhưng số binh sĩ Mỹ ở lại nước này lại nhiều hơn ông dự kiến. Người kế nhiệm là Donald Trump đã điều thêm binh sĩ tới Afghanistan, sau đó rút phần lớn và tham gia đàm phán hòa bình với Taliban.
Những năm Mỹ có nhiều người chết ở Afghanistan nhất là những năm sau khi ông Obama tăng quân năm 2009. Năm mà Mỹ và đồng minh NATO mất nhiều người nhất là 2010. Ngày 1/5/2011, bin Laden bị lực lượng Mỹ tiêu diệt ở Abbottabad (Pakistan), nơi hắn ẩn náu cùng vài thành viên gia đình. Mỹ hải táng thi thể trùm khủng bố này ở biển Bắc Arab cùng ngày.
Tới tháng 6/2011, ông Obama thông báo kế hoạch rút 30.000 lính Mỹ tới năm 2012. Năm 2014, Tổng thống Obama đưa ra kế hoạch rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan tới cuối năm 2016. Tới ngày 28/12/2014, Mỹ và NATO chính thức chấm dứt các sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan. Từ khi phần lớn chiến dịch chiến đấu của Mỹ và NATO chấm dứt năm 2014, số binh sĩ Mỹ thiệt mạng đã giảm mạnh.
Một dấu mốc khác là năm 2017, khi Mỹ sử dụng loại bom gọi là “mẹ các loại bom” GBU-43 xuống miền đông Afghanistan để nhằm vào các hang ổ của khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Tới năm 2019, Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump tăng cường đàm phán hòa bình với Taliban ở Doha. Các thủ lĩnh Taliban cam kết ngăn chặn các nhóm khủng bố quốc tế ở Afghanistan để đổi lấy việc Mỹ rút quân. Tháng 9 năm đó, ông Trump đột ngột hủy hòa đàm sau vụ lính Mỹ bị Taliban giết hại.
Cuối cùng, năm 2020, Mỹ và Taliban cũng ký thỏa thuận, dọn đường cho binh sĩ nước ngoài rút khỏi Afghanistan. Do không có lệnh ngừng bắn, các tay súng Taliban đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công vào lực lượng an ninh Afghanistan trong những ngày sau đó. Đáp lại, Mỹ đã không kích chống Taliban ở tỉnh Helmand. Tới tháng 11, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo kế hoạch giảm một nửa số binh sĩ xuống còn 2.500 vào cuối tháng 1/2021. Sau thỏa thuận Mỹ-Taliban, hàng nghìn binh sĩ Mỹ đã rời Afghanistan.
Khi làm tổng thống năm 2021, ông Joe Biden thông báo Mỹ sẽ không rút binh sĩ vào hạn chót 1/5 như trong thỏa thuận Mỹ-Taliban. Thay vào đó, binh sĩ Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan hoàn toàn vào ngày 11/9/2021.
Ngày nay, khi thủ đô Kabul và trung tâm phần lớn các thành phố chính đều do chính phủ kiểm soát, thì các vùng nông thôn rộng lớn ở Afghanistan lại do các lực lượng khác nhau của Taliban cát cứ.
Có thể hiểu mục đích của Mỹ ở Afghanistan là ngăn mảnh đất này một lần nữa trở thành hang ổ của các nhóm khủng bố như al-Qaeda. Tuy nhiên, mục tiêu của Mỹ ở Afghanistan và chiến lược thực hiện lại luôn thay đổi theo từng thời tổng thống.
Theo kế hoạch, sau ngày 11/9 tới, sẽ có rất ít lực lượng Mỹ ở Afghanistan và sẽ chỉ tập trung hỗ trợ các nhà ngoại giao Mỹ. Con số cụ thể hiện chưa rõ. Quyết định rút quân của ông Biden là cuối cùng và không dựa trên tình hình ở Afghanistan.
Sau khi Mỹ rút quân, nước này sẽ tiếp tục cố gắng làm trung gian hòa đàm giữa chính phủ Afghanistan và Taliban. Trong tình hình hiện nay, tháng 9 có thể là hạn chót cho các cuộc hòa đàm này. Ông Biden đã bỏ qua lo ngại của các tướng lĩnh Mỹ, rằng Taliban sẽ lật đổ chính phủ Afghanistan sau khi Mỹ rời đi.
Tổng thống Biden nói trong bài phát biểu ngày 14/4 rằng lực lượng Mỹ trên mặt đất không thể ngăn chặn Taliban hay chấm dứt chiến tranh. Ông cho rằng lực lượng Mỹ không phải là nhân tố quyết định. Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng công cụ tiền tệ và ngoại giao. Hiện chưa rõ những công cụ này có mang lại kết quả ở Afghanistan hay không khi mà gần 20 năm qua công cụ quân sự có thể đã không thành công.