Quân Mỹ hơn 200 lần thảm sát thường dân trong Chiến tranh Triều Tiên

Cáo buộc trên được Ủy ban Sự thật và Hòa giải (TRC) của Hàn Quốc đưa ra gần đây sau khi xem xét những tập hồ sơ mật của Mỹ vừa được công bố và nghe hàng loạt nhân chứng còn sống người Hàn Quốc kể lại. Không chỉ có vậy, các quan chức TRC còn đang hối thúc chính phủ Hàn Quốc đứng ra làm đại diện, yêu cầu Mỹ điều tra, làm rõ các vụ thảm sát đó và bồi thường cho các nạn nhân bị thảm sát bởi quân đội Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên.

Quân Mỹ đang tấn công đổ bộ lên đảo Junggu.

Theo nhà sử học Ahn Byung-ook, Chủ tịch TRC, từ năm 1950 đến năm 1953, bên cạnh việc giúp Xơun chống lại sự tiến công của Bình Nhưỡng, quân đội Mỹ cũng đã biến rất nhiều người dân vô tội của Hàn Quốc trở thành nạn nhân của những phát đạn oan nghiệt. Sau hơn nửa thế kỷ phủ bụi thời gian, cuối cùng, sự thật khủng khiếp này cũng dần được phơi bày. Ban đầu là việc người Mỹ ngầm cho phép quân đội Hàn Quốc thảm sát chính trị phạm (báo Tin Tức số ra ngày 14/7/2008 đã đăng bài về vấn đề này). Nhưng dần dà, chính quân đội Mỹ lại nhúng chàm.

Quân Mỹ đang đốt phá cơ sở hạ tầng trên đảo Junggu.

Ngày 26/6/1950, từ phía bên kia cây cầu đường sắt ở No Gun-ri (Chong Cheongbuk-do), các binh sĩ thuộc Trung đoàn kị binh số 7 của Mỹ phát hiện có hàng trăm thường dân không vũ trang, trong đó đại bộ phận là phụ nữ và trẻ em đang tiến về nơi họ ém quân. Lo ngại có quân của CHDCND Triều Tiên trà trộn vào trong những người dân đang tìm đường tị nạn, các binh sĩ Mỹ đã nổ súng. Nhiều cựu binh Mỹ nhớ lại, khi đó, một nửa số lính của Trung đoàn kị binh số 7 đã khai hỏa nhằm vào dòng người tị nạn và cơn mưa đạn kéo dài 30 phút, làm thiệt mạng khoảng 400 thường dân vô tội.

 

Tội ác trên đã được một nhóm phóng viên của hãng AP phơi bày năm 1999. Với phóng sự nổi tiếng này, năm 2000, nhóm phóng viên AP đã được giải thưởng báo chí Pulitzer. Sức ép dư luận buộc Nhà Trắng phải mở một cuộc điều tra công khai. Hơn một năm sau, Oasinhtơn chính thức đưa ra kết luận, khẳng định quân đội Mỹ đồn trú tại No Gun-ri đã thiếu tự tin khi giải quyết với đám đông dân tản cư, nên đã để xảy ra sự việc đáng tiếc trên. Đương nhiên, điều đó đã không làm thoả mãn dư luận Hàn Quốc. Gần hai năm rưỡi trước, TRC được thành lập, phụ trách việc điều tra những gì đã xảy ra trong Chiến tranh Triều Tiên. Với nỗ lực không mệt mỏi, các thành viên TRC đã phanh phui hàng loạt vụ thảm sát khác ở Hàn Quốc sau sự kiện No Gun-ri.

Nhân chứng Cho Byung-woo đang kể lại việc quân Mỹ thả bom Napal xuống cửa động tháng 1/1951.

Ngày 10/9/1950, 43 chiếc máy bay của không quân Mỹ đã dội 93 quả bom napal xuống đảo Junggu gần Incheon. Sau khi thu thập chứng cứ, các nhân viên điều tra của TRC kết luận: Hôm đó trời nắng, quang mây và ở tầm bay thấp, không có chuyện các phi công Mỹ gặp phải khó khăn trong việc phân biệt mục tiêu dưới mặt đất. Dẫu thế, hơn 100 người dân nơi đây vẫn phải vĩnh viễn ra đi trong một ngày thời tiết rất đẹp như vậy.

 

Không dừng lại, ngày 20/1/1951, 11 chiếc máy bay của không quân Mỹ đã thả bom napal xuống những người dân đang trốn trong một động núi ở Danyang - gun, làm hơn 300 thường dân thiệt mạng. Khi đó mới 9 tuổi, nhưng nhân chứng Cho Byung-woo vẫn còn nhớ như in hình ảnh những người vốn là bà con hàng xóm của mình vì sợ quân Mỹ đánh vào làng mà trốn lên đây, hoảng loạn gào thét một cách tuyệt vọng trong lửa và khói. Bố của Cho Byung-woo đã dùng hết sức để đưa con ra khỏi động núi. Tóc của Cho Byung-woo cháy xém. Trên trời, những chiếc máy bay Mỹ vẫn truy đuổi theo những con người đang tứ tán tìm chỗ ẩn núp.

 

Trước đó một ngày, không quân Mỹ đã ba lần tiến công đường không nhằm vào một ngôi làng cách Xơun 160 km về phía đông nam, làm ít nhất 51 người chết, trong đó có 16 trẻ em. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, máy bay Mỹ lại thả bom napal xuống một động núi gần ngôi làng trên, khiến 167 người thiệt mạng, trong đó phân nửa là phụ nữ. Cựu binh George Wolfbourg, người từng tham gia vào hành động tác chiến này tỏ ra vô cùng hối hận vì những tội lỗi gây ra trong Chiến tranh Triều Tiên, khẳng định anh đã nhận được mệnh lệnh tấn công những người Hàn Quốc đang tìm đường chạy nạn.

 

Cho Kook-won, một nạn nhân may mắn sống sót, nhưng mất tới 4 người thân trong một đợt thảm sát của lính Mỹ, năm nay đã 78 tuổi, cho rằng chính phủ Mỹ phải bồi thường cho các nạn nhân bị thảm sát bởi đó là lỗi của quân đội Mỹ. Các nhà lập pháp Hàn Quốc cũng yêu cầu Ủy ban Thượng viện Mỹ phối hợp điều tra về những vụ việc trên. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ vẫn giữ thái độ im lặng trước những cáo buộc của TRC. Sứ quán Mỹ tại Xơun cũng cho biết Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa đề cập với họ về vấn đề bồi thường. Phát ngôn viên sứ quán, Aaron Tarver nói rằng họ không theo dõi những phát hiện của TRC.

 

Minh Thành (Theo AP, THX và International Herald Tribune)

Cuộc đời người lính Mỹ
Cuộc đời người lính Mỹ

Sau khi bị gãy chân trong lần đầu tiên hành quân đến Afghanistan, anh lính hải quân Mỹ Matthew Callahan đã cầm lấy chiếc máy ảnh và luyện tập để trở thành một phóng viên ảnh chiến trường, ghi lại hình ảnh về các đồng đội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN