Một mình cùng hai cận vệ, bà đã đến tất cả các trại giam, trại tập trung để tìm tung tích các đồng đội. Tháng 4/1945, Vera đọc được báo cáo của điệp viên Bernard Guillot, người đã trốn thoát khỏi nhà tù Buchenwald của Đức quốc xã. Guillot nói rằng ông đã bị bắt cùng với một nhóm các điệp viên, họ bị đưa lên tàu rời Pari sang Đức ngày 7/8/1944. Ông nhớ lại: “Ngoài đàn ông, có một nhóm 25 phụ nữ cũng bị đưa đi vào lúc đó”.
Trại tập trung Saarbrucken của Đức quốc xã. |
Nhóm đàn ông bị giam 4 ngày ở Saarbrucken, ở đó, 5 người bị trói thành một cụm và bị bắt nhảy vòng quanh theo những vòng tròn nhỏ cho tới khi tất cả cùng ngã xuống. Tới ngày thứ 4, họ bị giam trong một nơi được canh giữ nghiêm ngặt ở nhà ga Saarbrucken và được đưa tới Weimar bằng tàu hỏa, đi qua Franfurt và Kassel. Họ tới trại tập trung Buchenwald ở gần Weimar lúc nửa đêm ngày 16 - 17/8/1944.
Lúc đầu, tưởng rằng họ bị xử tử trong các buồng hơi ngạt nhưng điều này đã không xảy ra. Thay vào đó, họ bị tịch thu mọi tài sản có trên người, tóc bị cắt ngắn và được tẩy uế. Trong đêm ngày 11 -12/9, họ đã bị treo cổ trong các buồng giam và bị thiêu xác sau đó. Hành động hành quyết này được thực hiện theo Chỉ thị SS của trùm phát xít Hitler.
Huân chương danh dự của Chính phủ Pháp tặng Vera. |
Chỉ thị này được đưa ra ngày 18/10/1942 với nội dung: “Tất cả kẻ khủng bố và phá hoại của Anh và tòng phạm, những kẻ không hành động như những người lính mà chỉ như những kẻ cướp sẽ bị binh sỹ Đức coi như những kẻ thù trên trận chiến và sẽ bị xóa sổ nếu được phát hiện”. Quân đội Anh đã giải phóng được trại tập trung Belsen ngày 15/4/1945, và Vera cũng nhận được tin tốt lành là vào ngày 3/5/1945, một phụ nữ người Anh trong một phái đoàn Chữ Thập đỏ đã đưa tất cả các tù nhân ra khỏi trại Ravensbruck.
Vera cũng đã tìm mọi cách để ghi nhận chiến công của những con người này. Vụ việc bắt đầu bằng việc giải quyết tranh cãi với Bộ Chiến tranh khi bộ này muốn xếp các điệp viên hy sinh vào diện “chết với tư cách là tù nhân chiến tranh”, trong khi Vera muốn xếp họ vào diện “hy sinh trên chiến trường”. Bà lý giải: “Một trong những rủi ro đặc biệt trong công việc của SOE là dù mang trên mình quần áo dân sự, nhưng họ có thể bị kẻ thù hành quyết… và cái chết của họ trực tiếp là do làm việc cho ta”. Sự khác nhau của việc xếp hạng này có ý nghĩa lớn vì thân nhân của những người đã “hy sinh trên chiến trường” được quyền nhận bồi thường lớn hơn những người đã “chết với tư cách là tù nhân chiến tranh”.
Bia tưởng nhớ Vera Atkins ở Staffordshire, Luân Đôn. |
Khi chiến tranh kết thúc, SOE đã hoàn thành sứ mạng của mình nên được giải thể trong bí mật năm 1945. Câu lạc bộ các lực lượng đặc biệt (SFC) được lập lên năm 1946 để gìn giữ lịch sử của SOE và hỗ trợ cho các thành viên của SOE còn sống.Vera Atkins vẫn được giữ lại để làm việc tại Tổng cục Tình báo Anh (MI-6). Năm 1947, Vera trở lại Anh sau khi dành thời gian đi tìm kiếm những đồng đội mất tích ở Đức. Năm 1949, tài năng và lòng can đảm của bà đã giúp cho MI-6 lần ra được một đường dây tổ chức cho các tên tội phạm chiến tranh người Đức, Italia, Tiệp Khắc đào thoát sang các quốc gia Nam Mỹ. Chính nhờ chiến công này mà Vera Atkins được trao tặng Huân chương Thánh George cao quý của Anh. Trước đó, năm 1948, để ghi nhận công lao của bà cho sự nghiệp giải phóng nước Pháp, Chính phủ Pháp đã trao tặng bà Huân chương danh dự.
Thế nhưng, chính sự nổi tiếng của bà đã khiến không ít kẻ ganh ghét. Năm 1952, Tổng cục An ninh Anh (MI-5) tiến hành điều tra Vera Atkins vì nghi vấn làm điệp viên nội ứng cho tình báo Rumani, một quốc gia XHCN Đông Âu. Sau đó bà còn bị cáo buộc làm điệp viên cho tình báo Liên Xô. Ngán ngẩm thời thế, năm 1953, ở tuổi 45, Vera Atkins rời MI-6 để trở về cuộc sống của một người dân bình thường.
Bà thuê một ngôi nhà nhỏ hẻo lánh ở vùng duyên hải xứ Wales để sinh sống. Ở đó, bà sống ẩn dật trong vài tháng, rất ít gặp gỡ người khác. Ở xứ Wales một thời gian, bà trở lại Luân Đôn và làm quản lý văn phòng cho Cơ quan Trung ương về trao đổi giáo dục của Anh.
Cũng vào thời điểm này, Vera lại được trọng dụng ở Cơ quan trung ương về trao đổi giáo dục và bà chuyển về một căn hộ gần trụ sở Câu lạc bộ các lực lượng đặc biệt. Trong nhiều năm sau đó, dù bận rộn với công việc trao đổi sinh viên nhưng Vera không bao giờ quên được SOE. Bà và những đồng đội cũ của mình đã vận động gây quỹ để xây dựng đài tưởng niệm các chiến sỹ đã ngã xuống của Đơn vị F thuộc SOE ở các trại tập trung trước đây của Đức quốc xã. Năm 1991, một bia tưởng niệm đặc biệt được dựng lên ở thị trấn Valenay của Pháp, ghi tên tất cả những điệp viên của Đơn vị F đã hy sinh.
Dù sau đó đã nghỉ hưu, bà vẫn không nhàn rỗi. Ở tuổi 70-80, Vera thường xuyên tham dự các bữa dạ tiệc ở Câu lạc bộ các lực lượng đặc biệt. Bà cũng giành nhiều thời gian du lịch khắp nơi trên thế giới.
Ngay sau khi kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của mình năm 1998, Vera phải nhập viện vì bị một bệnh nhiễm trùng. Sau khi hồi phục, bà được đưa về trung tâm dưỡng lão. Nhưng ở đó, bà bị ngã và vỡ xương hông. Vera được đưa trở lại bệnh viện nhưng bệnh cũ tái phát nặng hơn. Vera qua đời ngày 24/6/2000 ở tuổi 92.
Dù qua đời nhưng Vera ảnh hưởng lớn trong những câu chuyện về nghề điệp viên. Tuy không viết hồi ký, nhưng những cuộc trả lời phỏng vấn của bà với báo chí chính là tư liệu để cho ra đời trên 10 cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của người nữ điệp viên nổi tiếng, trong đó có hai cuốn đã được chuyển thể thành phim.
Quang Tuyến