Trên trang responsiblestatecraft.org mới đây, Tiến sĩ Ted Galen Carpenter, nghiên cứu viên cao cấp về quốc phòng và chính sách đối ngoại tại Viện Cato ở Washington (Mỹ), nhận định: Các quan chức Mỹ và NATO, cũng như hầu hết các phương tiện truyền thông phương Tây, cho rằng Nga là nguyên nhân gây ra cuộc đối đầu căng thẳng hiện nay. Họ nêu bốn hành động của Nga khiến căng thẳng Đông-Tây gia tăng nghiêm trọng. Thứ nhất, năm 2008, Nga “xâm lược” Gruzia. Thứ hai, năm 2014, Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine. Thứ ba, chỉ vài tháng sau, Nga “hậu thuẫn” cuộc nổi dậy ly khai ở khu vực Donbas, miền Đông Ukraine và điều quân đến hỗ trợ cuộc nổi dậy. Trong những năm tiếp theo, Chính phủ Nga đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ đang xấu đi “bằng cách can thiệp vào các vấn đề chính trị nội bộ của nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ”.
Những cáo buộc đó có thể có một phần sự thật, nhưng tất cả đều lờ đi bối cảnh quan trọng. Ví dụ, sự kiện Gruzia năm 2008 chỉ xảy ra sau khi quân đội Gruzia nã đạn vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga vốn ở khu vực ly khai Nam Ossetia từ đầu những năm 1990. Thậm chí, một cuộc điều tra của Liên minh châu Âu (EU) đã kết luận rằng các lực lượng Gruzia đã khơi mào cuộc giao tranh. Xung đột cũng xảy ra phần lớn vì khi đó Tổng thống Mỹ George W. Bush khuyến khích Tổng thống Gruzia, Mikheil Saakashvili, tin rằng Mỹ và NATO sẽ hỗ trợ nếu nước này bị lôi kéo vào một cuộc xung đột với Nga.
Việc Nga sáp nhập Crimea cũng xảy ra sau khi Mỹ và các đồng minh chủ chốt của EU hỗ trợ người biểu tình lật đổ Tổng thống đắc cử Ukraine, Viktor Yanukovych. Cuộc đảo chính được che đậy đó khiến Nga lo ngại rằng Ukraine sắp trở thành một tiền đồn quân sự của NATO và Nga mất quyền tiếp cận căn cứ hải quân quan trọng ở Sevastopol trên bán đảo Crimea.
Có thể nói, phương Tây thường đưa ra các cáo buộc một chiều về hành vi của Nga, nhưng luôn phớt lờ nhiều hành vi khiêu khích của mình trước khi Nga thực hiện các hành động phản ứng. Theo Tiến sĩ Carpenter, dưới đây là một số hành động khiêu khích của phương Tây đối với Nga kể từ thời Tổng thống Mỹ Bill Cliton.
Một là sự mở rộng đầu tiên về phía Đông của NATO. Trong cuốn hồi ký “Madame Secretary”, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và Ngoại trưởng Madeleine Albright thừa nhận rằng, năm 1993, các quan chức Chính quyền Clinton đã quyết định ủng hộ một số quốc gia Trung và Đông Âu gia nhập NATO. Sau đó, Liên minh này đã kết nạp thêm Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary năm 1998. Bà Albright thừa nhận rằng Tổng thống Nga Boris Yeltsin và các quan chức Nga rất không hài lòng với diễn biến đó. Phản ứng của Nga là dễ hiểu, vì việc mở rộng đã vi phạm những cam kết không chính thức mà Chính quyền của Tổng thống George HW Bush đã đưa ra khi ông Mikhail Gorbachev đồng ý không chỉ chấp nhận một nước Đức thống nhất mà còn là một nước Đức thống nhất trong NATO. Thỏa thuận ngầm ở đây được hiểu là NATO sẽ không vượt ra ngoài biên giới phía Đông của một nước Đức thống nhất.
Hai là sự can thiệp quân sự của NATO ở Balkan. Cuộc không kích của NATO năm 1995 nhằm vào những người Serbia ở Bosnia đang tìm cách ly khai khỏi Bosnia-Herzegovina cùng với việc áp đặt Hiệp định Hòa bình Dayton đã khiến Chính phủ của Tổng thống Yeltsin và người dân Nga không hài lòng. Balkan từng là khu vực có lợi ích chiến lược với Nga trong nhiều thập kỷ. 4 năm sau, các cường quốc phương Tây đã tiến hành một cuộc khiêu khích thậm chí còn lớn hơn khi họ can thiệp nhân danh một cuộc nổi dậy ly khai ở tỉnh Kosovo của Serbia. Việc tách tỉnh đó khỏi Serbia và đặt nó dưới sự kiểm soát của Liên hợp quốc không chỉ đặt ra một tiền lệ quốc tế không tốt, mà động thái này còn thể hiện sự coi thường các lợi ích và ưu tiên của Nga ở Balkan.
Chính các quyết định của Chính quyền Clinton về việc mở rộng NATO và can thiệp vào Bosnia và Kosovo là những bước đi quan trọng dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới với Nga. Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Xô Jack F. Matlock Jr. trích dẫn tác động tiêu cực mà sự mở rộng của NATO và các cuộc can thiệp quân sự do Washington dẫn đầu ở Balkan: “Lòng tin của người Nga đối với Mỹ đã bị hủy hoại. Năm 1991, các cuộc thăm dò chỉ ra rằng khoảng 80% công dân Nga có cái nhìn thiện cảm về Mỹ; nhưng đến năm 1999, gần như cùng một tỷ lệ phần trăm có quan điểm tiêu cực”.
Ba là làn sóng mở rộng tiếp theo của NATO. Sau khi Chính quyền Clinton mở rộng NATO sang Trung Âu, Chính quyền George W. Bush đã thúc đẩy các đồng minh kết nạp thêm một số nước từng thuộc Hiệp ước Warsaw (Liên Xô, Ba Lan, Bulgaria, Đông Đức, Hungary, Romania và Tiệp Khắc) còn lại và ba nước cộng hòa Baltic. Việc kết nạp các nước Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia năm 2004 đã làm leo thang đáng kể sự xâm lấn quân sự của phương Tây. Nga mặc dù vẫn còn yếu để thực hiện các hành động phản đối ngoại giao, nhưng mức độ tức giận trước hành động coi thường lợi ích an ninh của Nga một cách ngạo mạn của phương Tây đã tăng lên.
Việc tiếp tục mở rộng NATO tới biên giới của Nga không phải là hành động khiêu khích duy nhất. Mỹ đã tăng cường việc triển khai “luân phiên” các lực lượng quân sự của mình trong các thành viên NATO mới. Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khi đó cũng bày tỏ lo lắng rằng những hành động như vậy đang tạo ra căng thẳng nguy hiểm. Bài phát biểu vào tháng 2/2007 của ông Putin tại Hội nghị An ninh Munich thường niên cho thấy rõ ràng rằng sự kiên nhẫn của Điện Kremlin đối với sự kiêu ngạo của Mỹ và NATO sắp “vượt qua giới hạn đỏ”. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Bush vẫn tìm cách đảm bảo tư cách thành viên NATO cho Gruzia và Ukraine - một chính sách mà những người kế nhiệm ông vẫn tiếp tục thúc đẩy, bất chấp sự phản đối từ Pháp và Đức.
Bốn là phương Tây coi Nga là kẻ thù ở Ukraine và các nơi khác. Bất chấp những cảnh báo từ Nga, các nhà lãnh đạo phương Tây tiếp tục có các hành động khiêu khích. Mỹ và các cường quốc chủ chốt trong NATO đã lờ đi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (và một số quyền phủ quyết của Nga) vào đầu năm 2008 công nhận Kosovo độc lập hoàn toàn. Ba năm sau, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã lừa dối các quan chức Nga về mục đích của một nhiệm vụ quân sự nhân đạo của Liên hợp quốc ở Libya, thuyết phục Nga từ bỏ quyền phủ quyết của mình. Nhiệm vụ nhanh chóng biến thành một cuộc chiến thay đổi chế độ do Mỹ lãnh đạo nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Qaddafi. Ngay sau đó, Mỹ đã phối hợp với các cường quốc Trung Đông trong một chiến dịch nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Syria, Bashar al-Assad. Tiếp theo là sự can thiệp nghiêm trọng của Mỹ-EU vào chính trị nội bộ của Ukraine.