Vào đầu những năm 1930, Liên Xô đã thử nghiệm gắn các phương tiện bọc thép hạng nhẹ như xe tăng T-27 và T-37 bên dưới máy bay ném bom hạng nặng Tupolev TB-3. Mục đích ban đầu là để máy bay hạ cánh và hạ xe tăng cùng kíp lái xe tăng xuống đất. Tuy nhiên, vì điều này đòi hỏi một khu vực hạ cánh rộng, bằng phẳng và khiến máy bay dễ bị đối phương tấn công, nên thay vào đó, Liên Xô đã chuyển sang kỹ thuật khác thường là thả xe tăng từ máy bay khi chỉ cách mặt đất vài mét. Một số xe tăng đã được thả xuống theo cách này khi Liên quân vào Bessarabia năm 1940. Bessarabia là vùng đất mà ngày nay là Moldova và Ukraine. Tuy nhiên, người ta không ghi lại liệu kíp lái xe tăng có sống sót sau thử thách này mà không bị chấn động nặng hay không.
Dù thế nào đi chăng nữa, những phương pháp này sớm bị coi là không phù hợp. Hồng quân Liên Xô đã nhờ đến nhà thiết kế máy bay nổi tiếng Oleg Antonov để chế tạo một tàu lượn tấn công đủ lớn để chở một chiếc xe tăng tham chiến. Thay vào đó, với suy nghĩ phi thường, Antonov đã quyết định biến chiếc xe tăng thành một chiếc tàu lượn bằng cách lắp cho nó một đôi cánh hai tầng bằng gỗ khổng lồ và một chiếc đuôi kép.
Phương tiện lạ lùng này, được đặt tên là Antonov A-40, hay còn được gọi là KT - viết tắt của Krylya Tanka, tức là xe tăng có cánh. Theo thiết kế, nó sẽ được máy bay ném bom hạng nặng như Petlyakov Pe-8 hoặc Tupolev TB-3 kéo lên không trung và đưa đến gần mục tiêu. Sau đó, kíp lái xe tăng sẽ điều khiển xe tăng xuống đất, quay ngược bánh vào phút cuối để hạ cánh khi đang chạy. Sau đó, cánh và đuôi sẽ bị cắt bỏ, cho phép chiếc xe tăng có thể hoạt động. Việc điều khiển trong khi lượn được thực hiện bằng cách kết nối súng của xe tăng với các bề mặt điều khiển, như việc nâng và hạ súng khiến máy bay nâng lên hạ xuống và xoay tháp pháo khiến nó lăn sang hai bên.
Để chứng minh ý tưởng này, Antonov đã sửa một chiếc xe tăng hạng nhẹ T-60 bằng cách tháo súng, đèn pha, đạn dược và phần lớn nhiên liệu, đồng thời sắp xếp cho phi công tàu lượn nổi tiếng Sergei Anokhin bay thử. Chuyến bay thử đầu tiên và duy nhất của A-40 diễn ra vào ngày 2/9/1942 gần như kết thúc trong thảm họa.
Mặc dù chiếc xe tăng có cánh bay lên không trung thành công, nhưng nó quá nặng và tạo ra lực cản lớn đến mức chiếc máy bay ném bom kéo nó gần như ngừng bay và buộc phải để chiếc xe tăng bay đáp xuống. Thật đáng kinh ngạc, Anokhin đã khéo léo hạ cánh được chiếc xe tăng, tách các cánh ra và lái trở lại sân bay. Tuy nhiên, do thiếu hỗ trợ chính thức và không có máy bay đủ mạnh để kéo A-40 một cách an toàn, dự án đã sớm bị hủy bỏ.
Một giải pháp khả thi cho vấn đề của Liên Xô là chế tạo máy bay A-40 tự hành. Thực ra, khái niệm này đã được nhà phát minh người Mỹ John Walter Christie tìm hiểu một thời gian ngắn trước đó một thập kỷ. Năm 1928, ông Christie đã phát triển Hệ thống treo Christie được sử dụng trong một số xe tăng thời Thế chiến thứ hai, trong đó có cả xe tăng Crusader của Anh và T-34 của Liên Xô.
Hệ thống này giúp xe tăng đạt được tốc độ chưa từng có trên địa hình gồ ghề và tiếp tục di chuyển ngay cả khi bánh xích không còn. Năm 1932, ông Christie đã dùng tài năng sáng tạo của mình để phát triển một loại xe tăng bay, giúp các sư đoàn thiết giáp nhanh chóng triển khai phía sau phòng tuyến của kẻ thù. Theo một phiên bản thu nhỏ thiết kế xe tăng M1928 của ông, chiếc xe tăng bay sẽ chỉ nặng 4 tấn, trang bị súng 75mm uy lực và có thể lái với tốc độ 112km/h trên địa hình gồ ghề và 160km/h trên đường bằng phẳng. Giống như chiếc A-40 của Liên Xô, xe tăng này sẽ gắn một bộ cánh lớn, có thể tách ra và lần này, xe tăng có một cánh quạt dành riêng cho động cơ xe tăng.
Ý định của ông Christie là để chiếc xe tăng tăng tốc trên mặt đất bằng cách sử dụng bánh xích cho đến khi đạt vận tốc 112km/h, sau đó năng lượng sẽ được truyền tới cánh quạt, cho phép chiếc xe cất cánh. Ông Christie đã nói trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Modern Mechanics: “Người lái xe tăng bay không cần mặt đất bằng phẳng để cất cánh như khi lái như máy bay ném bom. Người lái có thể cất cánh bay qua bùn, mặc dù gặp mặt đất gập ghềnh hoặc mặt dất thuộc dạng mà máy bay bình thường không cất cánh được”.
Giống nhiều nhà thiết kế vũ khí của thời đó, ông Christie nhận thấy phát minh của mình có tiềm năng to lớn và có thể dùng như một biện pháp ngăn chặn xung đột trong tương lai. Ông nói trong cùng một cuộc phỏng vấn:
“Xe tăng bay là cỗ máy kết thúc chiến tranh. Sở hữu loại xe tăng này sẽ là một đảm bảo hòa bình lớn hơn tất cả các hiệp ước mà trí tuệ con người có thể soạn thảo. Một đội xe tăng bay có thể quan sát kẻ thù và bất kỳ cuộc chiến nào cũng sẽ kết thúc đột ngột”.
Tuy nhiên, dự đoán của ông Christie đã không thành hiện thực và ý tưởng xe tăng bay của ông chỉ dừng ở bản vẽ. Xe tăng bay cũng không xuất hiện trên chiến trường trong Thế chiến thứ hai, mặc dù điều này không phải là do thiếu cố gắng. Trong số các quốc gia khác thử nghiệm xe tăng bay có Nhật Bản, Anh, Đức Quốc xã nhưng đều không thành.
Cuối cùng, xe tăng bay trở thành một ngõ cụt về công nghệ. Các tính năng cần thiết của một xe tăng hỗ trợ bộ binh hiệu quả - như lớp giáp dày và vũ khí hạng nặng - đơn giản là không tương thích với khả năng của máy bay những năm 1940. Mãi đến cuối những năm 1960, một phương tiện bọc thép đổ bộ đường không thực tế mới được Liên Xô phát triển.
Ra mắt vào năm 1969 và vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, BMD-1 là một phương tiện chiến đấu bộ binh đổ bộ cỡ nhỏ, có thể chở 2 kíp lái và 6 binh sĩ tham gia chiến đấu. Được chế tạo bằng hợp kim nhôm nhẹ và chỉ nặng 8 tấn, phương tiện này có thể được chở bằng nhiều loại trực thăng hạng nặng hoặc thả từ máy bay vận tải bằng giàn dù đặc biệt. Ban đầu, người ta dự định rằng xe tăng này và kíp lái sẽ được thả riêng, nhưng điều này có vấn đề vì kíp lái thường hạ cánh cách xe tăng một khoảng cách. Tuy nhiên, ngay cả khi có dù, BMD đã hạ cánh quá mạnh, không an toàn cho kíp lái khi đáp xuống cùng. Vấn đề này cuối cùng đã được giải quyết bằng cách sử dụng tên lửa ngược nhiên liệu rắn để giảm tốc độ xe tăng ngay trước khi hạ cánh. Kíp lái BMD cũng ngồi trên những chiếc ghế có đệm đặc biệt để giảm chấn động khi hạ cánh.
Tuy nhiên, bỏ qua ngoại lệ này, thuật ngữ “xe tăng bay” thực ra không được dùng để chỉ xe tăng theo đúng nghĩa đen mà thường được dùng để chỉ nhiều loại máy bay tấn công mặt đất của Liên Xô như Ilyushin-IL-2 Sturmovik thời Thế chiến thứ hai và và máy bay trực thăng tấn công Mil Mi-24 Hind sau này vì các máy bay này có lớp giáp và vũ khí hạng nặng khiến chúng trở nên bất khả chiến bại.