Ngày 21/5/2010, Bradley Manning ngồi trước máy tính, lướt mạng và chat bằng nickname bradass87 như nhiều ngày khác. Nhưng không như những ngày bình thường, cuộc nói chuyện tối hôm ấy đã làm thay đổi cuộc đời Manning và châm ngòi cho một vụ rùm beng trên các phương tiện truyền thông quốc tế, động chạm tới những cơ quan quyền lực cao nhất của nước Mỹ như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng.
Ban đầu, đó chỉ là một cuộc nói chuyện luyên thuyên của hai tay nghiện vi tính: binh nhì Bradley Manning thuộc lực lượng lục quân Mỹ đang đóng ở Bátđa (Irắc) và Adrian Lamo, một hacker khét tiếng đã vạch ra những lỗ hổng an ninh nghiêm trọng trong các hệ thống máy tính của hãng Microsoft, Excite, hãng tin Reuters và tờ New York Times (Thời báo New York).
Manning là một chuyên gia phân tích tình báo, đã tiếp cận được Hệ thống bảo mật thông tin tình báo SIPRNET của chính quyền Mỹ để truyền tải thông tin tình báo mật. Còn Lamo là người cổ súy cho trang mạng WikiLeaks mà ông chủ là một chuyên gia máy tính người Ôxtrâylia khét tiếng - Julian Assange.
Manning được cho là đã mở lời làm quen trước bằng một câu vu vơ: “Xin chào, bạn có khỏe không?”. Nhưng những cuộc trò chuyện tiếp theo giữa Lamo và Manning trong một tuần ngắn ngủi sau đó đã làm cuộc đời Manning trở lên rất phức tạp.
Chỉ sau vài phút sau khi giới thiệu sơ qua, Manning đã giới thiệu thêm nhiều chi tiết được xem là khá hấp dẫn với Lamo. Manning viết: "Mình là một chuyên gia phân tích tình báo quân đội, đang đồn trú tại Bátđa và đang chờ giải ngũ vì mắc chứng AD.
Wikileaks (ảnh minh họa). |
Nội dung các cuộc đối thoại giữa Manning và Lamo cho thấy một điều rõ ràng là Manning ngày càng bị vỡ mộng với quân đội cũng như nhiệm vụ mà anh ta đang đảm nhiệm ở Irắc. Manning có lần viết rằng: "Hilary Clinton và hàng ngàn nhà ngoại giao trên khắp thế giới sẽ đau tim khi một buổi sáng thức dậy, họ thấy cả một kho tài liệu tuyệt mật về chính sách ngoại giao được phơi bày trước công chúng". Rồi anh ta nói rõ rằng những tài liệu mật có thể gồm: “Mọi thứ, từ những công việc chính quyền Mỹ đã làm dẫn tới cuộc chiến Irắc dưới thời Ngoại trưởng Colin Powell, đến ý đồ đằng sau những “gói cứu trợ” của Mỹ: Ví dụ, Mỹ rêu rao gửi hàng viện trợ cho Pakixtan như chăn màn, quần áo, đồ ăn, nước uống…, nhưng 85% trong số mục đích của số hàng này là để hỗ trợ các máy bay chiến đấu F-16 tấn công các phiến quân ở trong lãnh thổ Pakixtan trong nỗ lực bình ổn Ápganixtan. Khi đó, Mỹ có thể ném bom và không may giết hại dân thường Pakixtan nhưng vẫn được bưng bít giúp để tránh tạo ra cuộc khủng hoảng với công chúng”.
Manning cho rằng chính quyền Mỹ đang lừa dối công chúng khi chỉ thông tin cho họ một phần của sự thật để đạt mục đích của mình. Manning viết: “Mọi thứ đã bắt đầu chán chường. Tôi nhìn mọi thứ khác hẳn”.
Nội dung các cuộc trò chuyện giữa Manning và Lamo - lần đầu tiên do tạp chí Wired tiết lộ ngày 10/6/2010, sau đó là phiên bản đầy đủ hơn do trang boingboing.net và tờ Washington Post (Bưu điện Washington) công bố, nhưng đã được Lamo, qua tạp chí Wired, biên tập lại hầu hết những câu trả lời của anh ta - cho thấy Manning đang rất tuyệt vọng và thiết tha được thổ lộ với bất kỳ ai. Hãy xem một đoạn hội thoại của Manning với Lamo:
(13:56:24) Manning: Mình chắc là bạn khá bận...
(13:58:31) Manning: Nếu bạn tiếp cận được kho tài liệu mật 14 giờ mỗi ngày và 7 ngày trong tuần trong khoảng thời gian 8 tháng, bạn sẽ làm gì?
(13:58:31) Adrian Lamo: Mệt mỏi quá!
(14:17:29) Manning: ?
Hôm sau, Manning cố gắng thử lại lần nữa bằng một câu hỏi: “Nếu bạn được tự do tiếp cận một mạng bí mật trong thời gian dài, từ 8 đến 9 tháng, bạn nhìn thấy những thứ không thể tin nổi, những thứ ghê tởm và đáng ra dân chúng cần được biết chứ không phải chỉ lưu ở máy chủ nằm trong một phòng tối ở Oasinhtơn… bạn sẽ làm gì?” Nhưng câu hỏi này chỉ nhận được câu trả lời vu vơ của Lamo: “Thế nào cơ? Bạn vẫn ở đó đấy à?”
Rồi Manning nói với giọng nghiêm trọng hơn: “Giả dụ một ai đó mà mình biết khá rõ, đã xâm nhập vào mạng bí mật của chính phủ, tải xuống những tài liệu mật như đã mô tả ở trên, chuyển dữ liệu này sang một máy tính mạng bình thường, phân loại chúng, nén chúng lại và mã hóa trước khi chuyển qua mạng cho một gã người Ôxtrâylia tóc trắng điên rồ”.
Đọc lời thoại, cứ như là Manning đang chờ đợi để kể với ai đó mọi thứ anh ta biết. Và những lời bộc bạch với Lamo đã làm Manning nhẹ người.
Đầu tiên, Manning kể với Lamo về các bức điện tín ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ rồi giải thích: “Mình chỉ là nguồn tin, cũng không hẳn là một tình nguyện viên của WikiLeaks. Mình đã có quan hệ với Assange, nhưng mình không biết gì hơn ngoài những thứ anh ta nói với mình”.
Manning còn kể với Lamo rằng anh ta đã kiểm tra chéo một số thông tin mà Assange đã nói với anh ta như Assange đã bị theo dõi ở Thụy Điển và hiện vẫn đang bị theo dõi. Manning cũng kể với Lamo về những hướng dẫn từ người trong nội bộ WikiLeaks để liên lạc với Assange, và giải thích lý do tại sao anh ta quyết định tiết lộ đoạn phim tuyệt mật mà sau đó được WikiLeaks biên tập thành “Thảm sát tập thể”.
Sau này, những cuộc trò chuyện giữa Manning và Lamo đã được sử dụng làm bằng chứng để buộc tội Manning tiết lộ thông tin mật cho Wikileaks. Một số nhà phân tích cho rằng, nội dung các cuộc trò chuyện này, do Lamo cung cấp, chưa thể khẳng định được tính chính xác; nhiều chỗ đã bị Lamo chỉnh sửa trước khi cung cấp cho nhà chức trách. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng, Lamo - kẻ từng công khai là người đồng tính - đã lợi dụng điểm chung này để có được sự tin tưởng của Manning.
Quang Tuyến (tổng hợp)
Đón đọc kỳ 3: Những chiến tích của Bradley Manning