Những câu hỏi về cái chết của một điệp viên tuyệt sắc

Những câu hỏi về cái chết của một điệp viên tuyệt sắc (kỳ 2)

Được mệnh danh là “Mata Hari của Viễn Đông”, Xuyên Đảo Phương Tử có một kết cục bi thảm không kém so với Mata Hari của phương Tây. Tuy nhiên, cái chết của nữ điệp viên tuyệt sắc của thế kỷ XX này đến nay vẫn gây tranh cãi bởi những câu hỏi khó có thể đưa ra được vế trả lời vẹn toàn.

Kỳ 2: Tội ác tày trời, tại sao khi bị tuyên ántử hình Xuyên Đảo Phương Tử vẫn mỉm cười?

Xuyên Đảo Phương Tử có một lai lịch rất phức tạp. Xuất thân quyền quý, thông minh lanh lợi và được cha là Túc thân vương Thiện Kỳ yêu quý nhất, nhưng Xuyên Đảo Phương Tử không an phận nữ nhi như bao cô gái đài trang khuê các khác. Bất chấp vẻ ngoài đầy quyến rũ và nề nếp gia giáo phong kiến, Xuyên Đảo Phương Tử sớm tuyên bố đoạn tuyệt với nữ tính, sống cuộc sống lang bạt kỳ hồ và đi theo tiếng gọi của bản năng.

Xuyên Đảo Phương Tử lúc còn nhỏ.


Năm sáu tuổi, Xuyên Đảo Phương Tử nhận Xuyên Đảo Lãng Tốc (Naniwa Kawashima), cố vấn người Nhật Bản của triều đình nhà Thanh, làm bố nuôi. Cũng trong năm đó, Hoàng đế Phổ Nghi buộc phải thoái vị. Nhà Thanh tới hồi diệt vong. Tuy nhiên, Túc thân vương Thiện Kỳ không chịu chấp nhận hiện thực đó, từ chối ký trên chiếu thư thoái vị của Phổ Nghi.

Vốn là một điệp viên Nhật Bản được cử đến Thượng Hải, ngoài việc tham gia thực hiện nhiệm vụ trinh thám tình hình bố phòng vùng bờ biển khu vực Hoa Đông của Trung Quốc, Xuyên Đảo Lãng Tốc còn phải tìm cách dựng ngọn cờ “Mãn Mông độc lập” (thực chất là phục vụ mưu đồ chia cắt đất nước Trung Quốc). Do đó, Xuyên Đảo Lãng Tốc đã cực lực lôi kéo Túc thân vương Thiện Kỳ. Nuôi giấc mộng khôi phục ngai vàng phong kiến, Túc thân vương Thiện Kỳ đã giao cô con gái rượu Ái Tân Giác La Hiển Dư (Xuyên Đảo Phương Tử) cho Xuyên Đảo Lãng Tốc dạy dỗ. Không lâu sau, Xuyên Đảo Phương Tử đi theo bố nuôi vượt biển sang Nhật Bản, bắt đầu cuộc sống hoàn toàn mới.

Ngay từ nhỏ, Xuyên Đảo Phương Tử đã bị Xuyên Đảo Lãng Tốc nhồi nhét tư tưởng “Mãn Mông độc lập”. Sang Nhật Bản, Xuyên Đảo Phương Tử lại thường xuyên gặp và nói chuyện với các nhân vật theo chủ nghĩa quân phiệt. Mưa dầm thấm lâu, không biết từ lúc nào mầm mống tư tưởng phản động đã nảy sinh ở Xuyên Đảo Phương Tử.

Năm 1922, Túc thân vương Thiện Kỳ mắc bệnh qua đời. Xuyên Đảo Phương Tử trở về nước chịu tang bố. Trong di thư, Túc thân vương Thiện Kỳ dặn dò con gái phải dốc lòng dốc sức vì sự nghiệp khôi phục nhà Thanh và thực hiện cho bằng được mục tiêu “Mãn Mông độc lập”. Lo liệu hậu sự cho bố xong, Xuyên Đảo Phương Tử lại đáp tàu sang Nhật Bản. Tâm tính của cô tiểu thư con nhà quyền quý cũng trở nên “dữ dằn” hơn.

Quyết định cắt đi mái tóc dài đen nhay nháy, để đầu con trai, Xuyên Đảo Phương Tử lao vào học cưỡi ngựa, bắn súng, lái xe và cả điều khiển máy bay cùng một loạt ngôn ngữ địa phương của Trung Quốc như tiếng Thượng Hải, tiếng Bắc Bình và một số ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Nga. Dưới sự kèm cặp của bố nuôi, Xuyên Đảo Phương Tử dần dần đã nắm chắc hầu hết các kĩ năng của một điệp viên chuyên nghiệp và được đánh trở lại Trung Quốc hoạt động.


Xuyên Đảo Lãng Tốc (trái) và Túc thân vương Thiện Kỳ, hai nhân vật chính chủ trương “Mãn Mông độc lập”.


Thực tế cho thấy trong cuộc chiến nhằm vào Trung Quốc do Nhật Bản phát động, Xuyên Đảo Phương Tử đã phát huy tốt vai trò quan trọng của mình. Nữ điệp viên này đã tham gia vào hầu hết những hoạt động bí mật quan trọng của tình báo Nhật Bản trong thời gian xâm lược Trung Quốc, gồm cả việc chuẩn bị thành lập nhà nước Mãn Châu, một quốc gia bù nhìn ở Mãn Châu và phía đông Nội Mông, gây ra sự kiện 18/9/1931 (xung đột chính trị và quân sự giữa quân Đông Bắc của Trung Quốc và quân Quan Đông của Nhật Bản)... Ngoài ra, Xuyên Đảo Phương Tử còn đích thân đạo diễn sự kiện 28/1/1932 (quân Nhật từ khu vực tô giới tấn công vùng Hạp Bắc ở Thượng Hải) gây chấn động dư luận trong và ngoài Trung Quốc, trực tiếp chỉ huy chiến dịch giải cứu Hoàng hậu Thu Hồng của “Mãn Châu đế quốc”, đưa Phổ Nghi cùng gia quyến trốn khỏi Thiên Tân.

Sau khi Nhật Bản đầu hàng, giống như nhiều tên Hán gian khác, Xuyên Đảo Phương Tử bị bắt và đưa ra xét xử. Tại tòa, Xuyên Đảo Phương Tử vin vào việc được Xuyên Đảo Lãng Tốc nuôi dưỡng kiên trì nói mình mang quốc tịch Nhật Bản, nên Chính phủ Quốc dân không có quyền xét xử. Nhưng khi đó, Xuyên Đảo Lãng Tốc vẫn chưa chính thức làm các thủ tục nhận Xuyên Đảo Phương Tử làm con nuôi, nên Xuyên Đảo Phương Tử không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào chứng minh thân phận Nhật Bản của mình. Cuối cùng, quan tòa đã khẳng định Xuyên Đảo Phương Tử không phải là người Nhật Bản mà là người Trung Quốc.

Ngày 15/10/1947, tòa án cấp cao Hà Bắc ở Bắc Bình ra phán quyết tử hình Xuyên Đảo Phương Tử vì tội làm Hán gian và gián điệp. Khi nghe phán quyết, Xuyên Đảo Phương Tử không hề có biểu lộ thể hiện sự ngạc nhiên đặc biệt. Khi nhân viên cảnh sát tư pháp dẫn đi, Xuyên Đảo Phương Tử thậm chí còn hé miệng mỉm cười. Biểu hiện bất thường này đã khiến những người tham dự phiên tòa xét xử Xuyên Đảo Phương Tử khi đó bàn tán xôn xao. Nhiều câu hỏi “phải chăng...” được đặt ra.

Ngọc Hà (Theo báo “Văn hối”)

Những câu hỏi về cái chết của một điệp viên tuyệt sắc (kỳ cuối)
Những câu hỏi về cái chết của một điệp viên tuyệt sắc (kỳ cuối)

Năm 2006, Trương Ngọc, một nữ họa sĩ ở thành phố Trường Xuân (Cát Lâm, Trung Quốc), bất ngờ tuyên bố rằng Xuyên Đảo Phương Tử chính là người phụ nữ mà bà thường gọi là “bà ngoại Phương” đã cư ngụ tại Trường Xuân từ năm 1949 và mất vào năm 1978.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN