Nhớ mãi nhà báo Nguyễn Văn Linh

Nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam và 100 năm Ngày sinh của Cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, tôi xin ghi lại một kỷ niệm nhỏ làm báo chí cách mạng có liên quan đến tác giả Nguyễn Văn Linh.


Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trả lời báo chí sau khi bế mạc Đại hội VI.


Lúc đầu chuyên mục lạ trên báo “Nói đi đôi với làm” và sau đó là “Những việc cần làm ngay” thời kỳ đầu đổi mới. Đối với tôi chuyên mục “nói đi đôi với làm” cũng như “ những việc cần làm ngay” không chỉ là phát pháo lệnh đổi mới cơ chế, đổi mới tư duy kinh tế mà còn là phát pháo lệnh đổi mới thông tin báo chí cách mạng.

Riêng cá nhân tôi, nghề làm báo cách mạng có nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có nhưng ấn tượng nhất và lòng tôi cứ nhớ mãi nhà báo tác giả NVL. Bởi không có nhà báo tác giả NVL lên tiếng chỉ đạo “Những Việc cần làm ngay” thì bạn bè, đồng nghiệp của tôi đã từng nói “mầy tiêu đời rồi”.

Dù thời điểm đó ngành ta không có định mức, không có giải thưởng, không lên lương, lên chức mà còn “sắp chết” với các ông lãnh đạo địa phương và Bộ ngành có liên quan.

Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), công cuộc đổi mới bắt đầu, tư duy cũ, tư duy mới đan xen; cơ chế cũ quan liêu bao cấp, cơ chế nhiều thành phần kinh tế gắn với thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đan xen… Trong bối cảnh như vậy, nhà báo cách mạnh phải ủng hộ công cuộc đổi mới bằng mắt thấy tai nghe, bằng thực tế cuộc sống.

Sau này có từ hay hơn đó là “đưa nghị quyết vào cuộc sống”. Trên đường đi công tác từ Thị xã Bạc Liêu đến Thị xã Cà Mau, rồi từ Thị xã Cà Mau xuống Thị trấn Năm Căn (lúc đó là tỉnh Minh Hải) phải mất 2 ngày đi, một ngày đi xe đò, một ngày đi tàu thủy.

Trên đường đi xe đò chạy một đoạn ranh giới hành chính xã, huyện, tỉnh đều dừng lại để thuế vụ, quản lý thị trường và có lúc cảnh sát giao thông phối hợp lục xét bộ hành; bất cứ ai, cán bộ, thường dân đều bị mở cặp, mở bao, mở túi …

Hễ có 10 kg gạo, 1 kg tôm khô, 1 kg thịt heo… phải có giấy Thư ký UBND tỉnh phê duyệt (Thư ký như Chánh văn phòng bây giờ) thừa thì bị tịch thu. Tỉnh này qua tỉnh kia, huyện này qua huyện kia, xã này qua xã kia phải được UBND cấp đó phê duyệt mới cho đi, không có bị tịch thu, lập biên bản, nộp thuế...

Tình cảnh lúc đó kể lại bây giờ chắc chắn các nhà báo thế hệ sau này không thể hiểu hết. Địa giới hành chính tỉnh này qua tỉnh kia có trạm, huyện này qua huyện kia có trạm, xã này qua xã kia có trạm; rồi thêm trạm liên ngành, lưu động, trạm khu vực.

Đường sông, đường bộ đều có trạm kiểm soát như nêu trên. Hộ gia đình nào có lúa sau khi làm nghĩa vụ nộp thuế muốn xây chà gạo để ăn phải có giấy xin phép và được chủ tịch xã phê duyệt…

Trong khi đó, Chỉ thị 80 của HĐBT (Hội Đồng Bộ Trưởng) lúc đó ban hành là “xóa trạm kiểm soát, xóa cấm chợ ngăn sông”, tạo cho hàng hóa lưu thông nông thôn và đô thị… Nghị quyết của Đại hội VI là phải đổi mới tư duy, xóa cơ chế quan liêu bao cấp…

Nhưng thực tế có nghị quyết, có chỉ thị cấp trên nhưng các địa phương vẫn cứ thực hiện theo cơ chế cũ từng địa phương, ngành dọc của mình. Sản xuất đình trệ, hàng hóa không lưu thông được vì trạm, đời sống dân nông thôn, đô thị đều gặp khó khăn...

Nhưng không ai dám lên tiếng, cam chịu vì nói sẽ cho là chống lại, lúc đó địa phương ngành dùng từ chống lại “chế độ”. Dù cán bộ đương chức hay dân thường thì coi như “toi” cuộc đời.

Khi xuống Năm Căn tôi nghe và trực tiếp gặp luôn nạn nhân là tàu chở hành khách và hàng thủy sản tôm, cá , cua…không ghé trình Trạm Cái Nãy, Cái Keo thì thuế vụ cùng các lực lượng liên ngành trên dùng súng tiểu liên AK bắn, và cả súng ngắn K54 bắn chỉ thiên, không dừng thì bắn xối xả vào mũi tàu khách đe dọa tài công để phải dừng tàu lại... và đã gây tại nạn cho bộ hành.

Tôi nghe xong, xuống gặp chủ tàu đò MH 25 vừa bị trạm liên ngành đường sông tuyến Rạch Tàu-Cà Mau bắt tàu dừng lại, rồi lấy hàng thủy sản của dân chuyển ra Cà Mau không lập biên bản; gặp tài công lái tàu kể lại, ghi chép trực tiếp xem hiện trường, vết đạn từ phía sau tàu bắn tới gây thương tích cho khách bộ hành và đã tử vong người trên đường đi cấp cứu.

Hồi đó không có máy ảnh, máy quay phim như bây giờ chỉ ghi vết đạn từ đuôi tàu vào bao nhiêu mét… Khi về đến cơ quan Phân xã Minh Hải tôi đánh máy chữ “Vẫn còn cấm, chợ ngăn sông”. Nội dung tôi kể những gì mắt thấy tai nghe và phát moóc-sơ về TTXVN – Hà Nội.

Sáng hôm sau tôi nghe thời sự buổi sáng Đài tiếng nói Việt Nam đọc bài báo của mình. Rồi báo Tuần Tin Tức- TTXVN đăng số 22 ngày 30/5/1987. Các cơ quan ban ngành và nhân dân xôn xao về Minh Hải cấm chợ ngăn sông? Nhưng lúc đó tin bài TTXVN không có tên tác giả như bây giờ chỉ đề PV.

Trong khi một số đồng nghiệp biết tác giả là tôi thì hầu hết cho rằng “mầy tiêu đời rồi”. Nghe nói đâu trung ương điện xuống các ngành phải làm rõ nội dung bài báo trên báo Tuần Tin Tức để báo cáo cho lãnh đạo cấp cao và phải xử lý nghiêm minh nếu nội dung là sự thật còn không thì “mầy tiêu đời rồi !”.

Đang lo không biết thế nào thì ngày 11/6/1987 Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân, Báo Sài Gòn Giải Phóng… đăng bài với dòng chữ lớn “Những Việc Cần Làm Ngay” của tác giả NVL. Chỉ đạo rất cụ thể về việc thiệt hại kinh tế, nỗi khổ của dân về cấm chợ ngăn sống như thế nào, phân tích hàng hóa phải lưu thông ra làm sao, và phải xử lý như thế nào…

Có dùng từ theo tôi thời điểm là rất nặng “ăn cướp của dân”. Và đăng luôn nội dung bài báo của tôi dưới bài của tác giả NVL. Lúc đó tôi chưa biết NVL là ai nhưng nghĩ chắc ông này là lãnh đạo cao cấp…

Tuần sau,Tỉnh ủy ,UBND tỉnh Minh Hải (nay tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) lập một đoàn Thanh tra - kiểm tra rất hùng hậu các ngành như: Viện Kiểm sát, Thanh tra, công an, Bộ đội Biên phòng… chia nhiều nhóm đi xác minh điều tra…

Gần 2 tuần sau đoàn thanh tra liên ngành xác minh bài báo của tôi không chỉ đúng sự thật mà còn hơn thế nữa: Các mũi của đoàn thanh tra chứng kiến cảnh ban đêm đường bộ, đường sông võ lải đuổi theo tàu đò, xe con đuổi xe đò, xe hàng chuyển hàng … bắn chỉ thiên bắt phương tiện giao thông phải dừng lại để lục soát hàng hóa, khám xét bộ hành… và được báo cáo về trên.


Lòng tôi nhẹ nhõm vì bài báo của tôi đã được kết luận là có thật. Và tôi cứ nhớ mãi tác giả NVL đưa vào mục “những việc cần làm ngay” không chỉ tỉnh Minh Hải mà các tỉnh thành trong cả nước chấm dứt việc cấm chợ ngăn sông.

Từ bài báo của Tuần Tin Tức-Thông tấn xã Việt Nam, sau đó các báo khác đăng lại, cả miền Tây và cả ĐBSCL, cũng như cả nước không còn trạm ngăn sông cấm chợ nữa; kể cả trạm nổi tiếng ĐBSCL thời bấy giờ là Tân Hương –Tiền Giang, Trạm 24 Minh Hải-Hậu Giang… đều bị dẹp.

Hàng hóa nông sản, thủy sản, công nghệ phẩm lưu thông thông suốt, nông dân, tiểu thương, công thương… mặt tươi như hoa. Khi hàng hóa được lưu thông trên các tuyến đường bộ, đường sông giao lưu với các đô thị, nhất là TP Hồ Chí Minh nhân dân không còn nỗi khổ nữa.

Nếu như không có bài báo của tác giả NVL thì đời làm báo của tôi có khả năng chấm dứt từ bài báo “Cấm chợ ngăn sông” vì địa phương có quyền của địa phương, ngành dọc có thống ngành dọc “quyền năng muôn trượng”. Và sự thật diễn ra có được làm rõ hay họ báo cáo không đúng như bài báo mình nêu dù là một từ, một đoạn không có thật. Mặc dù nội dung tôi lược đi rất nhiều so với thực tế đã diễn ra.

Tôi nhớ mãi tác giả NVL không phải có bài báo ủng hộ tôi mà tác giả NVL là một lãnh đạo có tư duy sâu sắc tuyệt vời, hiểu rất sâu tác phẩm báo chí cũng như người làm báo chúng ta. Và tác gia NVL tin tưởng tuyệt đối vào phóng viên, nhà báo, nhất là phóng viên TTXVN, nguồn thông tin của TTXVN chúng ta.

Từ đó tôi càng thấm thía hơn câu Bác dạy “Nhà báo là chiến sĩ, cây bút trang giấy là vũ khí của họ”. Bởi nhà báo chúng ta, phản ánh sự thật, nói sự thật từ cuộc sống thực tiễn, không nói suông minh họa, một chiều cái gì cũng tốt hay cái gì cũng xấu, từ ngữ cụ thể không “đâm mây, chém gió” lấy lòng cấp trên...

Cũng qua bài báo này, tôi thấy lãnh đạo cấp nào cũng rất cần thông tin sự thật từ cuộc sống. Từ đó lãnh đạo đất nước, lãnh đạo nhân dân xóa những gì không còn phù hợp, phát huy những điển hình, mô hình mới sáng tạo của dân để nhân rộng dìu dắt dân tộc ta, nhân dân ta tiến lên phía trước.

Gần 30 năm trôi qua, gần 30 năm đổi mới nhưng tôi vẫn nhớ mãi nhà báo tác giả NVL viết ngắn gọn, xúc tích cụ thể chỉ có khoảng trên dưới 350 từ mà toát lên một vấn bức xúc xã hội lúc bấy giờ, tưởng chừng như không dẹp nổi. Nội dung chỉ đạo từ nguồn thông tin của báo Tuần Tin Tức-TTXVN của chúng ta.

Và sau đợt thanh tra, kiểm tra nội dung bài báo và thực tế đã được xử lý một cách triệt để. Cả nước không còn trạm ngăn sông cấm chợ, nhất là hàng hóa được lưu thông giữa nông thôn và đô thị, giá cả thị trường không còn nhảy múa khan hiếm…

Và lúc đó tôi mới biết đích thực cụ thể tác giả NVL chuyên mục “NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY” trên báo chính là đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kính yêu của chúng ta.

Trần Quốc Thái
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh:  Người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược

Không chỉ quan tâm đến đổi mới kinh tế, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh còn rất quan tâm đến công tác xây dựng đảng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN