Charles Sobhraj bị Interpol chú ý lần đầu tiên vào năm 1973, khi hắn liên quan tới một vụ cướp đồ trang sức bất thành ở khách sạn Ashoka. Trong hồ sơ của Interpol, thông tin về hắn khá chi tiết nhưng lại không có gì dính dáng đến những vụ giết người mặc bikini ở Thái Lan.
Sobhraj bị cảnh sát dẫn giải. |
Ở Bombay (Ấn Độ), Sobhraj và Marie bắt đầu lập âm mưu mới. Sobhraj lại thành lập nhóm khác. Hắn đưa về hai phụ nữ phương Tây bị lạc đường tên là Mary Ellen và Barbara. Hắn còn đánh thuốc mê một người đàn ông Pháp tên là Jean-Luc Solomon nhưng không may, Jean-Luc không chịu nổi thuốc mê và chết. Bốn người gồm Sobhraj, Marie, Mary Ellen và Barbara lên đường tới Niu Đêli – nơi mà Sobhraj muốn thực hiện âm mưu mới. Hắn nhanh chóng bám theo một nhóm sinh viên người Pháp đang đi du lịch và tình nguyện trở thành hướng dẫn viên du lịch cho họ quanh thành phố. Nhóm sinh viên vui mừng vì tìm được một người đồng hương ở nơi xa xôi như vậy. Khi hắn khuyên họ uống một loại thuốc để phòng bệnh lỵ, nhiều người đã uống và cảm ơn hắn.
Sobhraj định đợi đến lúc các sinh viên buồn ngủ rồi cướp tư trang trong khách sạn của họ nhưng mọi sự lại diễn ra ngoài ý muốn. Thuốc ngấm quá nhanh khiến cho các sinh viên chưa lên đến phòng đã lăn ra khắp sảnh khách sạn. Khi nhận ra rằng chỉ những ai uống thuốc của Sobhraj mới bị ngất, các sinh viên còn lại đã trói nghiến Sobhraj lại và giao cho cảnh sát. Ngày tàn của Sobhraj đã đến.
Cảnh sát nhanh chóng bắt những người cùng đi với Sobhraj. Barbara và Mary Ellen khai tất cả những gì họ biết. Trong hai tuần thẩm vấn căng thẳng, Sobhraj vẫn một mực khẳng định gã là một nhà buôn người Pháp. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng chống lại hắn được gửi từ mọi ngõ ngách trên thế giới, khiến hắn không còn sức lực để biến báo. Cảnh sát Thái Lan đã dành sẵn cho hắn ít nhất 20 năm tù vì các vụ giết người trên đất Thái. Chính quyền Nêpan, Ấn Độ cũng muốn thẩm vấn hắn về các vụ mưu sát xảy ra ở đây. Trong khi đó, chính quyền Hy Lạp và Ápganixtan lại muốn xem xét các vụ trốn ngục của Sobhraj. Kết cục, hắn cùng đồng phạm bị giải tới nhà tù Tihar khét tiếng ở ngoại ô Niu Đêli.
Trong khi ba người phụ nữ không thể chịu đựng được cảnh sống bẩn thỉu, tàn ác, đói khổ trong tù thì Sobhraj vẫn nhởn nhơ như không. Hắn biết luật ngầm ở Ấn Độ và hắn giấu trong người hơn 70 cara đá quý. Hắn không sợ ngồi tù đến chết dần chết mòn mà kiên nhẫn chờ đợi thời cơ với niềm tin rằng sẽ tìm được cách trốn thoát.
Giữa những năm 1970, chính quyền Ấn Độ chấn chỉnh lại hệ thống luật pháp. Các nhà tù nước này chật cứng tù nhân chính trị và tội phạm. Phải sau 2 năm ngồi “bóc lịch”, Sobhraj và Marie mới đến lượt ra hầu tòa. Trong khi Sobhraj vẫn ổn thì Mary Ellen và Barbara luôn tìm cách tự tử. Tòa án Ấn Độ đã tuyên án Sobhraj phạm tội đánh thuốc mê, cố tình gây thương tích cho người khác để cướp bóc. Marie không bị kết tội nhưng phải quay lại nhà tù Tihar chờ phiên tòa xử vụ đánh thuốc mê nhóm sinh viên Pháp. Cô ta bị phạt tù một thời gian rồi được thả sau khi bị ung thư buồng trứng. Marie chết tại nhà riêng ở Canađa và lúc hấp hối vẫn khẳng định tình yêu dành cho Sobhraj – kẻ đã làm đời mình tàn lụi.
Sobhraj đối mặt với án tử hình. Các công tố viên đấu tranh kịch liệt để Sobhraj chịu mức án đó. Rõ ràng là hắn đã giết rất nhiều người ngoài Jean-Luc Solomon và nếu được thả, chắc chắn hắn sẽ giết tiếp. Tuy nhiên, Sobhraj cãi rằng quãng thời gian hắn ở trong nhà tù Tihar đã là một sự trừng phạt thích đáng rồi. Không biết Sobhraj có tìm cách mua chuộc quan tòa hay không. Chỉ biết, cả thế giới giật mình khi nghe tin tòa án Ấn Độ chỉ kết án hắn có 7 năm tù. Sobhraj cũng bị kết án thêm 5 năm tù vì âm mưu cướp bất thành các du khách người Pháp. Như vậy, 12 năm tù rõ ràng tốt hơn rất nhiều so với cái chết. Sau khi mãn hạn tù ở Tihar, hắn sẽ bị giải về Thái Lan ngay lập tức để chịu án ở đây.
12 năm là quãng thời gian khá dài. Các nhân chứng có thể sẽ chết, trong khi các công tố viên cũng mất nhiệt huyết với vụ án. Sobhraj biết rằng trốn tù Tihar là điều đơn giản nhưng sống thế nào ngoài tù mới là vấn đề vì lúc đó hắn sẽ là tội phạm quốc tế bị truy nã. Hắn quyết định ở lại Tihar vài năm để lên kế hoạch mới.
Dần dần, Sobhraj gần như thống trị nhà tù Tihar. Hắn coi cả lính gác và tù nhân là bạn bè của mình. Trong tù nhưng với số đá quý giấu được, Sobhraj tự do tiếp khách, dùng điện thoại di động, xem TV, ăn thức ăn ngon, uống rượu sang thoải mái. Để đánh dấu mốc 10 năm trong tù, hắn đã tổ chức một bữa tiệc mời “bạn bè”. Lần này, thuốc ngủ có ngấm lúc nào cũng chẳng thành vấn đề. Khi lính gác và bạn tù lăn ra sàn giữa bữa tiệc, Sobhraj lẻn ra khỏi nhà tù Tihar.
Thực ra, lúc đó hắn không định trốn tù mà muốn ở thêm vài năm nữa. Vì thế, hắn lại để cho cảnh sát bắt vì tội đánh thuốc ngủ và trốn tù. Ván bài của hắn đã thành công. Thêm vài năm nữa trong tù, chính quyền khắp nơi trên thế giới quên bẵng Sobhraj. Vụ giết các phụ nữ mặc bikini ở Thái Lan cũng “chìm xuồng” theo thời gian khi nhân chứng và bằng chứng không còn nữa.
Thùy Dương
Đón đọc kỳ cuối: Trả giá