Những nhân vật nổi tiếng không tồn tại

Thật khó có thể tin rằng một nhân vật trở nên nổi tiếng trong những lĩnh vực như thể thao, phim ảnh, nghệ thuật được nhiều người ngưỡng mộ thật ra lại không hề tồn tại. Trên thực tế, sự thật này đều mang bản chất là những trò đánh lừa hoặc chơi khăm với mục đích rất khác nhau.

 

Cầu thủ Masal Bugoluv


Thông tin về các vận động viên trẻ, với tài năng xuất chúng hứa hẹn tạo sự đột phá trong một môn thể thao nào đó, khi xuất hiện trên báo chí đều tạo ra sự thu hút đặc biệt. Một trong những trường hợp đó là Masal Bugoluv, “thần đồng” túc cầu 16 tuổi của đất nước Đông Âu nhỏ bé Moldova.


Tin tức về hiện tượng bóng đá này nổi lên từ các trang cá nhân và diễn đàn mạng, tại đó, Bugoluv được miêu tả là một tiền đạo có khả năng bùng nổ, đã từng chơi cho đội tuyển quốc gia Moldova. Ngay sau đó, thông tin về chàng tiền đạo trẻ đã được giới truyền thông - vốn đang mắc “căn bệnh” cạnh tranh về tốc độ đưa tin nhanh và thường bỏ qua kiểm chứng - đua nhau lăngxê. Trang web về bóng đá lớn nhất thế giới Goal.com thậm chí đăng tải nhiều thông tin về “thần đồng” này. Đầu tháng 1/2009, tờ Times của Anh còn đánh giá Bugoluv là “đỉnh cao Moldova” và thậm chí đưa tin anh ta có thể tới câu lạc bộ nổi tiếng Arsenal. Nhưng với tin đồn ngày càng nhiều, dư luận bắt đầu đặt câu hỏi nghi ngờ về “Massi” (chơi chữ giữa Masal và tên cầu thủ nổi tiếng người Argentina, Lionel Messi).


Sau thời gian dài kiểm chứng, một fan bóng đá tên Neil McDonnell đã chứng minh sự thật là Masal Bugoluv không hề tồn tại. Trò đùa này bắt nguồn từ một người đàn ông Ireland, người đã quá nhàm chán với “hàng núi” thông tin giả tạo của truyền thông trong mùa chuyển nhượng cầu thủ nên đã bịa ra câu chuyện trên để kiểm chứng xem truyền thông đáng tin đến đâu. Chính anh ta đã tạo ra thông tin giả về Masal trên các trang Wikipedia, nhật ký mạng...


Allegra Coleman

Allegra Coleman trên trang bìa tạp chí Esquire.


Trước hiện tượng có nhiều nhân vật bỗng dưng nổi tiếng bởi những lý do rất đặc biệt, đôi khi là phù phiếm, nhà báo Mỹ Martha Sherrill đã “thử” tạo ra một diễn viên tiềm năng có tên Allegra Coleman nhằm cho công chúng biết về hậu trường của Hollywood.


Để thực hiện trò chơi khăm này, Sherrill đã mời một người mẫu trẻ 20 tuổi chưa có tiếng tăm tên là Ali Larter tạo dáng chụp ảnh dưới một cái tên lạ hoắc Allegra Coleman. Năm 1996, trang bìa tạp chí Esquire của Mỹ đăng hình ảnh “Allegra Coleman” cùng một bài báo lăngxê cô gái tóc vàng xinh đẹp này. Nội dung của bài báo tôn vinh Coleman là “Cô gái trong mơ mới của Hollywood” cộng thêm nhiều thông tin mang tính giật gân để thu hút công chúng: Như bộ phim sắp ra mắt hợp tác cùng đạo diễn lừng danh từng giành giải Oscar, Woody Allen, hay mối quan hệ tình cảm cùng nam diễn viên nổi tiếng…


Ali Larter thành công hiện tại.


Ngay cả khi nhân vật chính trong bài báo đã được xác nhận là giả tạo thì các công ty giải trí vẫn muốn ký hợp đồng với “Allegra Coleman” và trên thực tế chính là cô người mẫu Ali Larter. Và sự nghiệp diễn xuất đã đến dễ dàng với Ali Larter một cách thật bất ngờ như vậy. Hiện cô đang là diễn viên có tiếng tại Hollywood với những vai diễn ấn tượng trong các bộ phim truyền hình ăn khách.


Cô gái cô đơn (lonelygirl15)

Hình ảnh của “Bree“ trên trang YouTube.


Internet từ lâu đã là nơi xuất phát cho những trò lừa và cô gái có biệt danh lonelygirl15 có lẽ là minh chứng nổi tiếng nhất cho nhận định này. Đây là tên của một cô gái 16 tuổi có tên Bree. Bree đã đăng những đoạn video lên trang mạng YouTube. Những video ban đầu đơn thuần là các “nhật ký hình ảnh” về cuộc sống của một cô gái trung học bình thường, thêm vào đó là những than phiền về sự buồn chán, tẻ nhạt ở nơi Bree đang cư ngụ. Tuy nhiên, Lonelygirl15 nhanh chóng trở thành hiện tượng và thậm chí là một trong những kênh phổ biến nhất của YouTube. Nhưng sau đó, người hâm mộ của Bree bắt đầu nghi ngờ liệu những video đó có phải là thật hay không. Nhiều diễn đàn và các trang mạng bắt đầu chú ý đến điều này và ngay lập tức các thám tử nghiệp dư vào cuộc để tìm kiếm bằng chứng từ những mâu thuẫn. Không lâu sau, sự thật được phơi bày, Bree thực ra là Jessica Rose, một nữ diễn viên 19 tuổi ở Mỹ. Tài khoản trên YouTube của Bree chứa đựng những video được lên kịch bản sẵn. Nhưng không vì thế mà các clip về lonelygirl15 bị tẩy chay, thay vào đó nó được phát triển thành một chương trình truyền hình. Chương trình tiếp diễn thêm 2 năm với nhiều nhân vật mới, đến năm 2007 thì Bree không còn xuất hiện trong chương trình. Nhưng diễn viên đóng vai Bree, Jessica Rose, vẫn tham gia diễn xuất và liên tục xuất hiện trên truyền hình Mỹ.

 

Hà Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN