Nguyễn Thị Minh Khai - nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường

“Vững chí bền gan ai hỡi ai Kiên tâm giữ dạ mới anh tài Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ Con đường cách mạng vẫn chông gai”


Đó chính là những vần thơ được viết bằng máu của Nguyễn Thị Minh Khai trong những ngày lao tù. Bà là một nữ chiến sĩ cộng sản tiền bối trên quê hương Xô viết, người đã làm rạng danh truyền thống cách mạng của phụ nữ Việt Nam.

Hình ảnh bộ tem “Chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai”. Ảnh: Phương Vy-TTXVN.

Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vĩnh, sinh ngày 1/11/1910 tại thành phố Vinh, Nghệ An, trong một gia đình công chức nhỏ. Năm 1924, Nguyễn Thị Minh Khai chuyển sang học lớp Nhất trường Cao Xuân Dục. Tại đây, bà được thầy giáo Trần Phú dạy học và giác ngộ cách mạng.

Từ đó, Nguyễn Thị Minh Khai tích cực tham gia các phong trào đấu tranh tại quê hương như: vận động học sinh bãi khóa, biểu tình đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Chu Trinh…

Hết lòng vì sự nghiệp cách mạng

Sau một thời gian được tuyên truyền, huấn luyện và thử thách, mùa hè năm 1927, Nguyễn Thị Minh Khai được giới thiệu vào Hội Hưng Nam, sau này là Tân Việt cách mạng đảng - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi được bầu vào Ban Chấp hành tỉnh bộ Nghệ An, phụ trách công tác phụ nữ.

Đọc các bài đăng trên “Tuần báo Thanh niên” giới thiệu về vai trò người phụ nữ Liên Xô dưới chế độ Xô Viết, Nguyễn Thị Minh Khai đã liên hệ đến thân phận và cuộc sống tủi nhục của người phụ nữ Việt Nam.

Bà tự hỏi: “Tại sao người phụ nữ nước Nga có đến hàng trăm, hàng ngàn người làm Nghị viện mà phụ nữ nước ta lại không được hưởng một chút tự do, bình đẳng?...”.

Trong cuộc vận động của Tổng bộ để hợp nhất các tổ chức cách mạng, bà phát biểu: “Nhân dân Việt Nam bị thực dân Pháp áp bức bóc lột, tại sao không đoàn kết để đánh đổ nó đi”.

Đầu năm 1929, được sự đồng ý của tổ chức, Nguyễn Thị Minh Khai rời gia đình đi hoạt động cách mạng, rồi được tổ chức cử sang làm việc tại Văn phòng chi nhánh Đông Phương Bộ của Quốc tế cộng sản tại Hương Cảng (Trung Quốc).

Chính tại nơi đây, bà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giáo dục về lý luận chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Nguyễn Thị Minh Khai hiểu ra rằng “Người làm cách mạng có lý luận cách mạng chẳng khác gì người đi trong đêm tối có bó đuốc soi đường”.

Năm 1931, Nguyễn Thị Minh Khai bị bọn mật thám Anh ở Hương Cảng bắt giam, chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu cầm tù. Dù bị tra tấn tàn bạo, nhưng bà vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Nhờ sự vận động của Quốc tế cộng sản, bà đã được trả tự do.

Cuối năm 1934, Nguyễn Thị Minh Khai cùng các đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn được cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội lần thứ bảy của Quốc tế cộng sản tại Mạc Tư Khoa. Những ngày tháng ở nước Nga là những ngày tình yêu giữa Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong nảy nở. Họ tổ chức một lễ kết hôn giản dị, ấm tình đồng chí.

Tháng 7 năm 1935, Đại hội khai mạc. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã đọc bản tham luận về “Vai trò phụ nữ Đông Dương tham gia đấu tranh cách mạng”.

Lần đầu tiên trên diễn đàn Quốc tế cộng sản, một phụ nữ phương Đông, một nữ đảng viên ở Việt Nam cất tiếng nói dõng dạc vạch trần chính sách xâm lược của bọn thực dân Pháp đối với Đông Dương, tố cáo tội ác dã man của bọn cướp nước, nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng của phụ nữ Đông Dương, trong đó phụ nữ Việt Nam có đóng góp phần quan trọng.

Tiết mục sân khấu hóa hình tượng Liệt sĩ- nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Năm 1936, Nguyễn Thị Minh Khai về nước. Bà được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và kiêm chỉ đạo trực tiếp Nhà máy Đóng tàu Ba Son và Công ty Hỏa xa Sài Gòn. Nhận nhiệm vụ mới, hoạt động trong điều kiện bí mật hết sức khó khăn nhưng Nguyễn Thị Minh Khai vẫn cùng các đồng chí vẫn bám sát cơ sở, lãnh đạo phong trào phát triển mạnh mẽ.

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung


Ngày 30/7/1940, Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Pháp bắt giam ở bốt Catina. Mặc dù bị tra tấn dã man, bà vẫn nghiến răng chịu đựng, cương quyết không khai ngay từ đầu và khẳng định: “Dù đánh, dù treo, càng kiên quyết/ Dù kìm, dù kẹp, chẳng sai lời/Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ/Triệt để thực hành chết mới thôi”.

Tra tấn mãi không được một lời khai, địch giam bà vào khám Phú Mỹ. Trong tù, bà tiếp tục vận động chị em phụ nữ đấu tranh, đồng thời còn lấy máu mình viết lên cánh cửa phòng giam những dòng thơ khí tiết cách mạng: "Vững chí bền gan ai hỡi ai/Kiên tâm giữ dạ mới anh tài/Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ/Con đường cách mạng vẫn chông gai".

Không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi, sáng ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã xử bắn Nguyễn Thị Minh Khai cùng một số đồng chí lãnh tụ trung kiên của Đảng.

Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống khi mới 31 tuổi trong niềm tiếc nuối của Xứ ủy Nam Kỳ và của nhân dân. Năm 2005, đạo diễn NSND Bạch Diệp đã khắc họa thành công tấm gương liệt sỹ với bộ phim cùng tên "Nguyễn Thị Minh Khai".

Ngô Trọng Bình (TTXVN)
Cách mạng tháng Tám - điểm khởi đầu của tiến trình hội nhập quốc tế (Phần cuối)
Cách mạng tháng Tám - điểm khởi đầu của tiến trình hội nhập quốc tế (Phần cuối)

Đến nay, vừa tròn 20 năm (1995 - 2015) Việt Nam triển khai đường lối hội nhập quốc tế, đạt được nhiều thành tựu cả về bề rộng lẫn bề sâu, trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN