Trước năm 1944, các phóng viên Mỹ gốc Phi không bao giờ được phép tham dự một cuộc họp báo của tổng thống ở Nhà Trắng. Thế nhưng, có một người đã thay đổi được điều tưởng như không thể này. Đó là phóng viên Harry McAlpin.
Kỳ 1: Cuộc chiến trắng - đen
Vậy phóng viên Harry đã làm cách nào? Chắc chắn anh không phải là một người trông đáng sợ. Theo báo cáo của Sở Mật vụ, McAlpin tuổi, cao 1 mét 67, nặng 67 kg, mắt nâu, tóc đen và tầm thước. Anh ăn nói nhỏ nhẹ và lúc nào cũng lịch sự.
Phóng viên Harry McAlpin. |
Tuy nhiên, năm 1944, đối với những phóng viên điều hành Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng, McAlpin là người đáng sợ. Đối với họ, anh là một mối đe dọa vì anh không phải là một người giống họ. Anh không phải là người da trắng. Và chỉ cần một điểm khác biệt đó cũng đủ để khiến tổ chức dành cho nhà báo da trắng này đấu tranh quyết liệt ngăn cản McAlpin tham gia các cuộc họp báo của Nhà Trắng.
Thậm chí, ngay cả sau khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt cho phép McAlpin trở thành phóng viên Mỹ gốc Phi đầu tiên được tham gia họp báo của tổng thống, các nhà báo da trắng vẫn ngoan cố và tiếp tục hạ bệ anh. Tuy nhiên, những phóng viên “làm vương làm tướng” ở Nhà Trắng không phải là những người đầu tiên tìm cách ngáng chân McAlpin.
McAlpin sinh ra ở thành phố St. Louis của nước Mỹ. Giấc mơ học ngành báo chí tại trường Đại học Missouri của anh đã bị chặn đứng ngay từ đầu do trường này chỉ tuyển sinh viên da trắng. Chính sách phân biệt chủng tộc này đã khiến McAlpin phải vào Đại học Wisconsin.
Một cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ tại phòng Bầu dục. |
Sau khi tốt nghiệp năm 1926, McAlpin tới Washington làm phóng viên và biên tập viên cho tờ Washington Tribune - tờ tuần báo 5 năm tuổi phục vụ cộng đồng người da đen ở thành phố. Sau một thời gian tạm ngừng nghề viết lách để lấy bằng luật và làm các nghề khác, McAlpin cầm bút trở lại năm 1942, phụ trách mảng tin về Washington cho tờ Chicago Defender, một tờ báo của người Mỹ gốc Phi.
Chẳng bao lâu sau McAlpin thấy mình bị cuốn vào một cuộc chiến giữa trắng và đen. Nhiều năm sau lễ nhậm chức của Tổng thống Franklin D. Roosevelt năm 1933, các chủ bút và nhà xuất bản các tờ báo của người da đen ở Mỹ đã đấu tranh để phóng viên của họ có chân trong các cuộc họp báo hai lần mỗi tuần của tổng thống. Một tài liệu trong thư viện Franklin D. Roosevelt còn lưu rất nhiều yêu cầu của các tờ báo của người da đen cũng như phản đối của Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng.
Ước tính gần 5 triệu người Mỹ gốc Phi, tức hơn một nửa cộng đồng người da đen trên 14 tuổi, đọc một tờ báo dành cho cộng đồng của mình mỗi tuần. Nhưng ngoài Atlanta Daily World, mọi tờ báo đều là tuần báo. Đó chính là lý do mà Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng đưa ra để không cho phóng viên da đen len vào họp báo ở Nhà Trắng.
Thực ra, các phóng viên da trắng cũng không sai khi chỉ giới hạn thành phần tham dự họp báo cho các tờ báo ngày. Có lúc, phòng Bầu dục - nơi diễn ra họp báo - chật ninh ních với hơn 400 phóng viên tới tác nghiệp, khiến cho căn phòng này đông đúc một cách không thể chịu đựng nổi. Tuy nhiên, Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng cũng tìm cách lách cái lệ do chính mình đặt ra khi cho phép một số tờ tuần báo tham dự. Tất nhiên, không có ngoại lệ nào dành cho các tờ tuần báo Mỹ gốc Phi.
Trong bài viết năm 2002 điểm lại cuộc chiến giữa phóng viên da trắng và da đen tại Nhà Trắng, ông Earnest Perry Jr., lúc đó là giáo sư báo chí trường Đại học Texas Christian, có viết rằng Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng đối đầu với các tờ báo dành cho người da đen bằng “hình thức phân biệt chủng tộc công khai”. Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng đã trở thành một “câu lạc bộ kín độc quyền”, trong đó có yêu cầu rõ ràng về điều kiện gia nhập và các luật bất thành văn như không nhận phóng viên da đen.
Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu dần thay đổi năm 1943. Ngày 26/6, Tổng thống Liberia Edwin Barclay đã trở thành nguyên thủ quốc gia da đen đầu tiên tới thăm Nhà Trắng. Chuyến thăm khiến cả thành phố chấn động. Một trong những phụ tá của Tổng thống Roosevelt thậm chí còn giục ông cho lau nhà vệ sinh trong Nhà Trắng bằng dung lịch tẩy uế vì sợ rằng người châu Phi mang theo bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Phóng viên McAlpin đã phản ánh mọi khía cạnh trong chuyến thăm lịch sử đầu tiên này trong các tin bài viết cho tờ Chicago Defender, trong đó có những nhận định như luật phân biệt chủng tộc bị đánh bại thảm hại trong chuyến thăm và rằng Tổng thống Liberia Barclay đã viết nên một trang trong lịch sử khi trở thành người da đen đầu tiên ở qua đêm tại Nhà Trắng với tư cách là khách mời. Ông là diễn giả da đen đầu tiên phát biểu tại một cuộc họp ở quốc hội Mỹ. Bài báo của McAlpin viết: “Qua Bộ Ngoại giao, các cánh cửa đã mở ra với ông mà chưa từng mở ra với bất kỳ người da đen nào trước đó. Sự hiện diện của ông cũng đã mở cánh cửa cho những người da đen khác”.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Liberia Edwin Barclay tới Mỹ, tháng 11/1943, các chủ bút và nhà xuất bản da đen bắt đầu gặp thư ký báo chí Nhà Trắng Steve Early để bàn về việc cấp phép cho phóng viên da đen dự họp báo ở Nhà Trắng.
Tuy nhiên, mọi việc không hề diễn ra nhanh chóng và đơn giản.
Thùy Dương
Đón đọc kỳ tới: Người làm nên lịch sử