Trong cơn hỗn loạn của cuộc cách mạng và cuộc nội chiến sau đó, các cung điện hoàng gia bị cướp phá. Bất kỳ tài sản nào chưa bị bọn du côn cướp đi thì cũng bị chính phủ chuyển tiếp tịch thu. Những quả trứng Phục sinh do ông Faberge làm ra đã biến mất trong thời gian đó, một số mất tích hẳn.
Năm 1922, khoảng 40 quả trứng Phục sinh được phát hiện trong một nhà kho của chính phủ Nga tại Moskva. Tại thời điểm đó, chính quyền Liên Xô cần nguồn ngoại tệ và trong hơn thập kỷ tiếp theo, họ đã bán gần hết số trứng Phục sinh cho người nước ngoài, chỉ còn lại 10 quả.
So với giá ngày nay của các quả trứng Phục sinh được Faberge chế tác, thì chính phủ Liên Xô thời đó đã bán những tác phẩm nghệ thuật này với giá rất “bèo”. Tuy nhiên, trong thời đại mà những danh họa như Pablo Picasso và Henri Matisse đang tạo ra một cuộc cách mạng nghệ thuật thế giới thì những quả trứng Phục sinh khi đó bị coi là lòe loạt, lỗi thời và thiếu thẩm mỹ. Các bảo tàng và phần lớn nhà sưu tập không thích thú gì với trứng Phục sinh. Và vì lý do này, những người mua đầu tiên có thể có trong tay những quả trứng Phục sinh tinh xảo mà chỉ phải bỏ ra một số tiền ít ỏi. Trong một số trường hợp, người ta chỉ phải trả một phần nhỏ giá trị của quả trứng so với những gì ông Faberge bỏ ra để chế tác.
Ông Alexander Schaffer, một người Mỹ buôn bán tác phẩm nghệ thuật Nga thời kỳ tiền cách mạng, đã mua quả trứng Peter Đại đế (Peter the Great) được chế tác năm 1903 từ Cơ quan Hải quan Mỹ với giá 1.000 USD (khoảng 13.500 USD ngày nay). Đây là quả trứng mà Sa hoàng Nicholas II tặng Hoàng hậu Alexandra. Ông Schaffer đã chớp được cơ hội mua quả trứng sau khi người mua ban đầu ngần ngại trả thuế nhập khẩu. Khi thấy ông Schaffer mua quả trứng, các nhà buôn khác cho rằng ông này lẩn thẩn vì trả cái giá đó chỉ để lấy một quả trứng Phục sinh.
Ông Forbes và bộ sưu tập trứng Phục sinh Hoàng gia Nga. |
Năm 1930, doanh nhân người Mỹ Armand Hammer đã mua 10 quả trứng. Trong đó, quả Chữ thập đỏ (Red Cross) được chế tác năm 1915 có giá 240 USD (3.200 USD thời nay). Còn quả Czarevich được làm năm 1912 được ông mua với giá 3.900 USD (tức 53.000 USD thời nay). Cả hai quả đều là quà mà Sa hoàng Nicholas II tặng Hoàng hậu Alexandra.
Ông Hammer đã thất vọng vì không thể bán sớm mấy quả trứng để kiếm lời. Mất hơn 10 năm ông mới bán hết được số trứng Phục sinh cho dù muốn bán tống bán tháo. Ông Hammer, ông Schaffer và các nhà buôn khác đã bán được các quả trứng Phục sinh cho các nhà sưu tập mới phất vốn nhiều tiền hơn là thẩm mỹ. Một trong số các nhà sưu tập này có thể kể tới là bà Lillian Thomas Pratt, vợ của một giám đốc hãng General Motors. Bà này đã mua quả trứng Phục sinh Faberge đầu tiên năm 1933. Bà có thể sẽ mua hết cả 5 quả nếu như chồng bà không dọa kiện ông Hammer trong trường hợp ông định bán thêm trứng cho bà.
Người thừa kế tập đoàn bán ngũ cốc ăn sáng Post, Marjorie Merriweather Post, đã mua hai quả trứng Faberge: quả Chân dung Alexander III năm 1896 và quả Catherine Đại đế năm 1914. Cả hai đều là món quà mà Sa hoàng Nicholas II tặng mẹ.
Những năm 1950, hai vợ chồng chủ tập đoàn sản xuất dập ghim Swingline là Jack và Belle Linsky đã thu thập được một số lượng lớn trứng Phục sinh do ông Faberge chế tác, trong đó có quả Causasus năm 1893 và quả Phục hưng năm 1894. Cả hai là món quà mà Sa hoàng Alexander III tặng Hoàng hậu Marie Feodorovna. Tuy nhiên, khi hai vợ chồng nhà Linsky khoe bộ sưu tập giá trị với giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, ông này đã coi mấy quả trứng là “đồ trang sức rẻ tiền của thế kỷ” và gợi ý họ chuyển hướng sang sưu tập các món đồ nghiêm túc hơn. Hai vợ chồng Lynsky nghe lời khuyên của ông này và bán hết những thứ do Faberge chế tác.
Chẳng bao lâu, vợ chồng Lynsky và các nhà sưu tập khác sẽ sớm hối hận vì bán trứng Phục sinh Faberge quá sớm và quá rẻ. Người được lợi lớn là ông Malcolm Forbes, nhà xuất bản tạp chí Forbes. Năm 1965, ông đã mua quả trứng Faberge đầu tiên của mình là quả Đồng hồ con rắn hồng (Pink Serpent Clock) được chế tác năm 1902. Ông Forbes đã trả 50.000 USD cho quả trứng, gấp ba giá trị bán đấu giá và là giá kỷ lục với một quả trứng Faberge. Ông mua quả thứ hai là Phục hưng ngay cùng chiều mua quả trứng đầu tiên. Trong 15 năm sau đó, mỗi khi có quả trứng Phục sinh nào của Faberge được rao bán, ông Forbes đã trả bất kỳ giá nào để bổ sung nó vào bộ sưu tập. Tới năm 1985, ông đã đẩy mức giá lên 1,7 triệu USD/quả khi mua quả trứng Đồng hồ Cuckoo (Cuckoo Clock) được chế tác năm 1900.
Tháng 2/1990, ông Forbes chết ở tuổi70. Khi đó, ông đã mua 9 quả trứng Phục sinh Hoàng gia Nga, cộng thêm ba quả khác mà ông Faberge làm cho các khách hàng khác, chưa kể đến 180 món đồ ra đời trong xưởng kim hoàn của ông Faberge. Người ta tự hỏi liệu trứng Phục sinh có giữ được giá trị khi ông Forbes không có mặt tại mọi cuộc đấu giá để mua bằng được.
Năm 1992, các con của ông Forbes đã bỏ qua cơ hội bổ sung quả trứng Phục sinh Hoàng gia Nga thứ 10 vào bộ sưu tập gia đình khi quả Chiến lợi phẩm tình yêu (Love Trophies) được đưa ra đấu giá và họ thậm chí còn không tham gia. Quả này được bán với giá 3,2 triệu USD.
Khi quả Mùa đông (Winter) được đem đấu giá năm 1996, họ lại bỏ qua. Lần này, quả trứng có giá 5,6 triệu USD và 9,6 triệu USD khi chủ mới đem đấu giá quả trứng năm 2002. Khi con cái ông Forbes quyết định bán đấu giá toàn bộ số trứng Faberge của cha năm 2004, một tỷ phú Nga tên là Victor Vekselberg đã mua toàn bộ với giá trên 100 triệu USD. Giá trứng tiếp tục tăng khi một quả khác được chế tác cho gia đình Rothsschild có giá 18,5 triệu USD năm 2007.
Tính tới năm 2015, 43 trong tổng số 50 quả trứng Phục sinh hoàng gia Nga đã được tìm thấy. Còn 7 quả bị thất lạc. Một số là nạn nhân của Cách mạng Nga, nội chiến hoặc Chiến tranh thế giới thứ hai.