Ngày đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ - Kỳ 2

Kỳ 2: Kẻ đủng đỉnh


Nhưng không, Tướng McClellan xưa nay vẫn vậy. Ông bị Tổng thống Lincoln gán cho cái mác “kẻ đủng đỉnh”, và ví việc cung cấp quân tăng viện cho vị chỉ huy này như thể “bắt cóc bỏ đĩa” bởi cho dù có bao nhiêu quân được điều đi thì kẻ địch vẫn cứ mạnh hơn theo như báo cáo của McClellan.

 

Bản đồ trận Antietam vào ngày 17/9/1862.

 

Tổng thống Lincoln cũng chẳng thể đôn đốc Tướng McClellan phát động một cuộc xâm lược Virginia trước khi Tướng Lee chấn chỉnh quân ngũ và tăng cường phòng ngự. Tướng McClellan đã viện hết lý do này đến lý do khác để không phải lập tức giáng đòn xuống đám tàn quân chẳng còn chút nhuệ khí của phe Liên minh. Rốt cuộc sự kiên nhẫn của Lincoln đã cạn. Tướng McClellan cuối cùng bị cách chức vào ngày 7/11/1862.


Sự đồng tình của Tướng McClellan với miền Nam, sự miễn cưỡng phát động một cuộc chiến tranh tổng lực, việc ông phản đối đưa vấn đề nô lệ vào cuộc chiến, nói tóm lại là tất thảy những quan điểm chính trị mềm mỏng của ông với tư cách là một đảng viên Dân chủ, đã được thể hiện qua những diễn biến trên chiến trường xuất phát từ sự thiếu quyết đoán của vị tướng này trong chỉ huy các chiến dịch. Tướng McClellan mang những nét đặc trưng cho giai đoạn đầu của cuộc chiến - nghiệp dư, ngờ nghệch và thiếu quyết đoán.


Binh sĩ của Tướng Jackson vượt Sông Potomac để bắt đầu cuộc xâm lược Maryland.


Trận chiến mà nhiều người những tưởng sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng như bao trận đánh khác, hóa ra lại đầy rẫy những tang thương và nghiệt ngã. Sau một sự khởi đầu tồi tệ vào mùa hè năm 1861, phe Liên bang đã xoay chuyển cục diện trên chiến trường trong nửa đầu năm 1862 bằng một loạt chiến thắng, mà đỉnh điểm là cuộc tiến quân tại bán đảo nằm giữa hai con sông James và York, nơi lực lượng của Tướng McClellan chỉ còn cách thủ phủ Richmond của phe Liên minh chừng 16 km. Nhưng khi đó, McClellan đã lại chần chừ và án binh. Ông cho rằng lực lượng của mình quá mỏng để có thể thọc sâu và thay vào đó đã phát một loạt điện báo yêu cầu tăng viện và tiếp tế. Nhưng “được voi lại đòi tiên”, bao nhiêu binh sĩ và quân nhu đến vẫn là chưa đủ.


Chính điều này đã tạo điều kiện cho quân Liên minh đã mở một đợt phản công dữ dội từ ngày 25/6 đến mùng 1/7/1862. Tính chất ác liệt của cuộc tấn công được đẩy lên cao với sự xuất hiện của vị chỉ huy mới ở phe Liên minh, Tướng Lee cùng trợ thủ đắc lực Thomas Jackson. Lực lượng của Tướng McClellan đã nhanh chóng tan rã khi các chiến tuyến của ông bị tấn công dồn dập. Quân đội Liên bang sau đó buộc phải co cụm lại trong bán đảo và rốt cuộc phải rút lui.


Tướng Lee sau đó đã lập tức chuyển hướng tác chiến và chĩa mũi tấn công về phía Bắc nhằm vào Binh đoàn Virginia của Tướng John Pope (thuộc phe Liên bang), với dụng ý đè bẹp lực lượng này trước khi Tướng McClellan có thể rút quân về từ bán đảo và mở đường cho một cuộc xâm lược của miền Bắc. Kết quả là, Trận Manassas lần thứ hai (hay còn gọi là Bull Run) đã nổ ra trong hai ngày 29 - 30/8/1862. Trận đánh diễn ra theo hướng có lợi cho phe Liên minh. Tướng Lee một lần nữa có cơ hội điều động binh lính, lần này đưa quân vượt sông Potomac trong một đợt tiến quân rầm rộ về hướng Tây Bắc của thủ đô của Liên bang.


Canh bạc của Lee


Đôi khi các nhà bình luận ngụ ý rằng miền Bắc cuối cùng sẽ chiến thắng trong cuộc Nội chiến Mỹ nhờ những ưu thế vượt trội: binh lực đông gấp 4 lần và sản lượng công nghiệp lớn hơn 10 lần so với miền Nam. Và cán cân lực lượng ấy càng lệch về phía miền Bắc khi nó được đặt vào mối tương quan với ý đồ chiến tranh trong canh bạc của Tướng Lee.


Miền Nam đã ly khai khỏi Liên bang và có thể giành chiến thắng chỉ đơn giản bằng cách tiếp tục tồn tại là một nhà nước độc lập tự cai quản lãnh thổ của mình. Ngược lại, miền Bắc muốn khôi phục Liên bang buộc phải xâm lược miền Nam, đập tan quân đội, chiếm đóng lãnh thổ và hạ bệ chính phủ Liên minh. Không một nhiệm vụ nào kể trên tỏ ra dễ dàng. Và những nỗ lực cần thiết để làm được điều đó sẽ thử thách đến giới hạn tối đa sức chịu đựng của người dân miền Bắc. Tổng thống Lincoln hiểu rằng tinh thần, công luận và quyết tâm chiến thắng sẽ đóng vai trò quyết định trong một cuộc chiến tranh trường kỳ. Trong năm đầu của cuộc chiến, ông cho rằng đó là một cuộc chiến tranh tổng lực, một cuộc chiến tranh công nghiệp, “cả nước đứng lên đấu tranh”, một cuộc chiến mang cả yếu tố chính trị lẫn quân sự.


Trong khi đó, nhận thức của Tướng Lee, vốn là một chủ đồn điền và một người yêu nước ở Virginia, lại hạn chế hơn nhiều. Ông cho rằng ý chí chiến thắng của miền Bắc sẽ đóng vai trò quyết định và miền Nam chỉ có thể tồn tại bằng việc phá vỡ mối ràng buộc giữa “tên Cộng hòa đen” (ám chỉ Tổng thống Lincoln, người chủ trương mang lại sự bình đẳng cho người da đen) trong Nhà Trắng và quần chúng nhân dân miền Bắc. Và dường như cách duy nhất để làm điều đó một cách dễ dàng là áp đặt chiến tranh lên kẻ thù, xâm lược lãnh thổ, cướp đoạt tài sản và làm tiêu tan ý nghĩ cho rằng chiến thắng cho miền Bắc là xứng đáng và khả thi.


Cụ thể, Tướng Lee muốn giành được những chiến thắng quân sự ngay trên đất Bắc để gia tăng thách thức chính trị đối với phe Dân chủ “chủ hòa” trong cuộc đấu đá nội bộ với phe Cộng hòa “chủ chiến”. Hơn nữa, những chiến thắng đó sẽ khiến Anh và Pháp tin rằng cần phải công nhận Liên minh và ủng hộ miền Nam theo đuổi một giải pháp thương lượng.



Huy Lê


Đón đọc kỳ tới: Tai nạn lịch sử

Ngày đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ - Kỳ 1
Ngày đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ - Kỳ 1

Ngày 17/9/1862, tại vùng đất hẻo lánh bang Maryland đã nổ ra một cuộc chiến long trời lở đất. Hơn 110.000 binh sĩ của hai bên dàn trận giao tranh với mức độ tàn khốc chưa từng có để quyết định tương lai của nước Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN