Năm 1956, một cựu binh Thế chiến II người Mỹ tên là Thomas Fitzpatrick đã làm điều dường như không thể tưởng tượng được: anh ta lái chiếc máy bay một động cơ lượn qua các “hẻm” đường san sát cao ốc dựng đứng của thành phố New York và hạ cánh hoàn hảo trên đường phố Manhattan - tất cả chỉ vì trò cá cược trong lúc say xỉn. Điều ngạc nhiên là chỉ hai năm sau đó, anh ta đã thực hiện lại đúng màn hạ cánh ngoạn mục này.
Người ta biết rất ít về Thomas Fitzpatrick, nhưng từ những gì được biết, có vẻ như anh đã sống một cuộc sống rất nhiều màu sắc trước khi hạ cánh máy bay trên đường phố New York.
Thomas Fitzpatrick sinh ra tại New York City vào năm 1930. Anh phục vụ trong Thủy quân Lục chiến Mỹ trên Mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II.
Sau khi được giải ngũ trong vinh dự khỏi Thủy quân lục chiến, thay vì bỏ lại cuộc đời quân ngũ, Fitzpatrick lại xin gia nhập Lục quân, tiếp tục phục vụ trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Bị thương trên chiến trường, anh được trao Huân chương Trái tim Tím và kết thúc đời lính.
“Tommy có một chút điên rồ”, Fred Hartling, một người hàng xóm cũ của Fitzpatrick, nói về viên phi công trẻ tuổi.
Sau khi rời quân ngũ, Thomas Fitzpatrick bắt đầu đam mê máy bay và đăng ký theo học tại Trường Hàng không Teterboro ở New Jersey. Năm 26 tuổi, anh trở thành một thợ cơ khí máy bay.
Vào ngày 30/9/1956, sau khi uống rượu tại quán St Nicholas trên đường Wahington Heights ở Manhattan (New York City), Fitzpatrick lái xe đến trường bay của mình. Anh mượn một chiếc máy bay một động cơ và bay trở lại quán rượu.
Ban đầu Fitzpatrick định hạ cánh xuống một công viên gần quán, nhưng do trời quá tối, anh đã chọn đường phố sáng đèn để đáp xuống. Fitzpatrick thực hiện một cú hạ cánh chính xác vào khoảng 3 giờ sáng trên Đại lộ St. Nicholas của Manhattan.
Khi người dân thức dậy, họ vô cùng ngạc nhiên thấy một chiếc máy bay nhỏ đậu giữa phố. Một nhân chứng là Jim Clarke cho biết: “Anh ta đã đánh cược với ai đó ở quán rượu rằng có thể trở lại quán Washington Heights từ New Jersey chỉ trong 15 phút”. Cuộc hạ cánh đầy ngẫu hứng cũng gây xôn xao trên các trang nhất báo chí địa phương.
Một cư dân khác tên Sam Garcia, khi đó chỉ là một đứa trẻ, nhớ lại: “Ban đầu tôi nghĩ có thể họ đã lái nó vào, như một trò đùa, bởi không cách nào ai đó có thể hạ cánh máy bay xuống con phố hẹp đó”.
Bất chấp nguy hiểm Fitzpatrick có thể gây ra với màn mạo hiểm trên không của mình, thật khó có thể phủ nhận anh đã trình diễn một màn hạ cánh gần như bất khả thi, bay xuyên qua những khe phố hẹp sát sạt nhà cao tầng, xe cộ, cột đèn. Tờ New York Times còn ca ngợi rằng đó là “một kỳ tích của ngành hàng không”.
Trên thực tế, ngay cả cảnh sát New York cũng rất ấn tượng. Trung sỹ Harold Behrens của Văn phòng Cảnh sát Hàng không cho biết, tỷ lệ thành công của một cú hạ cánh như vậy là 1/100.000.
Nhưng đó không phải là lần mạo hiểm cuối cùng của người cựu chiến binh. Vào ngày 5/10/1958, chỉ hai năm sau cú hạ cánh đầu tiên, Fitzpatrick đã đáp một chiếc máy bay khác xuống đường phố Manhattan. Lần này là một chiếc Cessna 120 màu đỏ kem.
Giống như lần đầu tiên, Fitzpatrick đáp xuống một cách trơn tru trên đường Amsterdam như thể đó là đường băng sân bay.
Cú hạ cánh nguy hiểm lần thứ hai được thực hiện sau khi một người bạn ở bang Connecticut tỏ ra không tin câu chuyện của Fitzpatrick về cuộc hạ cánh xuống Manhattan lần đầu tiên. Trong cơn rượu say ngà ngà, Fitzpatrick bốc đồng tuyên bố sẽ làm lại thử thách.
Hai người cùng nhau lái xe đến sân bay Teterboro của New Jersey, nơi Fitzpatrick tự động lên một chiếc máy bay một động cơ đậu trên đường băng.
Thật không may cho Fitzpatrick, anh ta đã thực hiện cú hạ cánh này khi không có giấy phép bay vì đã không thể gia hạn giấy phép hoạt động phi công sau bê bối lần đầu.
Sau khi thực hiện hành vi trái phép, Thomas Fitzpatrick trốn khỏi hiện trường và ban đầu còn chối tội. Nhưng lần này một số nhân chứng đã nhìn thấy anh ta đáp xuống phố. John Johnson, một thợ mộc địa phương khi đó đang lái xe máy, đã phải phanh gấp để tránh va chạm với máy bay của Fitzpatrick. Một nhân chứng khác là tài xế xe buýt Harvey Roffe, khi đó đang đỗ xe cũng cho biết Fitzpatrick bay sát sạt trên đầu. Theo bản năng, Roffe lao xuống sàn nằm bẹp vì sợ rằng chiếc máy bay sẽ xé toạc đầu xe buýt của anh ta.
Cú hạ cánh chính xác đầy ấn tượng của Thomas Fitzpatrick đã đi vào lịch sử, nhưng không có nghĩa là không gây ra hậu quả.
Sau cuộc hạ cánh xuống Manhattan lần đầu tiên vào năm 1956, Fitzpatrick bị buộc tội đánh cắp tài sản cá nhân giá trị lớn và vi phạm luật hành chính của New York, vốn cấm các máy bay đáp xuống đường phố. Chủ sở hữu chiếc máy bay đã bãi nại đối với tội danh đánh cắp tài sản, vì vậy Fitzpatrick chỉ bị phạt vi phạm hành chính 100 USD.
Nhưng lần thứ hai thì Fitzpatrick không may mắn như vậy. Fitzpatrick lại bị buộc tội đánh cắp tài sản giá trị lớn, hoạt động nguy hiểm và liều lĩnh với máy bay; hạ cánh trái phép trong thành phố và vi phạm các quy định của Cục Hàng không dân dụng khi bay không có giấy phép. Cuối cùng anh bị kết án 6 tháng tù giam.
Tuy nhiên nếu gạt yếu tố tội phạm sang một bên cũng như không tính đến rủi ro từ pha hạ cánh nguy hiểm thì khả năng lái máy bay tuyệt vời của Fitzpatrick vẫn là điều nhiều người muốn nhắc đến.
"Đó là một điều kỳ diệu - anh phải là một phi công tuyệt vời thì mới có thể hạ cánh sát sạt mọi thứ xung quanh”, chính Thẩm phán Mullen, người tuyên án Fitzpatrick, nói.
Ngày nay, với mức độ an ninh hàng không quanh thành phố được siết chặt sau vụ khủng bố ngày 11/9, rất có thể những màn hạ cánh tương tự như của Fitzpatrick sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Về phần mình, sau khi từ giã bầu trời, Fitzpatrick làm thợ đường ống trong suốt 51 năm đó và qua đời năm 2009 ở tuổi 79.