Ngành công nghiệp vũ khí của Israel (Kỳ 1)

Gần như không có quốc gia nào đầu tư nhiều tiền của vào nghiên cứu vũ khí như Israel. Và cũng không nơi đâu khác trên Trái đất lại có các viện nghiên cứu, ngành công nghiệp quốc phòng, quân đội và chính trị lại đan xen giống ở đây. Như một kết quả tất yếu, Israel trở thành một công xưởng chế tạo vũ khí công nghệ cao, xuất khẩu ra toàn thế giới.

Một chiếc Ford F350 có trang bị vũ khí.


Kỳ 1: Sự sinh sôi của công nghệ quân sự

Trong căn nhà kho có kích thước bằng một nhà chứa máy bay, phần khung của chiếc xe Guardium trông thật nhỏ bé. Và nó lại càng nhỏ bé hơn bởi không còn lưu lại nhiều vết tích của thứ từng là một sản phẩm công nghệ cao.

Không vô lăng, không khung gầm, tất cả chỉ còn lại phần khung méo mó. Trên một lỗ thủng mở toang xuất hiện các vết kim loại bị xé rách ở rìa.

Yoav Hirsh - một người đàn ông tóc muối tiêu, cơ thể rắn chắc và cái nhìn cương nghị mỉm cười giải thích về tình trạng thê thảm của chiếc xe này: “Súng phản lực chống tăng”. Nếu có người ở bên trong, hẳn người đó sẽ không thể thoát khỏi nanh vuốt tử thần. Nhưng phía sau vô lăng không hề có lái xe, bởi Guardium là loại phương tiện hoàn toàn tự động.

Khi Yoav Hirsh nói về những chiếc xe của mình, niềm kiêu hãnh như toát ra từ vị giám đốc điều hành của G-Nius, một trong những công ty đầu tiên trên thế giới có khả năng sản xuất một đội quân chiến binh robot.

Chiếc Guardium đã được đưa vào sử dụng kể từ năm 2007 để tuần tra dọc đường biên giới của Israel giáp Dải Gaza. Nó có thể được điều khiển bởi thiết bị điều khiển từ xa hoặc tự lái trên chặng đường định trước với sự hỗ trợ của các camera và cảm ứng thu thập dữ liệu của môi trường xung quanh.

“Guardium đã trải qua 60.000 giờ thực hiện nhiệm vụ và cứu nhiều mạng sống”, ông Hirsh nói. Ông cho biết, mục đích của chiếc xe này là giúp hoàn thành “các nhiệm vụ mà không để binh sĩ nào phải mạo hiểm tính mạng”.

Tuy nhiên, ngoài hạn chế thương vong, những chiếc xe do G-Nius sản xuất còn có khả năng tiêu diệt mục tiêu nhờ các hệ thống vũ khí điều khiển từ xa được gắn ở phía trên. Ông Hirsh lưu ý rằng, mặc dù những chiếc xe loại này có trang bị vũ khí vẫn chưa được sử dụng, nhưng chúng đang được triển khai.

Tại một căn nhà kho khác, một chiếc Ford F350 quy chuẩn được trang bị vũ khí riêng. Dù các camera và cảm ứng là hàng thật nhưng khẩu súng máy lại là đồ giả. “Dù thế nào thì chúng tôi vẫn là một công ty dân sự”, ông Hirsh nói.

G-Nius là một ví dụ điển hình về cách công nghệ được tạo ra ở Israel. Trụ sở của công ty này nằm trong khuôn viên phát triển công nghệ cao của thành phố Yokneam ở phía đông bắc, giữa hằng hà sa số các công ty công nghệ khác.

Đây là dự án liên doanh của hai công ty Israel là công ty vũ trụ và điện tử Elbit Systems với công ty quốc phòng và hàng không thuộc sở hữu nhà nước IAI; và đồng thời khu vực này có những mối quan hệ mật thiết với quân đội.

Isarel luôn luôn ở trong tình trạng xung đột với các nước láng giềng kể từ ngày quốc gia này được thành lập. Với lí do luôn cảm thấy bị đe dọa từ tất cả mọi phía, cũng như việc có diện tích lãnh thổ nhỏ bé và không sở hữu một quân đội hùng hậu nên “các công nghệ quân sự tiên tiến… từ lâu đã được xem có vai trò chiến lược quan trọng với Israel”, giáo sư kinh doanh của trường đại học Haifa (Israel), ông Dan Peled, giải thích.

Trải qua nhiều thập kỉ, điều này đã dẫn đến việc hình thành mối quan hệ gắn bó của quân đội với khu vực khoa học dân sự, công nghiệp và chính trị, kể cả ngành kinh doanh sinh lời từ chiến tranh mà mới đây nhất là cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của trên 2.100 người Palestine và 70 người Israel.

Theo tạp chí quân sự và công nghệ Jane (Anh), Israel là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 6 thế giới. Năm 2012, Israel đã xuất khẩu các thiết bị quân sự có tổng giá trị 2,4 tỉ USD. Nhưng nếu xét bình quân giá trị xuất khẩu vũ khí đầu người (ở vào khoảng 300 USD tại Israel) thì quốc gia này sẽ là nước đứng đầu bảng xếp hạng.

Trong khi đó, Mỹ, cho đến thời điểm hiện tại dù vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, con số này cũng chỉ là 90 USD/người. Bên cạnh đó, các mặt hàng vũ khí xuất khẩu của Israel tăng một cách nhanh chóng. Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm SIPRI (Thụy Điển) cho biết số hàng vũ khí xuất khẩu của Israel tăng hơn gấp đôi từ năm 2001 đến 2012.

Cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỉ giữa Isarel và các quốc gia láng giềng hẳn nhiên đã đóng góp vào sự thành công của khu vực quốc phòng. Và một cách đáng ngạc nhiên, những người trong ngành công nghiệp này lẫn quân đội đều tỏ ra hết sức cởi mở.

“Năng lực chiến đấu được kiểm chứng” vẫn là một trong những điểm mạnh nhất giúp thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực công nghệ quân sự”, giáo sư Peled nói. Thương hiệu “được kiểm chứng” đã chuyển đổi trực tiếp thành doanh số bán hàng lớn trên toàn cầu của các loại sản phẩm “made in Israel”, từ súng cầm tay, máy bay không người lái cho đến tên lửa.


Anh Minh (Theo Spiegel)

Kỳ 2: Công xưởng súng ống của thế giới


Ngành công nghiệp vũ khí của Israel - Kỳ cuối
Ngành công nghiệp vũ khí của Israel - Kỳ cuối

Năm 2013, Israel bán nhiều máy bay không người lái hơn Mỹ và theo tính toán, sẽ xuất khẩu gấp đôi Mỹ trong năm 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN