Nền văn minh Clovis
Nền văn hóa Clovis có niên đại hình thành vào năm 10.000 trước Công nguyên (CN) tại các vùng bình nguyên ở Nam và Trung tâm của vùng Bắc Mỹ. Người Clovis rất khoái những trò săn bắn quy mô lớn như săn voi Mamút và bò rừng Bizôn, cùng những loài thú nhỏ như hươu và thậm chí cả thỏ rừng. Người Clovis là những người đầu tiên sinh sống tại khu vực Tân Thế giới, do đó nghiễm nhiên họ được xem như là tổ tiên của các nền văn hóa bản địa khu vực Bắc và Nam Mỹ. Nhiều học giả tin rằng, người Clovis đã di chuyển băng qua cây cầu đất Beringia từ Siberia đến Alaska trong suốt thời kỳ Băng Hà và sau đó tiến về phía Nam, nơi có khí hậu ấm áp hơn.
Có một vài giả thuyết liên quan đến sự mất tích của nền văn hóa Clovis. Giả thuyết đầu tiên là sự sụt giảm về số lượng của loài voi Mamút cùng với tính ít linh hoạt trong nền văn hóa của họ đã dẫn đến việc tách thành những nhóm văn hóa mới, như nền văn hóa Folsom. Giả thuyết khác là voi Mamút và các loài động vật khác bị suy giảm do nạn săn bắn quá mức, khiến người Clovis lâm vào tình cảnh đói kém, do thiếu nguồn thức ăn. Giả thuyết cuối cùng cho rằng, một sao chổi đã va đập vào bề mặt Trái đất tại vùng Đại Hồ, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền văn hóa Clovis.
Nền văn minh Cucuteni - Trypillia
Nền văn hóa này có nhiều tên gọi: Ở Rumani là Cucuteni, ở Ucraina là Trypillia và ở Nga là Tripolie. Đó là nền văn hóa hình thành vào cuối thời kỳ Đồ Đá Mới, phát triển hết sức mạnh mẽ trong khoảng từ năm 5500 trước CN đến năm 2750 trước CN. Lúc hoàng kim, xã hội của người Cucuteni - Trypillia được xây dựng thành một quần thể đô thị hoành tráng nhất ở châu Âu, với những tòa thành có sức chứa lên đến hơn 15.000 người. Một trong những bí ẩn lớn nhất của nền văn minh này là cứ mỗi 60 - 80 năm, họ sẽ đốt cháy toàn bộ làng mạc của mình và tái xây dựng lại trên nền của công trình cũ.
Nền văn hóa Cucuteni - Typillia theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ làm chủ gia đình, đảm đương hoạt động nông nghiệp, làm đồ gốm, dệt vải và may mặc. Đàn ông chuyên việc săn bắn, chế tác công cụ và nuôi dưỡng các loài thú đã được thuần hóa. Người Cucuteni-Typillia thờ Mẫu Thần, biểu tượng cho lòng Mẹ và sự phồn thực trong văn hóa nông nghiệp. Họ cũng thờ Bò Thần (tượng trưng cho sự dẻo dai, sinh sản và bầu trời) và Rắn Thần (tượng trưng cho sự vĩnh cửu và chuyển động vĩnh cửu).
Về lý do biến mất, có giả thuyết cho rằng nền văn minh Cucuteni - Trypillia bị chinh phục bởi nền văn minh Kurgan hiếu chiến. Tuy nhiên, gần đây, giới khảo cổ học nhận định rằng, chính nạn hạn hán lịch sử ở châu Âu đã tàn phá nền văn minh nông nghiệp của người Cucuteni-Typillia.
Nền văn minh Mycenae
Phát triển ngay trong lòng của nền văn minh Minoa, nền văn minh Myceanae xuất hiện vào khoảng năm 1600 trước CN ở miền nam Hy Lạp. Trải rộng trên 2 hòn đảo và vùng đất liền phía nam, nền văn minh Myceanean đã xâm chiếm nhiều thành phố chính như Mycenae, Tiryns, Pylos, Athens, Thebes, Orchomenus, Iolkos và Knossos. Người Mycenae có sức mạnh quân sự đáng nể và đã sử dụng lợi thế này để thực hiện các thương vụ buôn bán trên biển với các quốc gia khác. Do thiếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, người Mycenae đã nhập nhiều loại hàng hóa và chế tác hàng hóa để bán lại, nhờ đó họ trở thành những thợ thủ công bậc thầy, nổi tiếng nhất là với các mặt hàng vũ khí và đồ trang sức.
Không ai biết rõ lý do vì sao nền văn minh Mycenae biến mất. Nhưng có một điều khá rõ ràng là mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân và tầng lớp thống trị ngày càng leo thang đã dẫn đến sự điêu tàn của nền văn minh Mycenae. Giả thuyết khác liên quan đến động đất, nhưng giả thuyết nổi bật nhất là sự xâm lược của người Doria từ phương Bắc hoặc Hải Nhân (xuất xứ từ vùng Bancăng đến vùng Trung Đông).
(Còn tiếp)
Thanh Hải