Kỳ I: Vụ án ly kỳ
Vụ cướp nhà băng ở Béclin-Zehlendorf ngày 27/6/1995 là một trong những vụ cướp nhà băng ly kỳ nhất trong lịch sử CHLB Đức. Cả thế giới đã quan tâm theo dõi vụ án này vì phương thức hành động bất thường của các hung thủ.
Cảnh sát dùng cả xe bọc thép để bao vây bọn cướp trong ngân hàng. |
Đúng 10 giờ 25 phút ngày 27/6/1995, khi chi nhánh của Commerzbank tại quận Zehlendorf của Béclin đang mở cửa giao dịch bình thường thì đột nhiên có 4 tên bịt mặt, mang theo vũ khí xông vào, chúng bắt giữ 16 nhân viên ngân hàng và khách giao dịch làm con tin. Khi cảnh sát bao vây ngân hàng, bọn cướp đưa ra yêu sách đòi trả cho chúng 17 triệu D-mark tiền chuộc, cấp cho chúng một máy bay lên thẳng và một xe ô tô thì chúng sẽ để yên cho các con tin, nếu không chúng sẽ giết chết các con tin. Sau nhiều vòng thương lượng, cảnh sát đã đồng ý trả cho chúng 5,62 triệu D-mark với hy vọng ít nhất cũng mua được tự do cho một số con tin và đưa ra tối hậu thư phải thả các con tin chậm nhất là 3 giờ sáng hôm sau.
Sau 18 giờ bao vây ngôi nhà, khi thời hạn chót của tối hậu thư đã trôi qua, vào lúc 3 giờ 43 phút, cảnh sát dã chiến mang vũ khí bất ngờ xông vào và trước mắt họ là một cảnh tượng lạ lùng: Toàn bộ 16 con tin vẫn còn nguyên vẹn, khỏe mạnh, nhưng không thấy bóng dáng một tên cướp nào, y như là chúng đã thăng thiên hay độn thổ vậy, bởi vì vòng vây của cảnh sát vẫn thắt chặt tới mức một con chuột cũng khó lòng trốn thoát. Quả thực bọn cướp đã "độn thổ". Chúng mang theo số tiền chuộc mà cảnh sát đưa cho chúng, lấy tiền và đồ đạc quý giá cất giữ trong 207 của 400 ngăn kéo an toàn của ngân hàng mà chúng phá được, ước tính tổng cộng là 16,3 triệu D-mark và trốn thoát theo một con đường hầm vào ngân hàng mà chúng đã đào từ nhiều tháng trước đó. Đúng lúc 4 tên trên mặt đất khống chế các con tin thì hai tên đã phá nền nhà, từ dưới đất chui lên tham gia vụ cướp.
Giám đốc Sở Cảnh sát Béclin khi đó, Hagen Saberschinsky, đã phải đánh giá là các hung thủ "hành động với sự khéo léo, chuyên nghiệp và có thể nói là thiên tài", bởi vì chỉ có dấu vết để lại khi làm hầm, nhưng hung thủ đã biết cách xóa sạch mọi dấu vết liên quan tới nhân thân của chúng.
Đường hầm bọn cướp sử dụng để tẩu thoát. |
Sau khi vào ngân hàng, cảnh sát phát hiện ra nền nhà mới bị phá thông với một con đường hầm dẫn tới một gara ô tô gần đó. Một ban chuyên án gồm 60 người được thành lập với tên gọi Coba và được giao nhiệm vụ điều tra vụ án. Trước tiên, họ tập trung vào đường hầm. Đây là một công trình được các chuyên gia đánh giá là tuyệt hảo về kỹ năng làm hầm. Mặc dù chỉ rộng 1 m, nhưng đường hầm được gia cố chắc chắn bằng gỗ, có quạt thông gió, điện và đèn chiếu sáng. Đường hầm dẫn các nhà điều tra tới chiếc gara và người đứng tên thuê gara. Nhưng y khai là y cho một người thuê lại, mà y không biết rõ người đó. Cảnh sát không lạ gì những biện pháp sử dụng "chân gỗ" như vậy, nên bí mật theo dõi hai người em của người đứng tên thuê gara và biết được chúng định bay sang Xyri vào ngày 20/7/1995. Ban chuyên án liền ra tay tóm gọn. Ngoài ra, với sự hợp tác của cảnh sát Libăng và Xyri, hai tên nữa đã bị bắt tại Bâyrút và Đamát. Thông qua lời khai của những tên bị bắt, các nhà điều tra đã tìm được 3,6 triệu D-mark giấu trong nhà một bác sĩ nha khoa ở Brandenburg, 600.000 D-mark ở Ba Lan và 800.000 D-mark ở Đamát. Nhưng số còn lại, ước tính tới hơn 10 triệu D-mark vẫn mất tăm.
Như vậy, chỉ sau khoảng 5 tuần, vụ án đã được phá, 5 trong 6 tên trực tiếp tham gia vụ cướp và một số người liên quan đã bị bắt. Một tên đã "lặn" mất tăm. Tên đầu tiên bị bắt là Moutaz Al Barazi, người Xyri, làm thợ sơn trong xưởng sửa chữa ô tô bên cạnh gara. Khaled Al Barazi, người anh em cùng cha khác mẹ với Moutaz Al Kỳ I: Vụ án ly kỳBarazi chính là tên trùm của bọn cướp. Khi ra tòa, y bị kết án 13 năm tù giam. 4 đồng bọn khác chịu hình phạt nhẹ hơn. Dergham Ibrahim người Libăng bị kết án 12 năm tù, tên đồng bọn người Đức Sebastian Vierrath bị 10 năm tù và 2 đồng bọn thật thà khai báo bị phạt 6 năm và 10 năm tù giam.
13 năm sau khi vụ cướp hy hữu xảy ra, Ali Ibrahim, kẻ tham gia vụ cướp và tẩu thoát trước đây đã bị bắt, khi tất cả đồng bọn đã mãn hạn tù, trong đó, một số tên trong thời gian cuối được ân xá và chuyển thành án treo. Ali Ibrahim, khi đó 19 tuổi chính là một trong hai tên đã bò qua đường hầm dài 170 m để vào nhà hầm của Ngân hàng Commerzbank. Trong khi ở tầng trên, đồng bọn bắt giữ và canh chừng các con tin thì ở tầng hầm, Ali Ibrahim phá các ngăn kéo, lấy các đồ quý giá cho vào những túi vải.
Giờ đây, Ali Ibrahim đã bị bắt và ra tòa vì tội tống tiền và bắt giữ người trái phép. Từ nhiều năm nay, các nhà điều tra Béclin đã biết y là nghi can trong vụ cướp nhà băng ngoạn mục ở Zehlendorf. Họ cũng biết rằng y đã trốn sang Libăng và bị kết án 3 năm tù vì tham gia vụ cướp. Nhưng không rõ y có thực sự phải thụ án hay không. Tại Béclin, dù sao bản án như vậy cũng bị cảm thấy là quá nhẹ. Vì vậy, Viện Công tố Béclin vẫn duy trì lệnh truy nã quốc tế, kể cả sau khi y đã bị kết án.
Năm 2001, Ali Ibrahim chuyển sang sống ở Thụy Điển, lấy vợ và có 3 con. Y đổi tên là Rodi và thậm chí còn xin nhập quốc tịch Thụy Điển. Nhưng cho dù có đổi tên và quốc tịch, cuối cùng y cũng không thoát khỏi các nhà điều tra Béclin. Đầu năm 2008, họ đã tìm ra dấu vết y trong một ngôi làng gần thành phố nhỏ Oerebro. Tháng 6/2008, Ali Ibrahim bị bắt và cuối tháng 8 bị dẫn độ sang Đức.
Trong phiên tòa ngày 6/11/2008, Tòa án Béclin đã kết án Ali Ibrahim, khi phạm pháp mới 19 tuổi, chưa đến tuổi thành niên, 4 năm tù theo hình phạt đối với thanh thiếu niên vì tội tống tiền với hình thức ăn cướp và bắt giữ người trái phép. Tuy nhiên, bị cáo đã không phải vào tù, vì đã ngồi tù 3 năm ở Libăng. Tòa án cho rằng vì điều kiện tù ở đó tồi tệ, nên thời gian thụ án của y được tính gấp đôi, coi như đã ngồi tù 6 năm.
Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)