Tại thành phố Raqqa, một thành phố từng thịnh vượng với hơn 200.000 dân và hiện được xem là thủ đô của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, người dân đang phải chịu đựng sự cai trị kiểu khủng bố của IS. Không có nhà báo nước ngoài nào được hoạt động tại thành phố lớn thứ sáu này của Syria và cuộc sống thực sự ở đây như thế nào chỉ được biết tới qua mô tả của các nhà hoạt động và những người vừa mới trốn thoát khỏi nơi này.Các nhà hoạt động và những người tị nạn cho biết các phần tử thánh chiến thực thi luật Hồi giáo bằng cách dùng đòn roi, chặt tay chân và chặt đầu những người nào dám chống lại họ. Những người hút thuốc và uống rượu có thể bị đánh 40 roi hoặc hơn nữa nếu vi phạm. Hiện không thấy người theo Cơ Đốc giáo nào ở đây nữa, tất cả đều trốn chạy ngay từ những ngày đầu tiên khi các phần tử chủ chiến chiếm thành phố.
Chỉ riêng ngày 16/1, IS đã xử tử 15 người trên lãnh thổ Syria mà họ kiểm soát, trong đó có cả một vài người ở khu vực chung quanh Raqqa. Các nhà hoạt động làm việc cho tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết xác của một vài nạn nhân bị hành quyết đã bị đem ra bêu riếu ở những nơi công cộng.
Phiến quân IS hoành hành tại Raqqa. Ảnh: AP
|
Tại Iraq, hai người đàn ông bị cáo buộc đồng tính đã bị ném ra khỏi một cao ốc trước đám đông. Tháng 11/2014, các nhà điều tra Liên hợp quốc nói rằng giới lãnh đạo IS phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh “trên diện rộng” ở vùng Đông Bắc Syria, nơi chúng bị cáo buộc gieo rắc nỗi kinh hoàng bằng cách chặt đầu, ném đá và bắn thường dân cũng như những binh lính bị bắt.
Điều kiện sống bên trong thành phố đang trở nên tệ hại. Dân thường đang chịu cảnh đói khát, điện bị cắt, thiếu nước và thuốc men. Giá cả các thực phẩm căn bản tăng cao nhanh chóng và mối đe dọa bị trừng phạt và chết chóc đang gia tăng. Nhà hoạt động Abu Mohammed cho biết: “IS đang nỗ lực xóa mờ bản sắc và vùi dập cá tính. Các phần tử thánh chiến quyết tâm xóa bỏ sự bất đồng chính kiến và bất cứ thái độ nào không phù hợp với đường lối hà khắc của chúng”.
Trong khi đó, tại Raqqa, trái ngược với cuộc sống thiếu thốn của người dân, các phần tử thánh chiến và gia đình có mức sống cao hơn nhiều và được chữa bệnh ở những bệnh viện riêng. Hàng trăm tay súng nước ngoài có mặt tại thành phố này, hầu hết đến từ Tunisia, Iraq song cũng có phần tử người Chechnya, người Dagestan và châu Âu. Các giới chức phương Tây ước lượng mỗi tháng có hàng nghìn tay súng nước ngoài đang cùng gia đình chuyển đến gia nhập IS. Các đối tượng này nhận được 1.100 USD mỗi tháng từ IS, một số tiền khá cao tại Syria đang bị chiến tranh tàn phá. Giới chức Mỹ cho biết hầu hết số tiền mà IS có được là do buôn lậu dầu lửa, tiền chuộc con tin bị bắt cóc và “thuế” thu được từ các tài xế xe tải và các cơ quan cứu trợ.
Một "cảnh sát" IS đang điều hành giao thông tại Raqqa. Ảnh: Reuters |
Đối với các gia đình khó khăn, khoản tiền do IS trả quá lớn và họ không thể bỏ qua được, do đó họ gửi thân nhân tới tham gia cuộc chiến để giúp những người còn lại sống sót. Giới chức địa phương cho biết một số gia đình nghèo khổ gửi con đến các trại thanh niên và tại đây con em họ được các phần tử thánh chiến “nhồi sọ” và đào tạo để trở thành thế hệ chiến binh mới. Không những thế, các phần tử thánh chiến còn bắt cóc trẻ em và đưa vào các trại thanh niên các đối tượng không được cha mẹ cho phép tham gia.
Ngoài ra, tại Raqqa, các phần tử thánh chiến còn sử dụng tiểu đoàn cảnh sát phụ nữ al-Khansa để duy trì kỷ luật của phụ nữ ở thành phố này. Đây là một tổ chức gần 100 phụ nữ có liên hệ với IS. Nhiều người là vợ của các chiến binh nước ngoài, còn được gọi là “các cô dâu thánh chiến” từ Tunisia, Chechnya, Maroc, Pháp và Anh.
Tiểu đoàn al-Khansa đáng sợ tuần tra trên đường phố và các tòa nhà công cộng, tìm những người vi phạm luật Hồi giáo Sharia, kể cả những vi phạm nhỏ như mang khăn che mặt không đúng cách. Các biện pháp trừng phạt gồm đánh bằng roi và sử dụng một dụng cụ tra tấn thời trung cổ như hai hàm sắt đầy gai nhọn, có thể gây đau đớn khôn xiết hay tệ hơn nữa nếu kẹp quanh ngực nạn nhân. Một phụ nữ 24 tuổi nói với các nhà hoạt động là cô bị bắt vì có “thái độ không đứng đắn”. Cô nói: “Họ bảo tôi chọn giữa bị đánh bằng roi và bị kẹp bằng ‘hàm kẹp’. Tôi không biết ‘hàm kẹp’ là gì nên chọn cách này vì tôi nghĩ là ít đau hơn”.
TTK