Biểu tượng của sự sáng tạo
Erno Rubik sinh ngày 13/7/1944 tại Budapest, Hungary. Cậu bé Erno Rubik lớn lên trong sự lãng mạn của người mẹ và sự tính toán khoa học chính xác của người cha. Chính vì vậy, Erno rất thích khoa học công nghệ nhưng viết văn cũng rất giỏi.
Rubik không những được trẻ em yêu thích mà nó còn là món đồ chơi hấp dẫn với cả nhiều người lớn. |
Năm 1967, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc tại Đại học Kỹ thuật Budapest, Rubik tiếp tục theo học điêu khắc và kiến trúc nội thất. Từ 1971 đến 1975, ông làm kiến trúc, rồi trở thành giáo sư tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật ứng dụng Budapest. Có lẽ chính nền tảng đó khiến cho ông cả đời luôn có sự say mê với không gian, sự chuyển động trừu tượng.
Ở tuổi 30, Erno Rubik phát minh ra khối vuông xoay rubik. Thiết kế của ông gồm một khối vuông 6 mặt hình thành từ nhiều khối vuông nhỏ hơn riêng biệt, và mỗi khối vuông nhỏ hơn ấy có thể di chuyển ngang dọc.
Để đảm bảo khối vuông nhỏ có thể chuyển động độc lập, dễ dàng mà không rơi ra, Rubik đã kết nối chúng với nhau bằng một lõi xoay bên trong. Ông cũng thử nghiệm nhiều cách khác nhau để đánh dấu những khối vuông nhỏ hơn, nhưng cuối cùng ông đã chọn một giải pháp đơn giản, đó là 6 mặt rubik sẽ được sơn phủ 6 màu khác nhau.
Để giải được bài toán về trò chơi Rubik, người chơi sẽ phải đối mặt với việc bị xáo trộn tất cả các vị trí của các khối vuông nhỏ ở mỗi mặt không theo một quy luật, trình tự nào. Người chiến thắng là người làm cho tất cả các mặt của khối Rubik về màu đồng nhất.
Tuy vậy, Erno nhận thấy rằng nếu chỉ xoay khối vuông một cách ngẫu nhiên thì sẽ mất cả đời để giải được nó. Ông bắt đầu tìm lời giải, sau đó ông phát hiện ra những trình tự xoay nhất định sẽ giúp sắp xếp lại vài mặt đồng màu cùng lúc. Trong vòng một tháng, ông đã giải được trò chơi này.
Đây là trò chơi không gian ba chiều đầy thử thách. Tuy nhiên thời gian đầu, Erno Rubik bán được rất ít khối vuông rubik. Vận may chỉ đến với ông sau khi doanh nhân người Hungary Tibor Laczi nhận thấy sức hấp dẫn của rubik và muốn hợp tác kinh doanh trò chơi này. Từ hợp tác ban đầu với doanh nhân Tibor Laczi, rồi thương gia kinh doanh đồ chơi Tom Kremer, trải qua không ít khó khăn thử thách cuối cùng vào đầu năm 1980, rubik được ra mắt toàn thế giới tại các hội chợ ở London, Paris, New York và Numberg. Ngày 5/5/1980, rubik còn được giới thiệu tại Hollywood. Từ đây bắt đầu những ngày tháng huy hoàng của trò chơi trí tuệ này. Hàng trăm triệu khối vuông rubik được bán trên khắp thế giới. Sự cuồng nhiệt của những người yêu thích đồ chơi rubik còn dẫn đến sự ra đời của một môn thể thao có tên là Speedcubing. Đây là một cuộc đua tốc độ dành cho những người yêu thích và có khả năng chơi rubik cực nhanh.
Cha đẻ của hàng loạt trò chơi trí tuệ
Không chỉ sáng tạo ra trò chơi rubik, Erno Rubik tập trung vào nghiên cứu, sáng chế ra nhiều trò chơi trí tuệ khác. Chẳng hạn, ông sáng chế ra loại “rubik” hình con rắn có 3 góc có thể xoay để tạo nên những con vật khác nhau như rùa, chó... hay rubik hình quả cầu, khẩu súng.
Erno còn cải tiến khối vuông rubik khi thiết kế mỗi mặt có 4 hay 5 hàng các ô vuông thay cho 3 hàng như nguyên bản của nó.
Năm 2009, Erno Rubik đã tung ra một trò chơi trí tuệ mới mang tên Rubik 360. Rubik 360 có cấu tạo hình quả cầu trong suốt, bên trong có chứa 2 quả cầu con khác. Yêu cầu của trò chơi này là phải xoay chỉnh các quả nhỏ bên trong sao cho các khối màu sắc của nó tương ứng với các màu trên quả cầu lớn bên ngoài. Rubik 360 đã nhanh chóng trở nên vô cùng được yêu thích, bởi cũng giống như Rubik truyền thống, nó đòi hỏi một sự thông minh, tư duy hợp lý và sự nhanh nhẹn, khôn khéo. Đây là sự thách thức với những ai yêu thích các trò chơi trí tuệ.
Có thể thấy, 42 năm qua, Rubik không những được trẻ em trên khắp thế giới yêu thích mà nó còn là món đồ chơi hấp dẫn với cả nhiều người lớn. Không chỉ giúp người chơi có những giây phút thư giãn, giải trí với những vòng xoay tùy ý, rubik còn giúp người chơi, đặc biệt là trẻ em nâng cao khả năng tư duy và phát triển trí não rất tốt so với những loại đồ chơi thông thường khác.