Một số loại vũ khí được chế tạo từ thời Liên Xô đã trở thành huyền thoại và hiện vẫn được sử dụng. Dưới đây là 5 loại vũ khí tốt nhất của Liên Xô trong các cuộc chiến tranh theo trang mạng National Interest:
Súng tiểu liên AK-47
AK-47 không chỉ là một loại súng trường tấn công, mà còn được xem là một loại vũ khí mang tính biểu tượng, phù hợp với chiến tranh du kích trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Với hơn 100 triệu khẩu AK-47 được sản xuất, loại súng này đã xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Lấy cảm hứng từ súng trường tấn công STG-44 của Đức Quốc xã, AK-47 dễ sử dụng, giá rẻ và bền. Trong 60 năm qua, AK-47 được cho là loại vũ khí hiệu quả nhất trên thế giới.
Xe tăng T-34
T-34 được cho là loại xe tăng tốt nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Năm 1941, nó khiến cho lính Đức Quốc xã khiếp sợ. Với khẩu pháo chính cỡ nòng 76,2 mm, vỏ thép được bố trí hình dạng vát nghiêng (tăng hiệu quả chống đạn pháo) và bánh xích rộng giúp cơ động qua địa hình phức tạp của Nga, T-34 vượt trội về hỏa lực, tính cơ động so với bất kỳ loại xe tăng nào của Đức vào thời điểm đó.
Đối với lính bộ binh Đức lúc đó, họ kinh hãi vì các quả đạn pháo được bắn từ những khẩu súng chống tăng nhỏ bé của quân Đức chỉ như những viên đạn giấy đối với T-34. Một chiếc xe tăng T-34 có thể chịu đựng được 23 quả đạn pháo từ một khẩu súng chống tăng cỡ nòng 37mm, và chiếc xe tăng này vẫn có thể tiếp tục chiến đấu với mức thiệt hại không đáng kể. Giống như nỗi sợ hãi của quân đồng minh Anh và Mỹ khi phải đối mặt với xe tăng Tiger của Đức Quốc xã, bộ binh Đức sẽ bỏ chạy khi đối mặt với T-34.
Tuy nhiên, T-34 cũng có một số hạn chế. Không giống như tính chiến đấu của các xe tăng phương Tây (chỉ huy xe tăng và xạ thủ riêng biệt), chỉ huy của T-34 đồng thời là xạ thủ, có nghĩa là anh ta vừa phải bắn pháo vừa phải lái xe (một phiên bản kế tiếp,
T-34/85, đã bổ sung thêm một vị trí riêng cho xạ thủ). Bên cạnh đó, T-34 có thiết kế khá chật chội nên khiến lính tăng dễ mệt mỏi. Loại xe tăng này cũng thiếu radio và thường xuyên bị chết máy.
84.000 chiếc T-34 đã được chế tạo và người Đức đã rất ấn tượng đến nỗi họ tính đến chuyện phát triển phiên bản này theo cách riêng của mình (nhưng cuối cùng Đức đã lựa chọn phương án chế tạo xe tăng Panther có tính năng tốt hơn nhưng chi phí đắt đỏ hơn). Mặc dù T-34 có tính năng chiến đấu ấn tượng, nhưng Liên Xô suýt nữa đã thất thủ trước Đức vào năm 1941. Lý do là vì Liên Xô bị hạn chế về chiến thuật và huấn luyện, không phải do lỗi của T-34. Sau đó, Hồng quân Liên Xô đã giành lại được lợi thế và một đơn vị T-34 đã mở đường tiến thẳng đến Berlin.
Pháo Katyusha (Cachiusa)
Katyusha là một trong số các loại pháo có hỏa lực mạnh nhất trong lịch sử. Nó là một dàn pháo gồm nhiều khẩu pháo gắn trên một chiếc xe tải. Giống như xe tăng T-34, Katyusha đã gây ra một cú sốc đối với quân đội Đức năm 1941. Hỏa lực của dàn pháo này bao trùm một khu vực có diện tích khoảng 0,4 km2 với 4,35 tấn thuốc nổ trong vòng 7 - 10 giây. Sau đó, Đức đã phát triển dàn phóng tên lửa Nebelwerfer của riêng mình mà lính Mỹ gọi là: "Screaming Mimi".
Tên lửa không điều khiển thường không chính xác. Tuy nhiên, dàn tên lửa này lại rất hiệu quả đối với Liên Xô khi muốn tấn công vào những khu vực phòng thủ của người Đức. Ngay cả khi các tên lửa không rơi trúng mục tiêu, nó cũng khiến cho đối phương choáng váng và không còn sức lực để chống lại.
Chiến đấu cơ Mig-15
Các phi công Mỹ thường quen chiếm ưu thế trên không trong những năm cuối cùng của Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhưng sự xuất hiện của Mig-15 trên bầu trời của CHDCND Triều Tiên thực sự là một cú sốc đối với họ. Trong thực tế, Mig-15 nguy hiểm đến mức mà máy bay hộ tống hạng nặng B-29 của Mỹ đã phải chuyển các cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên từ ban ngày sang ban đêm.
Trên cơ sở công nghệ của Đức và động cơ phản lực mà Anh đã bán cho Moskva, Mig-15 có tốc độ cao, linh hoạt và được trang bị vũ khí hạng nặng. Các máy chiến đấu của Mỹ như P-80 và F-84 đã bị Mig-15 đánh bại. Cho đến khi F-86 Sabres ra đời, các phi công Mỹ mới dám đối đầu với Mig-15.
Hơn 18.000 chiếc Mig-15 được Liên Xô, các thành viên của Khối Hiệp ước Warszawa và Trung Quốc chế tạo. Loại máy bay này đã phục vụ trong lực lượng không quân của trên 40 quốc gia.
Súng chống tăng RPG-7
Sẽ không chính xác khi nói rằng RPG-7 đã cách mạng hóa tác chiến chống tăng. Trong nửa cuối của Chiến tranh Thế giới thứ 2, việc sử dụng các tên lửa chống tăng trở nên phổ biến, trong đó có tên lửa bazooka của Mỹ, PIAT của Anh và đặc biệt là Panzerfaust của Đức.
Tuy nhiên, sẽ chính xác khi nói rằng RPG-7 là tiền thân trong việc phát triển vũ khí chống tăng xách tay và vác vai. Loại pháo hạng nhẹ này là thứ vũ khí rẻ tiền, được sử dụng phá boongke và phòng không (nó đã bắn hạ máy bay Blackhawk của Mỹ ở Somalia). Đây là loại vũ khí đa năng của lính bộ binh.
Công Thuận (Theo N.I)