Ngụy trang trong kỷ nguyên tàng hình - Kỳ II:

Sự hình thành lịch sử ngụy trang quân sự hiện đại thời kỳ đầu gắn liền với một loạt nhân vật ở làng Greenwich thuộc New York, Mỹ. Năm 1917, Hiệp hội Ngụy trang New York, một tổ chức dân sự không chính thống, đã được thành lập tại khu vực của giới nghệ sĩ ở Manhattan và trên cơ sở đó đã hình thành nên công ty ngụy trang đầu tiên của Lục quân Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ 1. Tổ chức này đã tuyển mộ các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà minh họa, nhà trang trí nội thất, người làm vườn, nhà thơ, đạo diễn sân khấu và kiến trúc sư để thiết kế đồ ngụy trang.


 

Quân phục kiểu “da cóc” của binh lính Mỹ.

Khi Mỹ tham chiến năm 1917, một trong số những dân thường tình nguyện góp phần thành lập một đơn vị ngụy trang là đạo diễn sân khấu Homer Saint-Gaudens, con trai của nhà điêu khắc Augustus Saint-Gauden theo trường phái Beaux-Arts. Khi Chiến tranh Thế giới thứ 1 nổ ra, Homer, khi đó là một trung tá, được đưa lên làm chỉ huy nhánh ngụy trang của Lục quân.


Mặc dù vậy, những nhân vật nghiệp dư không được công nhận một cách rộng rãi. Trong một bài viết năm 1940, Hugh B. Cott, một nhà động vật học người Anh có uy tín trong lĩnh vực ngụy trang tự nhiên và quân sự, đã mỉa mai rằng “việc nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực ngụy trang hiện nay chủ yếu bị giới nghệ sĩ chi phối hoặc phụ thuộc vào những công chức và sĩ quan quân đội cũng như bị những người không được đào tạo về ngành khoa học cần thiết và thiếu kiến thức về các nguyên tắc cơ bản liên quan trong lĩnh vực sinh học và tâm lý học kiểm soát. Kết quả là, phần lớn những nỗ lực ngụy trang đều thất bại hoàn toàn”. Tuy nhiên, ông Cott có lẽ sẽ hài lòng khi biết rằng chính biên tập viên của tạp chí “Better Homes and Gardens” đã phát triển mẫu ngụy trang cho đồng phục của lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, được biết đến với kiểu dáng “da cóc”. Nhiều khả năng người này đã lấy cảm hứng thiết kế từ da cóc và ếch nhái được phát hiện xung quanh các ngôi nhà và khu vườn nơi ông tác nghiệp.


 

Máy bay CH-146 Griffon của Canađa ngụy trang kiểu phá nét.

Thậm chí danh họa Pablo Picasso cũng lên tiếng. Ông gợi ý các binh sĩ nên mặc những bộ đồ trang trí hình những viên kim cương giống như những vai hề mà ông vẽ. Mặc dù vậy, Picasso có thể đã không biết đến “kiểu ngụy trang hình thoi” sặc sỡ của chiến đấu cơ Đức trong Chiến tranh thế giới thứ I. Sở dĩ có tên như vậy bởi mẫu ngụy trang này mang những hình đa giác nhiều màu sắc đan xen nhau, rất giống với trang phục của một chú hề.


Trên thực tế Picasso hoàn toàn đúng. Ông và bạn là một họa sĩ lập thể đã phát triển một kiểu sơn màu và các dạng hình học khiến người xem khó có thể nhận ra hình ảnh trong hậu cảnh, đồng thời tạo chiều sâu của tranh vẽ bằng việc lồng ghép các hình vào nhau. Giảng viên bộ môn nghệ thuật người Áo Anton Ehrenzweig nhận xét: “Cách vẽ tranh lập thể khiến mắt không thể tập trung vào những điểm ổn định mà bố cục có thể được tổ chức xung quanh đó”. Các chuyên gia ngụy trang đã nhanh chóng chú ý đến lý thuyết này.


Picasso từng đề xuất binh sĩ mặc đồng phục in hình kim cương giống những vai hề mà ông vẽ.

Họa sĩ và nhà tự nhiên học người Mỹ Abbott Thayer đã đề xuất khái niệm sơn màu phá nét. Ông nhận thấy trong khi một số động vật ẩn mình một cách hoàn hảo vào môi trường xung quanh thì những loài khác đã biến đổi theo những cách khác nhau. Theo đó, các mảng màu trên cơ thể chúng tạo ra một kiểu hiệu ứng thị giác xóa nhòa đường nét ngoài của cơ thể giúp chúng lẫn vào cảnh vật và khiến kẻ thù khó có thể phát hiện từ xa. Do đó kiểu sơn màu phá nét này đã trở thành nguyên tắc cơ bản của ngụy trang hiện đại.


Tuy nhiên, trong Chiến tranh Thế giới thứ 1, người ta vẫn chưa nghĩ đến thực tế là kiểu ngụy trang phá nét không chỉ áp dụng được đối với tàu chiến và phương tiện vận chuyển mà với cả binh lính. Quân đội các nước vẫn mặc những loại đồng phục đơn sắc, chẳng hạn như đồng phục màu xanh xám của lính Đức. Người Anh không thay thế hoàn toàn đồng phục quân đội chính thức màu đỏ cho đến giai đoạn chuyển giao thế kỷ, khi họ chuyển sang khaki, một từ trong tiếng Hindi-Urdu có nghĩa là màu bụi. Quân đội Anh bắt đầu sử dụng đồng phục khaki vào giữa thế kỷ 19 ở miền bắc Ấn Độ. Trong khi đó, người Pháp ban đầu mặc quần màu đỏ khi chiến đấu trong Chiến tranh Thế giới thứ 1 vì thích sự kiểu cách. Tuy nhiên sau đó, họ đã nhanh chóng chuyển sang loại quần màu xanh nhạt.


Năm 1917, binh sĩ Đức bắt đầu sơn mũ của họ theo kiểu màu sáng phá nét. Đây là trường hợp duy nhất về việc ngụy trang đồng phục của Đức trong cuộc chiến này, vì quân đội Đức vẫn chủ yếu quan tâm đến ngụy trang cho xe tăng, máy bay và các mục tiêu nổi bật khác.


Đối với người bình thường thì ngụy trang quân sự chủ yếu dựa trên những bài học rút ra từ thế giới tự nhiên. Đó là những con côn trùng giả cành cây, bọ cánh cứng giống vỏ cây, chim cú vọ ẩn mình trong tán lá. Nhưng những bài học đó chỉ có thể áp dụng với các tay súng bắn tỉa nằm bất động. Họ đôi khi mặc những bộ đồ làm từ cành lá để lẫn vào cảnh vật xung quanh. Kiểu trang phục này giống với một đống cỏ khô hoặc bất cứ những tán lá cành cây nào mà tình huống đặt ra. Một trong những lợi thế của bộ trang phục này là chúng được tạo nên từ cây cỏ sẵn có trong tự nhiên chứ không phải những chất liệu trong kho hậu cần.

 

Huy Lê

 

Ngụy trang trong kỷ nguyên tàng hình - Kỳ I
Ngụy trang trong kỷ nguyên tàng hình - Kỳ I

Ngụy trang giúp các binh sĩ hay vật thể lẫn vào môi trường xung quanh khi được quan sát từ bên ngoài. Nó không chỉ gây trở ngại cho đối phương trong chiến đấu mà còn khiến chính những người luôn trăn trở về mức độ hiệu quả và cách thức áp dụng phương pháp này phải lúng túng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN