Mỹ từng âm mưu tấn công hạt nhân diện rộng - Kỳ 2

Năm 1962 xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thông qua máy bay trinh sát U-2 và các báo cáo của mạng lưới tình báo phát hiện Liên Xô bố trí tên lửa tại Cuba.

XÔ - MỸ NHIỀU LẦN KỀ VỰC CHIẾN TRANH HẠT NHÂN

Lịch sử chiến tranh hạt nhân bắt nguồn từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, khi đó Mỹ lo ngại phát xít Đức có thể thâu tóm toàn bộ châu Âu rồi tấn công đến tận lãnh thổ Mỹ, do vậy Mỹ tích cực phát triển vũ khí sát thương hàng loạt, đồng thời nghiên cứu, chế tạo ra bom nguyên tử xuất phát từ “Kế hoạch Manhattan”. Tuy nhiên, tính đến nay, vũ khí hạt nhân mới được sử dụng trên thực tế tại Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến 2.

Sau Thế chiến 2, giai đoạn có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân cao nhất là thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hai siêu cường đối địch là Liên Xô và Mỹ sở hữu phần lớn số vũ khí hạt nhân trên thế giới, khiến chiến tranh hạt nhân có nguy cơ bùng phát.

Quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945.

Năm 1962 xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thông qua máy bay trinh sát U-2 và các báo cáo của mạng lưới tình báo phát hiện Liên Xô bố trí tên lửa tại Cuba. Các tên lửa này có tầm bắn lớn nhất là 4.500 km, có thể tấn công mọi thành phố công nghiệp quan trọng của Mỹ chỉ trong vòng 5 phút. Ngoài ra, Liên Xô còn bố trí tại Cuba 22 chiếc máy bay ném bom hạng nhẹ IL-28. Sau thời gian đối đầu, trong đó có vài lần đứng bên bờ vực chiến tranh, hai bên đạt được hiệp định như sau: Liên Xô rút tên lửa được bố trí tại Cuba về nước; Mỹ tuyên bố không tái diễn hành động xâm lược Cuba, đồng thời rút tên lửa được bố trí tại Thổ Nhĩ Kỳ và Italy về nước. Sự kiện này được coi là đỉnh điểm và cũng là bước ngoặt của Chiến tranh Lạnh khi nhân loại đứng sát bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân, nguy hiểm hơn nhiều so với bóng đen chiến tranh hạt nhân trong sự kiện đảo Trân Bảo giữa Trung Quốc và Liên Xô năm 1969.

Ngoài ra, tờ “Bưu điện Washington” đưa tin, một báo cáo thuộc diện tối mật của cơ quan tình báo Mỹ được giải mã vào tháng 10/2015 tiết lộ, vào tháng 9/1983, Liên Xô bắn hạ một chiếc máy bay chở khách của Hàn Quốc; tháng 11 năm đó NATO tổ chức diễn tập tại Trung tâm chỉ huy vũ khí hạt nhân. Khi đó người đứng đầu Liên Xô lo ngại rằng cuộc diễn tập này nhằm che đậy việc Mỹ phát động cuộc tấn công hạt nhân thực sự nhằm vào Liên Xô, dẫn đến việc Liên Xô triển khai hàng loạt động thái ứng phó chưa từng có, chiến tranh hạt nhân Xô - Mỹ cũng có nguy cơ bùng nổ vào thời điểm này.

Bãi phóng tên lửa nhằm vào Mỹ được Liên Xô xây dựng tại Cuba năm 1962.

Theo tờ “Thời báo New York”, văn kiện tuyệt mật được giải mã tháng 12/2015 trên khiến tranh luận về lực lượng không quân Mỹ và khả năng triển khai tấn công vào dân thường lại trở thành đề tài nóng của giới truyền thông. Mỹ từng tránh ném bom xuống đại bản doanh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Raqqa, Syria, bởi nơi đó đang giam giữ nhiều tù nhân là dân thường.

Ga Bắc Kinh thời điểm cuối năm 1959.

Nhưng điều đáng kinh ngạc trong văn kiện trên là, quân đội Mỹ coi thường dân trong các thành phố mục tiêu tấn công cũng là mục tiêu. Văn bản này vạch kế hoạch sử dụng chất phóng xạ để sát hại thường dân nằm trong phạm vi các mục tiêu tấn công, điều vi phạm quy định quốc tế. Chuyên gia nghiên cứu về lịch sử vũ khí hạt nhân của Viện Quản lý hồ sơ quốc gia Mỹ William Boll bày tỏ: “Khu vực tập trung đông dân cư lại trở thành mục tiêu tấn công hạt nhân, điều này thực sự gây sốc”.

Theo văn kiện tuyệt mật, 23 điểm ném bom trọng tâm (DGZ) tại Bắc Kinh bao gồm 2 nhà máy luyện thép, 1 nhà máy phát điện, 1 trung tâm kiểm soát của Chính phủ, 1 nhà máy cơ khí, 2 trung tâm chỉ huy không quân, 1 đại bản doanh lục quân, 1 đại bản doanh không quân, 2 trường quân sự, 2 kho bãi của không quân, 3 kho bãi kết hợp không quân và lục quân, 2 căn cứ lục quân, 2 mục tiêu tập trung đông dân cư, 2 ga tàu chính và 1 nhà máy sửa chữa thiết bị đường sắt.

Một số học giả về lịch sử quân sự cho biết, mặc dù trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, việc không được coi thường dân là mục tiêu đã trở thành thông lệ quốc tế, nhưng trong thực tế quân đội thường tùy cơ hành động. Trong các cuộc chiến, thông lệ trên thường bị gạt bỏ, oanh tạc các thành phố từng trở thành phương thức tác chiến tất yếu. Tấn công dân thường được coi là thủ đoạn quan trọng làm nhụt chí khí binh sĩ đối phương, cuối cùng khiến họ mất sức chiến đấu hoặc đầu hàng, giảm thiểu thời gian chiến tranh.

Mặc dù SAC lên kế hoạch tấn công thường dân, nhưng điều này không phù hợp với quy tắc hành xử nhất quán của lãnh đạo không quân Mỹ. Tấn công dân thường là hành vi vi phạm Luật Chiến tranh, đã được quy định rõ ràng tại “Quy tắc tác chiến trên không La Haye” năm 1923. Tuy nhiên, quy định chiến tranh tránh sát hại dân thường như thế mãi đến năm 1977 mới chính thức có hiệu lực qua “Công ước cấm sử dụng công nghệ làm thay đổi môi trường vì mục đích quân sự hoặc các mục đích thù địch khác” được ký kết tại Geneva, Thụy Sỹ.
Vĩnh Hà
Mỹ từng âm mưu tấn công hạt nhân diện rộng - Kỳ 1
Mỹ từng âm mưu tấn công hạt nhân diện rộng - Kỳ 1

Mỹ vừa lần đầu công bố một văn kiện tuyệt mật, theo đó vào thời điểm căng thẳng nhất trong Chiến tranh Lạnh, không quân Mỹ đã bí mật lên kế hoạch tấn công hạt nhân vào những thành phố chứa nhiều mục tiêu, trong đó có Bắc Kinh, Đông Berlin, Moskva. Ngoài việc nhằm vào những cơ sở quân sự trong các thành phố đó, bản kế hoạch này cũng trực tiếp đưa mục tiêu “thường dân” vào đối tượng tấn công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN