Sally Ride - Người phụ nữ Mỹ đầu tiên vào vũ trụ

Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi bà là “một anh hùng dân tộc và một hình mẫu mạnh mẽ, đã truyền cảm hứng vươn tới các vì sao cho nhiều thế hệ phụ nữ trẻ”. Cựu phi hành gia Charles Bolden nhận định: “Bà đã phá vỡ những rào cản giới tính và thay đổi bộ mặt của chương trình vũ trụ Mỹ. Đất nước đã mất đi một trong những người tài giỏi nhất”.


Đó là những lời ca ngợi dành cho bà Sally Ride, người phụ nữ Mỹ đầu tiên đặt chân vào vũ trụ năm 1983 - lĩnh vực mà trước đó ngoài nam giới thì chỉ có phụ nữ Liên Xô đạt được. Qua đời ngày 23/7/2012 vì ung thư tuyến tụy, bà đã gợi lại cho nước Mỹ và thế giới về một thời điểm bước ngoặt cho nữ giới và cho lịch sử vũ trụ Mỹ.


 

Tổng thống Barack Obama bắt tay bà Sally Ride nhân một sự kiện ngày 23/11/2009.

 

Sinh ra ở thành phố Encico, bang California ngày 26/5/1951, niềm đam mê thuở nhỏ mà cô con gái của ông bà Dale Ride theo đuổi không phải là vũ trụ mà lại là quần vợt. Sau khi giành được một suất học bổng quần vợt của trường Westlake dành cho nữ giới ở Los Angeles, cô bỏ trường cao đẳng Swarthmore để theo đuổi sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp.


Nhưng chẳng bao lâu sau, Sally nhận ra rằng quá trình luyện tập chăm chỉ của cô là chưa đủ để cô có thể cạnh tranh được trong làng quần vợt quốc tế. Sally quay về với chuyện học hành, đăng ký học trường Đại học Stanford.


Năm 1977, Sally 27 tuổi và cô đã có thành tích học tập đáng nể với tấm bằng cử nhân vật lý, cử nhân tiếng Anh và chuẩn bị học bằng tiến sĩ lĩnh vực vật lý học thiên thể.


Một lần, khi đọc báo của Đại học Stanford, Sally tình cờ đọc được mẩu thông tin tuyển phi hành gia của NASA và quyết định nộp đơn. Trong hơn 8.000 người đăng ký, chỉ có 35 người được chấp nhận, trong đó có 6 phụ nữ mà Sally là một trong số đó.


 

Sally Ride liên lạc với mặt đất từ tàu Challenger.

 

Sau khi nhận được quyết định trở thành phi hành gia tháng 1/1978, Sally bắt đầu giai đoạn đánh giá, huấn luyện kéo dài một năm. Cô gái đã phải trải qua quá trình tập luyện căng thẳng với những buổi tập nhảy dù, tập luyện trong môi trường nước, môi trường trọng lực và không trọng lực, liên lạc vô tuyến… Khóa huấn luyện vất vả đã kết thúc tháng 8/1979. Sau khóa học, cô đủ điều kiện để làm một chuyên gia trong đội phi hành đoàn tàu con thoi vũ trụ. Sau đó, Sally làm liên lạc viên dưới mặt đất cho chuyến bay thứ hai và ba STS-2 và STS-3 của tàu con thoi vũ trụ.


Năm 1983, Sally Ride trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên vào vũ trụ trên tàu con thoi Challenger lúc 32 tuổi. Cô bay trên chuyến tàu STS-7 phóng từ trung tâm vũ trụ Kennedy ngày 18/6 cùng chỉ huy Robert Crippen, phi công Frederick Hauck và hai đồng nghiệp John Fabian, Norman Thagard. Đây là chuyến bay thứ hai của tàu Challenger và là sứ mệnh đầu tiên có tới 5 thành viên phi hành đoàn. Sứ mệnh kết thúc sau 147 giờ và tàu Challenger hạ xuống căn cứ không quân Edwards ở California ngày 24/6/1983.


Sau chuyến bay lịch sử với tư cách là người phụ nữ Mỹ đầu tiên vào vũ trụ, Sally Ride tham gia một sứ mệnh tiếp theo kéo dài 8 ngày năm 1984 cũng trên tàu Challenger. Tháng 1/1986, khi tàu Challenger nổ, Sally đã trở thành một thành viên của Ủy ban điều tra của tổng thống về vụ tai nạn tàu con thoi Challenger.


Sau khi kết thúc điều tra, Sally được điều đến tổng hành dinh của NASA với tư cách là trợ lý đặc biệt về quy hoạch chiến lược.


Rời NASA năm 1987, bà nhận lời làm thành viên khoa học tại Trung tâm kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế của trường Đại học Stanford. Năm 1989, bà trở thành Giám đốc Viện vũ trụ California và là giáo sư vật lý của trường Đại học California.


Bà thành lập tổ chức Imaginary Lines, một tổ chức hỗ trợ nữ giới quan tâm đến nghiên cứu khoa học, toán học và kỹ thuật. Tổ chức này điều hành câu lạc bộ khoa học Sally Ride dành cho các nữ sinh trung học trên toàn nước Mỹ.


Trong suốt cuộc đời, bà Sally Ride đã giành được rất nhiều giải thưởng, trong đó có giải dịch vụ công Jefferson, giải thưởng Braun của Hội vũ trụ quốc gia… Bà hai lần được tặng thưởng huy chương của NASA. Ở Mỹ, có hai trường tiểu học mang tên bà, một ở Woodlands (Texas) và một ở Germantown (Maryland).


Cuộc sống riêng tư của bà Sally không được tiết lộ nhiều. Năm 1982, bà kết hôn với phi hành gia NASA Steve Hawley nhưng đã ly hôn năm 1987. Từ năm 1985 đến khi chết, bà gắn bó với nữ tiến sĩ Tam E. O'Shaughnessy, một người bạn đánh quần vợt thời còn trẻ. Mối quan hệ đồng tính của hai người được chị gái bà Sally và tổ chức khoa học Sally Ride xác nhận sau khi bà qua đời. Chị gái bà cho biết bà Sally muốn giữ thông tin này bí mật khi còn sống.



Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN